PNO - Chín năm trước, trong một chiều chán đời, X. chạm mặt cô gái quen biết. Trò chuyện, họ nảy nở yêu thương. Năm sau, có đứa trẻ rất xinh chào đời. Nhưng lúc này, X. đã vào trại giam do phạm tội cướp giật.
Cô gái mang đứa trẻ đỏ hỏn đặt giữa công viên. Nhắn cho mẹ X. dòng tin, cô bỏ đi biệt.
Giao lưu với các em tại chương trình Ảnh: Minh Thanh
Bà C. lao ra công viên ẵm cháu về. Không lâu sau, bà phạm tội, nối gót con trai đi thụ án. Mái ấm Hướng Dương rộng tay đón đứa trẻ. Từ vài cuộc thăm nom của người thân bên nội, đứa trẻ ấy lờ mờ, rồi nhận ra: ở mái ấm này, trước mình hai năm, đã có một bé khác được mang đến. Bé khác ấy em phải gọi bằng chị - một người chị khác mẹ cùng cha.
Tại sao lại như vậy?
Sáng 28/6, ở buổi giao lưu Nơi chốn yêu thương do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, cô bạn tôi ngồi trong góc khuất, đôi mắt không rời hai đứa trẻ nói trên. Hẳn một phép so sánh nào vừa vụt ngang qua đầu, bạn quay sang tôi hỏi rằng, liệu có bất nhẫn không khi cho bạn được thốt lên một lời: “Tại sao lại như vậy?”. Bạn rưng rưng, xin tôi hãy lắng nghe câu chuyện, của chính mình và của một người quen.
Chuyện rằng, ngày quyết định sinh con, vợ chồng bạn đã dành dụm, ít nhất, để chín tháng thai kỳ, đứa trẻ được dõi theo bởi bàn tay bác sĩ. Mà trước đó, trong nửa năm chuẩn bị, họ giữ chế độ ăn uống: chồng tránh xa rượu bia, vợ sống thật nhẹ nhàng.
Từ sự kỹ càng của mình dẫn bạn đến cuộc can thiệp một gia đình quen biết, ở đó có người vợ mang thai, hễ giận chồng, chị bỏ đi uống rượu, đốt thuốc cho quên sầu; người chồng năm lần bảy lượt dọa ly hôn.
Hơn 100 trẻ em khuấy động tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM với các tiết mục vui nhộn
Không muốn mang gánh nặng làm cha, anh lên mạng, vào các diễn đàn, vịn đủ lý do hỏi cách không cho con chào đời. Có lần, vợ anh đã uống một ly thuốc chồng đưa, nói để dưỡng thai. Cơn đau ập đến. May sao, đứa trẻ kiên cường trong bụng mẹ, hai tháng sau sẽ chào đời… Bạn rùng mình giấu đi hình dung tương lai về đứa trẻ nơi gia đình quen biết, và lần nữa lặp lại câu hỏi đã thốt ra trên kia.
“Tại sao lại như vậy?” - nặng lòng này có lẽ chỉ tồn tại ở người biết đặt hỏi, biết gánh lấy trách nhiệm trong bất kể hành động mình lựa chọn - những người trưởng thành. Còn một trăm đứa trẻ là thành viên, là nhân vật ở Nơi chốn yêu thương hôm qua; rộng hơn, đâu đó, hàng ngàn đứa trẻ đang không có một gia đình đúng nghĩa, chỉ ngơ ngác trong khát khao bé mọn.
Em Dương Hữu Phúc (8 tuổi): “Ước được một lần mẹ ở đâu đó, biết con đang ở mái ấm Tân Bình sẽ đến thăm con”. Em H.Đ. (9 tuổi, mái ấm Bà Chiểu): “Con chỉ muốn một lần ba trả lời vì sao bỏ con, không cho con về sống với dì và các em cũng là con
của ba?”…
Cô bé xinh xắn Đ.H.T. (11 tuổi) cúi mặt: “Con ước gì ma men trả lại ba cho con. Con ít muốn nhớ cảnh ba đánh mẹ, quăng chén cơm lên người mẹ. Con nhớ rất nhiều những năm trước đó, ba chưa uống rượu nên rất thương mẹ con con”.
Mong ước ấy khởi đi từ câu chuyện buồn vốn diễn ra nhiều năm, như cơm bữa, thành thói quen, lối sống của gia đình ông B. - mà, hễ người đời nghĩ đến, họ ùa về hình ảnh một ông B. nửa ngày dành uống rượu, nửa ngày chửi bới, truy sát vợ con. Và buổi chiều của hai năm trước thành giọt nước tràn ly.
Bị đánh đến đổ máu, vợ ông B. đưa hai con tháo chạy. Ngay trong đêm, từ Bình Định, họ đón xe nam tiến. Dẫu nỗi hoang mang của tháng ngày phía trước có vô định với nơi ăn, chốn ở, sinh kế, thì: “ai cũng vui, do ba mẹ con con muốn bỏ đi, muốn thoát khỏi ba lâu rồi” - T. hồi tưởng.
Nuối tiếc một gia đình đã đánh mất ngay khi còn chung sống, ông B. ráo riết truy lùng vợ con. Biết người thân đang sống ở Đồng Nai, ông tìm đến, lén đưa chị em T. rời đi, hòng để vợ tìm về. Dọc đường ra bến xe, hai đứa trẻ giãy giụa, gào khóc, được nhiều người cứu thoát. Để an toàn và có cuộc sống tốt hơn, nghe lời mẹ, chị em T. đồng lòng về mái ấm H.D. (Q.6).
Ở đây, hai em được đi học, được chăm sóc và được bảo vệ. Sự yên bình, tốt hơn trong cuộc sống mới vẫn không ngừng cuồn cuộn nơi hai đứa trẻ ước ao ba đoạn tuyệt bia rượu, cho ký ức đẹp đẽ về ba lần nữa bước ra hiện thực. T. trầm giọng: “Vì mong ngày đó nên thi thoảng con hỏi thăm ba qua người quen, nhưng ba vẫn nhậu, vẫn say và chửi bới lung tung”.
Chị em T. không hỏi tại sao ba như vậy? Tại sao một gia đình mà phải nhiều ngã sống thế kia? Nhưng T. ngước nhìn tôi, đôi mắt trong veo: “Con không ghét ba, con chỉ ghét bia, rượu. Có lần con hỏi một bạn nam trong lớp, sau này có uống rượu, bia không, con mới dám chơi thân. Bạn nói không bao giờ, con vui lắm. Con mong ba biết có nhiều người sống mà đâu cần uống rượu”.
Ở đây con thấy đủ đầy rồi
Chị Trần Thị Hoài - Phụ trách mái ấm Tam Bình nói, phần lớn trẻ vào mái ấm ở tuổi rất nhỏ, chúng chưa biết những mất mát của mình. Thế rồi, dẫu không có nỗi trách giận nào về người sinh ra mình, rồi bỏ rơi; song càng lớn, hòa nhập, chúng sống dậy nỗi xao xác, một lần thôi, muốn biết về cha mẹ. Và, có lẽ là điều may khi nỗi xao xác ấy thường chỉ trong khoảnh khắc.
Với các em, mọi giấc mơ về một lý lịch đầy đủ cha mẹ, được lớn lên giữa hơi ấm của ruột rà thâm tình có lẽ sẽ chỉ là, và sẽ còn dậy lên từ dăm phút tủi thân, ở khoảnh khắc chạnh lòng khi vô tình lợn dợn phép so sánh. Rồi thôi. Rồi quên. Chúng đón nhận và chấp nhận tồn tại những phút giây như vậy. Không thù ghét, không trốn tránh, che giấu. Mà còn cách nào khác hơn đâu khi cuộc sống đặt mình vào cảnh ngộ như vậy, để kiên cường.
Các em được vui chơi, tham dự văn nghệ và sống trong vòng tay yêu thương của mọi người - Ảnh: Minh Thanh
Ở mái ấm Bà Chiểu một thời gian, khi biết chữ, được dạy vẽ; em Nguyễn Thị Kim Hậu (14 tuổi) không ngừng phác thảo hình ảnh một phụ nữ ôm con, chú thích “đây là mẹ” - dẫu trong ký ức, Hậu nhớ duy nhất hình ảnh thuở lên năm: “Lúc đó mẹ mất, tay mẹ nắm tay em mà mẹ không nhắm mắt, rồi ai đó đến vuốt mắt cho mẹ”.
Sau nhiều lần dựng lại bóng dáng mẹ từ vô vàn hình ảnh của bao người đàn bà có cơ may gặp gỡ, Hậu muốn về nhà, về với ông bà ngoại nuôi đã cưu mang mẹ con mình trong tháng năm mẹ chìm trong ma túy, nhiễm HIV; xin được nghe về mẹ.
Rồi, một lần, em khắc khoải thành lời: “Ông bà có biết ba con là ai không?”. Họ đáp: “Lúc còn sống, mẹ con chẳng chịu kể lời nào về ba con nên thôi con đừng biết!”. Hậu không hỏi nữa. Không phải tò mò được lắng dịu, mà là sự chấp nhận: “Con ở đây thấy đủ đầy rồi! Biết ba cũng đâu để làm chi vì nếu biết nhau, chắc gì ba nhận con”.
“Con ở đây thấy đủ đầy rồi!” - trong nụ cười rất tươi khi đón nhận món quà là quả bóng, là vòng ôm của nhiều người cùng gói quà báo trao, trăm đứa trẻ có mặt trong buổi sáng hôm qua đều thốt lên. Chúng tự hào về nơi cưu mang mình và nơi mình đang đứng.
Đó cũng là lý do mà bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - quyết tâm thực hiện Nơi chốn yêu thương. Bà trải lòng, những đứa trẻ “không gia đình” này luôn muốn viết lại ước mơ về một gia đình. Dù có hiện hữu dấu hỏi về lý do dẫn mình đến hôm nay, các em cũng không hề mảy may oán trách. Chúng chỉ có yêu thương, dành cho người lớn và dành cho cuộc đời.
Lẽ đó, không chỉ hôm nay, mà ngày mai cùng những năm tháng tiếp theo, mái nhà Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ luôn mang cho các em tình thương yêu ấm áp, để hai chữ “gia đình” không còn là điều luôn mơ ước, khát khao.
Có ai chọn được cho mình một cảnh ngộ, hay cách ứng đãi của cuộc đời, của người khác lên mình? Nhưng con người lại có thể đổi thay, quyết định, chọn lấy thái độ sống sao cho nghịch cảnh thành động lực, để vươn lên. Ở các em, quyết tâm này đã nên hình nên dạng, bằng những giấc mơ ở tương lai: được tốt nghiệp một trường đại học, có công việc yêu thích. Nhiều khi, tương lai ấy tượng thành từ cảnh ngộ xuất thân.
Như giấc mơ bác sĩ của Q. Chị Yến, ở mái ấm Hướng Dương, xót xa: “Q. xinh lắm, nhưng gương mặt Q. luôn đượm buồn. Nhiều khi vui cười, Q. cũng phảng phất nỗi buồn trong mắt. Mà không buồn sao được hả em!”. Ba Q. mất trong một lần đi làm công trình bị điện giật. Năm sau, mẹ em bệnh hiểm nghèo rồi cũng qua đời. Q. về sống với nội, không lâu thì nội mất. Ngơ ngác trước mấy cuộc rời bỏ đột ngột của người thân, Q. vào mái ấm. Được mái ấm cho đi học, Q. miệt mài đèn sách. Em nói luôn mang theo quyết tâm phải trở thành bác sĩ, hòng ngăn chặn những cái chết bất ngờ.
***
Còn nhớ tiểu thuyết Không gia đình của văn hào Hector Malot nói về cậu bé Rémy không cha mẹ, bị bỏ rơi. Mang lẽ sống phải đi tìm mẹ ruột, Rémy trải qua một cuộc đời gian lao, gặp đủ mọi hạng người. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, Rémy vẫn khắc nhớ, noi theo nếp rèn dạy của ông già hát dạo Vitalis giữ phẩm cách làm người, ngay thẳng, tự trọng, thương người, ham lao động và làm người có ích.
Rémy có Vitalis dìu dắt trong khởi đầu cuộc sống. Hành trình trưởng thành của các em luôn cần người dìu dắt, được sống trong yêu thương của một hoặc nhiều mối quan hệ có tác dụng nâng đỡ, khích lệ - một điểm tựa tinh thần. Bởi thế, dẫu “không gia đình”, nhưng nơi nào có yêu thương, nơi ấy là gia đình.
Như lời bà Ái Mỹ nhắn nhủ trong chương trình: “Các con ít may mắn, nhưng mái ấm, nhà mở, các cô, các chú Mạnh Thường Quân và mọi người xung quanh luôn bên cạnh giúp đỡ, dìu dắt. Tại Nơi chốn yêu thương này, các cô chú và các con sẽ là một gia đình lớn, ở đâu có yêu thương, nơi đó sẽ là gia đình của các con”.
Hy vọng rằng, các em sống trọn vẹn với tất cả tình cảm, niềm vui của gia đình - là nơi có yêu thương; khi lớn lên, tiếp tục mang yêu thương này đến người khác để cho mọi nơi chốn đều là gia đình của bất kể cuộc đời nào.
Sáng 28/6, chương trình Nơi chốn yêu thương đã diễn ra tại tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM, dành cho 100 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại 10 mái ấm, nhà mở, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên địa bàn TP.HCM. Ngoài nhận được nhiều tặng phẩm như tập, sữa… cùng 500.000 đồng/ em; các em còn được vui chơi, thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ sôi động được biểu diễn bởi các nghệ sĩ nổi tiếng.
Chương trình do Báo Phụ Nữ tổ chức nhằm tạo sân chơi, mang đến tình yêu, niềm vui cho các em nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Dẫu vậy, báo luôn mong muốn Nơi chốn yêu thương sẽ không nhân một thời điểm, cột mốc nào để tái tổ chức; mà sẽ diễn ra thường xuyên, ngay khi có thể để trao cho các em nhiều hơn nữa điểm tựa của tình thương.
Báo Phụ Nữ cảm ơn các Mạnh Thường Quân (xin giấu tên) đã hỗ trợ chương trình cùng nghệ sĩ Đình Toàn, Quang Thảo và các nghệ sĩ tham gia biểu diễn văn nghệ đã từ chối thù lao, bổ sung trong phần quà dành tặng cho các em.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.