Nơi nào có cỏ mọc, nơi đó có hoa tươi…

29/06/2021 - 06:00

PNO - Dịch bệnh bùng phát thì mọi người lại càng chuyền tay nhiều bí kíp để sống chậm, sống khỏe, sống bình an. Nơi nào có cỏ mọc, nơi đó có hoa tươi…

Vào những ngày cảm thấy khó ở, thay vì vô cớ trút giận lên chú chó con đang rối rít vẫy đuôi, bạn hãy học cách kiểm soát cảm xúc và tự chịu trách nhiệm với những vấn đề bất ổn của mình. 

Đây là nội dung đoạn hội thoại ngắn có trong bức hình vui vui mà chồng đưa cho tôi đọc: 

- Anh định đi tập gym, em muốn đi cùng không?

- Ý anh là tôi béo hả?

- Không, nếu em không muốn đi thì thôi vậy.

- Giờ anh bảo là tôi lười?

- Thôi nào, em hiểu anh không định nói thế mà.

- À, thế ra tôi bị hoang tưởng.

- Ơ hay, anh có nói thế đâu!

- Bây giờ anh lại bảo tôi xạo.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Đọc xong tôi xém bật cười vì sự tinh ý của chồng, anh đã nhận ra sự khó ở của tôi từ hai hôm nay. Các con thì nép vào một góc sau vài lần bị mẹ mắng sa sả. Con mèo, con chó giờ mà thấy tôi, chắc cũng cụp đuôi lẩn vào xó nhà, vì tôi đã vài lần sẵn sàng trút giận lên chúng. Chỉ còn mỗi chồng, anh phải tìm cách thỏa hiệp bằng việc liên tục làm trò hề. 

Nhớ cách đây hai tháng, trong bữa tiệc rượu liên hoan gồm ba cặp bạn thân, chúng tôi đã đưa ra chủ đề để bàn luận. Đại ý, đàn ông thường khó chịu, còn đàn bà lại hay khó ở.

Khó chịu thì lâu dài nhưng lại dễ xử lý. Còn khó ở chỉ là những cơn trái nắng trở trời, lâu lâu mới xuất hiện nhưng lại rất khó đoán khó lường, nếu không tinh tế trong việc cân bằng thì dễ lửa than mà cháy hẳn ngôi nhà chứ chẳng đùa.

Khác với vẻ nền nã, chỉn chu thường ngày, chị em trong những ngày khó ở biến thành khác hẳn. Ánh mắt hầm hè, mặt đỏ gay gay, trang phục lôm côm, tóc tai rối bù, ăn nói cộc lốc, sẵn sàng gây chiến.

Để đối phó với căn bệnh khó ở của chị em, mấy anh cũng có vài ba liều thuốc đặc trị. Điểm chung là ban đầu các anh đều khó hiểu, rất bực dọc vì sự thất thường của vợ, nhưng sau vài lần “bệnh tái phát” thì mỗi ông chồng cũng tìm được cho mình một cách ứng phó riêng.

Dũng - chồng bạn Hà - bảo: “Hễ thấy bà nhà có dấu hiệu là tôi đánh bài chuồn, tìm nơi nào đó “tạm trú tạm vắng”, không lượn lờ trước mặt bả nhiều như bình thường nữa. Chịu khó “núp lùm” đợi vợ hạ nhiệt”.

Tiến - chồng Thủy - không cần nói, vì vợ đã ra mặt tự hào: “Chồng tớ, anh ấy cấp phép để tớ được tự do giận dữ, hạch sách, mè nheo vô cớ trong khoảng thời gian nhạy cảm. Anh chu đáo và quan tâm đến gia đình hơn hẳn ngày thường, tự nhiên anh đúng làm bản thân càng thấy mình sai”.

Nhịp sống hiện đại và quan niệm hôn nhân ngày càng văn minh đã cởi trói cho người phụ nữ rất nhiều trong vai trò làm mẹ, làm vợ, làm con dâu… Tuy nhiên trên thực tế thì trong gia đình, người vợ vẫn là người quán xuyến, cân nhắc, lo đặt nhiều thứ nhất. Từ nội trợ, dạy con, tay hòm chìa khóa, hiếu hỷ nội ngoại ông bà…

Vì mệt mỏi, bận rộn nên những cơn khó ở ngày càng ập đến với mật độ dày đặc hơn. Gia đình vì thế dễ dàng rơi vào thế cân não, nếu chồng con biết thương người phụ nữ của gia đình thì tìm cách tương hỗ, giúp đỡ bằng việc nhắc nhau “đi nhẹ nói khẽ”, còn nếu không may gặp lúc ai cũng áp lực thì dễ nảy sinh hành động chống đối, đổ thêm dầu vào lửa.

Trong câu chuyện về chủ đề khó ở hôm ấy của chúng tôi, Thủy ngoài việc hãnh diện về một người chồng tâm lý, biết đồng hành và chia sẻ với vợ thì còn mạnh dạn kể thêm về mẹ ruột của mình.

Mẹ Thủy là người lúc nào cũng bận rộn và không hài lòng với những thành viên còn lại trong gia đình. Bà mắc bệnh khó ở… mạn tính. Chồng con làm điều gì bà cũng không vừa mắt, bà sẽ xắn tay áo “đập đi xây lại” cho kỳ được.

Đôi lúc Thủy có cảm giác mẹ giống như một người quản giáo mỗi ngày đều gieo rắc sự kiểm soát, kỳ vọng và áp đặt vô cớ.

Trước đây, bản thân Thủy vì có một người mẹ như vậy nên luôn cố gắng tìm cách để đối xử và cân bằng cảm xúc sao cho ít gây ra những sát thương nhất. Thế nhưng chung quy lại vẫn chỉ có hai lựa chọn. Một là bực bội bùng nổ, hai là thất vọng rồi rơi vào im lặng kéo dài.

Nghe câu chuyện của bạn, tôi và Hà bất giác trầm ngâm. Có lẽ Hà cũng như tôi, đều đang nhìn nhận lại mình và đặt câu hỏi, chúng ta làm sao để dạy con trở thành những đứa trẻ từ tốn, bình tĩnh nếu bản thân không biết cách kiểm soát cảm xúc, luôn mượn cớ áp lực cuộc sống rồi tùy tiện hành động một cách khó hiểu, tiêu cực?

Chúng tôi đều biết cảm xúc là thứ có khả năng lây lan rất nhanh. Mẹ vui vẻ con sẽ bình an. Mẹ lo âu sợ hãi, con sẽ tự ti, khép mình. Mẹ dồi dào năng lượng, con cũng tràn trề sự cởi mở để chia sẻ và gắn bó.

Biết để mà tự sửa mình. Vào những lúc căng thẳng, khó ở, chúng ta có thể ngồi yên một lúc, áp dụng nguyên tắc “không làm gì cả”, chỉ hít thở sâu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng ta cũng có thể ra vườn, lấy một chiếc ghế ngồi xuống bên một cái cây và ngắm nhìn sự lặng im đầy quyền năng của nó.

Chúng ta có thể khép cửa phòng, leo lên giường và bật một bản nhạc yêu thích… Hoặc tốt hơn nữa, nếu thực sự là người phụ nữ biết người biết mình, thì hãy đi trước đón đầu, tham gia những khóa học về tinh thần đang nở rộ và miễn phí hoàn toàn trên mạng. 

Dịch bệnh bùng phát thì mọi người lại càng chuyền tay nhiều bí kíp để sống chậm, sống khỏe, sống bình an. Nơi nào có cỏ mọc, nơi đó có hoa tươi… 

Diệu Thông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI