Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

09/09/2018 - 06:00

PNO - Căn phòng ngay bệnh viện Từ Dũ này - nơi mẹ đã cùng con trải qua những ngày tháng đầu đời thật khó quên. Nơi mẹ đã lóng ngóng những việc đầu tiên của thiên chức làm mẹ.

Mẹ vẫn có chút tần ngần khi thu dọn vật dụng, chuẩn bị cho cuộc về nhà của mẹ con mình. Hai tháng tròn, căn phòng nhỏ ở lầu ba của một nhà trọ trong hẻm, gần sát bên Từ Dũ đã khiến mẹ cảm thấy ít nhiều quen thuộc.

Noi nao qua, long lai chang yeu thuong?
Nào con gái, chúng ta về nhà thôi. Hình minh họa

Ba quyết định chọn địa điểm này để mẹ con mình ở lại cho gần bệnh viện, có gì cũng đỡ lo… Bởi con gái mẹ được sinh ra thiếu tháng, bé xíu xiu. 

Mẹ cũng không đủ khỏe để có thể quay về nhà ngay sau cuộc vượt cạn. Nên không giống như những cặp mẹ con khác, gia đình mình vẫn chưa về nhà, mà tiếp tục “la cà” tới tận bây giờ…

Con chào đời sau hơn mười năm mong ngóng chạy chữa của ba mẹ, trong nỗi thắc thỏm lo âu và bao nhiêu nguy cơ mẹ phải đối mặt. Tới mức, ba mẹ đã phải gồng gánh lên tận thành phố chạy chữa, rồi ở lại nghỉ dưỡng thai.

Ba mẹ gác bỏ công việc và nhịp sống êm ả quen thuộc. Hành trình gian nan đó, có trải qua mới thấu hiểu cảnh mẹ bầu lặc lè di chuyển, tìm kiếm chỗ ở, chưa kịp “an cư” bao lâu đã vội lấy bệnh viện làm nhà.

Không đếm hết những lần mẹ con mình ra vô nhiều bệnh viện khác nhau. Mẹ chấp nhận đánh đổi sức khỏe, sự nghiệp và suýt nữa là cả tính mạng, để lấy cơ duyên làm mẹ con của nhau trong đời…

Hơn hai tháng trước khi sinh và cũng chừng ấy thời gian sau khi trải qua chuyến vượt cạn đầy sóng gió, mẹ và con đã nhiều đợt tưởng đâu đành bỏ buộc. Chạm tới tận cùng cảm xúc tuyệt vọng, đau đớn lẫn thắc thỏm vui mừng, khi mẹ bị dọa sẩy thai, rồi vỡ ối, rồi tiểu đường, rồi cao huyết áp, rồi đôi mắt của một đứa trẻ sinh non thiếu ký… Nỗi vất vả sợ hãi ấy, mẹ đều tự nhủ mình nhất định sẽ vượt qua. Chỉ cần mẹ luôn nhớ rằng, nay mẹ đã có con bên cạnh.

Con gái bé bỏng chưa có dịp kỷ niệm đầy tháng đúng nghĩa, chưa được ở trong mái ấm của gia đình mình. Những thiếu thốn tạm bợ ấy, mẹ xót xa thương con sớm phải trải qua.

Nhưng có hề gì phải không con, khi hàng tuần ba con lặn lội mấy trăm cây số lên thăm mẹ con mình. Ba dành hết hai ngày nghỉ để ẵm bồng, pha sữa, canh giấc con ngủ. Bàn tay đàn ông vụng về mà tỉ mỉ chăm chút. Hình ảnh cả nhà quây quần túm tụm ấy đã giúp mẹ đủ dũng cảm và sức mạnh để cùng con đi qua đoạn đường chông gai vừa rồi.

Nơi này, mẹ đã cùng con trải qua những ngày tháng đầu đời thật khó quên. Trong căn phòng này, mẹ đã lóng ngóng những việc đầu tiên của thiên chức làm mẹ. Mẹ mong từng ngày con cứng cáp hơn.

Mẹ dồn bao nhiêu khắc khoải, hy vọng vào từng muỗng sữa, vào mỗi cử chỉ vuốt ve ôm ấp. Mẹ thót tim hồi hộp theo mỗi lần bác sĩ thăm khám cho con. Chắc con hiểu rằng, chính con cũng cần mạnh mẽ để cả nhà mình vượt qua khúc quanh khó khăn này…

Con gái nhỏ, ngày mai chúng ta về nhà. Nhà mình. Nơi mà mai này con biết bi bô nói cười rồi cất tiếng hát, con sẽ có thể nghêu ngao rằng, “mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”.

Nơi ấy, nhiều tháng nay chỉ có ba ra vào. Cuộc sống vô cùng bấp bênh xáo trộn theo kiểu “tha hương” kia sắp lùi lại phía sau. Rồi sẽ có những sớm mai mình trở dậy, nhận ra chúng ta đã về nhà. Hạnh phúc và bình yên ấy, giản đơn mà rưng rưng biết chừng nào.

Về nhà. Chỉ riêng ý nghĩ đó thôi cũng đủ khiến mẹ thổn thức. Hay trái tim đàn bà khi làm mẹ bỗng trở nên đa cảm yếu đuối, hở con gái? Mẹ hình dung về ngôi nhà của chúng ta, căn phòng ngủ ấm cúng quen thuộc, cái bếp nhỏ với đôi chút bề bộn.

Noi nao qua, long lai chang yeu thuong?
Mẹ sẽ cùng con khám phá thế giới. Hình minh họa

Mẹ tưởng tượng ra con sẽ lớn lên từng ngày trong mái nhà ấy, con là một phần của thế giới nhỏ xinh kia, nơi mẹ vô cùng háo hức muốn “giới thiệu” cùng con. Rằng, đây chính là nhà mình. 

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương? Nên mẹ vẫn có chút lưu luyến khi ngoảnh lại nhìn quãng đường đầy biến động vừa rồi. Có nếm trải mới thêm trân trọng và nâng niu, phải không con?

Ngọc Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI