Nối nhịp cầu xuất bản Việt - Trung

20/11/2024 - 08:31

PNO - Gần đây, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa trong ngành xuất bản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra. 2 tác phẩm viết về văn hóa Việt phiên bản tiếng Trung đã được Chibooks cho ra mắt độc giả Trung Quốc.

Từ ngày 16 - 19/11, Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại TP Nam Ninh (Trung Quốc). Tại đây, đại diện từ Việt Nam là Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã cho ra mắt phiên bản tiếng Trung của 2 tác phẩm trong tủ sách Văn hóa Việt (dự án xuất khẩu sách Việt của Chibooks) là Vắt qua những ngàn mây (Đỗ Quang Tuấn Hoàng) nói về chuyến đi dọc theo đất nước và Người Hà Nội - Chuyện ăn chuyện uống một thời (Vũ Thế Long) xoay quanh đời sống ẩm thực của thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây là lần đầu sách thuộc tủ sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và xuất bản chính thức tại “đất nước tỉ dân”. Sự kiện lần này cũng đánh dấu lần đầu tác giả Việt Nam đến Trung Quốc giao lưu, với sự góp mặt của bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks - và tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Bà Nguyễn Lệ Chi và tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tại Tuần lễ sách Việt Nam - ASEAN - Nguồn ảnh: Chibooks
Bà Nguyễn Lệ Chi và tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tại Tuần lễ sách Việt Nam - ASEAN - Nguồn ảnh: Chibooks

Chia sẻ tại sự kiện, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho biết: “Đây là cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản tại nước ngoài, vì vậy tôi rất hạnh phúc. Khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ được đi dọc đất nước Việt Nam, khám phá những vùng đất, những con người, lưu giữ những tri thức bản địa, những nét văn hóa bản địa độc đáo, những nghề truyền thống thú vị ở Việt Nam”.

Bà Nguyễn Lệ Chi chia sẻ, để có buổi ra mắt sách này, bà cũng như Chibooks đã không ngừng nỗ lực trong hành trình gần 20 năm để đưa sách Việt ra khỏi biên giới, bắt đầu từ việc giới thiệu tác phẩm văn chương của những nhà văn nổi tiếng trong nước. Do đó, có thể hy vọng, từ 2 tác phẩm này, những tựa sách khác trong tủ sách Văn hóa Việt sẽ tiếp tục sớm ra mắt độc giả Trung Quốc.

Trong tuần lễ văn hóa này, Chibooks cũng đã ký tham gia Tổ chức hợp tác xuất bản quốc tế cùng các đơn vị khác của Campuchia, Myanmar, Trung Quốc…; ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Truyền thông quốc tế Hoa Sơn nhằm tăng cường hợp tác xuất bản, giao lưu văn hóa… Trong tương lai, những cuốn sách trên sẽ góp phần giúp độc giả Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung thêm hiểu và thêm yêu thích văn hóa bản địa Việt Nam. Bởi văn hóa bản địa là cốt lõi của văn hóa từng dân tộc, việc hiểu được sự khác biệt cũng như những nét tương đồng trong văn hóa của nhau sẽ giúp các dân tộc gần nhau hơn.

Dịch giả Chu Dương - người chuyển ngữ tác phẩm Vắt qua những ngàn mây sang tiếng Trung - chia sẻ: ông đến với dự án xuất phát từ sự yêu thích riêng với cuốn sách, khi nó không chỉ giới thiệu một cách chi tiết về cuộc sống của người dân ở vùng núi phía Bắc Việt Nam mà còn tái hiện bức tranh tuyệt đẹp về phong tục tập quán nơi đây. Ông cũng hy vọng “cuốn sách có thể mang đến một cảm giác hoàn toàn mới về Việt Nam cho độc giả Trung Quốc; đồng thời sẽ có thêm nhiều bạn đọc, thông qua cuốn sách này, sẽ thật sự tìm đến nước bạn thăm thú và nhìn ngắm, thật sự gắn kết con người cũng như xem thử một Việt Nam chân thực sẽ ra sao”.

Nguyễn Khắc Ngân Vi tại một buổi tọa đàm trong khuôn khổ chương trình lưu trú viết văn. Ảnh: Nhân câvjt cung cấp
Nguyễn Khắc Ngân Vi tại một buổi tọa đàm trong khuôn khổ chương trình lưu trú viết văn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ có những bước tiến ở lĩnh vực trao đổi văn hóa, sự kết nối văn chương giữa 2 đất nước cũng được xúc tiến. Mới đây, câu văn: “Tinh thần thời đại là thứ vừa có mặt con người đồng thời lại vắng mặt con người” trong tiểu thuyết Vạn sắc hư vô của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Ngân Vi đã được đưa vào đề thi môn văn của học sinh năm cuối cao trung ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ngân Vi cho biết - trên một trang mạng - đề bài nói trên đã được bàn luận xôn xao, thu hút gần 500 bình luận, chia sẻ. Điều trùng hợp là trong thời gian qua, nữ tác giả cũng đã tham gia chương trình viết văn Shanghai Writing Program 2024 kéo dài 2 tháng tại Thượng Hải, với các cây bút từ nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Áo, Nhật Bản, Phần Lan…

Khởi xướng từ năm 2008, chương trình thường niên này đã thu hút 107 nhà văn từ 39 quốc gia. Trong thời gian tham gia chương trình, họ sẽ sáng tác những tác phẩm có sự xuất hiện của nước sở tại dù về vật chất hay tinh thần. Đây là sự kiện có phần tương đồng với Chương trình viết văn quốc tế nổi tiếng được Đại học Iowa của Mỹ khởi xướng từ năm 1967. Chia sẻ về trải nghiệm của mình, Nguyễn Khắc Ngân Vi đã so sánh sự kết nối của bản thân với Thượng Hải như một “mối tình lãng mạn kéo dài nhiều năm” bởi “2 thành phố có nhiều điểm tương đồng và thứ quan trọng hơn tất thảy đó chính là tinh thần”.

Các tác phẩm nói trên như nhịp cầu trong hợp tác xuất bản Việt - Trung, từ đó “viết tiếp những trang mới tràn đầy tình hữu nghị, cảm thông và hợp tác” như bà Nguyễn Lệ Chi kỳ vọng.

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI