Nơi nào bình yên cho em?

23/07/2014 - 16:00

PNO - PN -Một cuộc chiến dai dẳng nhiều năm vì xung đột ở dải Gaza, hay tai nạn máy bay MH17 đột ngột xảy ra trên bầu trời thuộc vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine, thì trẻ em luôn là nạn nhân vô tội và đáng thương nhất

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi nao binh yen cho em?

Trẻ em luôn là nạn nhân vô tội và đáng thương nhất

Đến ngày 22/7, người ta đã tìm thấy 282 thi thể của hành khách trên chuyến bay xấu số MH 17 và đã chuyển đến Kharkov (Ukraine) để chuẩn bị đưa nạn nhân về lại quê nhà.

Hành trình cho cuộc trở về mãi mãi buộc phải qua nhiều “cửa”, trong đó có cuộc đánh giá sơ bộ của nhân viên điều tra Hà Lan, quan sát viên OSCE (thuộc EU). Toàn bộ thi thể được “tập kết” tại Hà Lan, nơi có nhiều nạn nhân nhất (193 người). Chưa kể thủ tục nhận dạng cũng lắm nhiêu khê, bởi rất nhiều hành khách chỉ còn lại một vài bộ phận cơ thể. “Quá nhiều trẻ em thiệt mạng. Thật đau đớn. Tôi cảm thấy có lỗi với họ”, một tay súng thuộc lực lượng ly khai không giấu được xúc động khi di chuyển các thi thể.

Mọi việc liên quan “hậu sự” của MH 17 hiện diễn ra nhanh hơn. Nước Cộng hòa Donetsk tự xưng đã tuyên bố ngừng bắn trong khu vực bán kính 10km quanh địa điểm rơi máy bay MH 17 để các nhà điều tra quốc tế tiếp cận một vùng hiện trường rộng lớn. Lực lượng ly khai Ukraine cũng trao hai hộp đen cho các quan chức Malaysia. Sự tiến triển này được cho là nhờ nỗ lực “tháo ngòi” bế tắc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thông qua nghị quyết về MH 17 với số phiếu thuận 15/15.

Noi nao binh yen cho em?

Những gì còn sót lại của chuyến bay MH17 

Lúc này đây, khi thi thể hành khách MH 17 chưa thể “mồ yên, mả đẹp”, người ta càng thêm rợn người trước việc người dẫn chương trình Conlin Brazier của Sky News thản nhiên lục lọi đồ đạc của nạn nhân để đưa tin. Kiểu “truyền hình thực tế” vô cảm này đem lại gì cho người xem ngoài nỗi đau tê buốt đến tận tim óc khi thấy vương vãi ở hiện trường tan hoang là những chú gấu bông màu đỏ, vàng sặc sỡ, là quyển sổ tay còn vương lại ước mơ được làm người mẫu của bé gái nào đó, là búp bê Barbie lem luốc đã từng đượm hơi ấm của hành khách “nhí” trên chuyến bay định mệnh này. Liệu cảm giác “có lỗi” của tay súng ly khai nêu trên có thể làm vơi bớt dằn vặt trong mỗi chúng ta khi nhìn lại gương mặt hồn nhiên của 80 đứa trẻ bị thiệt mạng cùng MH 17?

Noi nao binh yen cho em?

Trẻ em tiếp tục là nạn nhân của cuộc xung đột ở dải Gaza

Nỗi bàng hoàng trước thảm kịch MH 17 chưa nguôi, người ta càng rúng động vì có thêm nhiều trẻ em thiệt mạng tại dải Gaza. Số người Palestine chết, tính đến sáng 22/7, đã là 530 mà 72% trong số này là dân thường. Tổ chức Save the Children ước tính, kể từ khi cuộc xung đột rộ lên gần hai tuần nay, bình quân bảy trẻ em chết mỗi ngày vì giao tranh giữa phe Hamas và Israel. “Đây là cuộc chiến thứ ba trong vòng sáu năm nay mà trẻ em phải chịu đựng”, David Hassell, thuộc tổ chức này, cho biết.

Một dải đất dài 25km và rộng chỉ vài kilômét khiến Gaza trở thành một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới. Tuy nhiên, những bức tường bằng bê tông và lưới thép đã ngăn cách người dân Gaza với thế giới bên ngoài. Khi chiến sự bùng nổ, họ vẫn bị nhốt trong khu vực mà Thủ tướng Anh David Cameron gọi là “một nhà tù lộ thiên khổng lồ”, và việc sống hay chết chỉ biết trông vào may mắn.

Ngay từ khi cuộc tấn công của Israel mới diễn ra, hơn 81.000 người Palestine phải tìm đến các trại tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc và hàng chục nghìn người chuyển đến nơi khác, nương nhờ người thân. Các trại tạm cư đã chật kín, điều kiện sinh hoạt tồi tệ vô cùng. Nhưng điều tệ hại nhất là những nơi này cũng không thể đảm bảo an toàn cho con người. Hôm 16/7, bốn em từ 9 đến 11 tuổi đã chết trên đường vì trúng đạn pháo, chỉ vài phút sau khi chơi bóng đá trên bãi biển. Không thể nói tại sao các em không tránh xa khu vực nguy hiểm này, bởi làm sao ngăn cản nhu cầu được vui chơi, được thoát khỏi nhà tạm lánh chật chội đến mức không đủ không khí để thở.

Noi nao binh yen cho em?

Khi Israel chưa có dấu hiệu dừng tấn công ở dải Gaza thì vẫn còn nhiều trẻ em Palestine bị thương và thiệt mạng

Theo UNICEF, hơn phân nửa số trẻ em chết ở dải Gaza là dưới 12 tuổi trong đợt tấn công mang tên “Chiến dịch phòng vệ chính đáng” của Israel. Hơn 40% dân số ở dải Gaza là dưới 14 tuổi, một quả đạn pháo Israel bắn ra thì khả năng trúng vào trẻ em là 50-50.

Hầu hết trẻ em ở dải Gaza thường xuyên hoảng loạn vì luôn có cảm giác đạn pháo đang rơi vào đầu mình. Có trường hợp cả gia đình đều chết, nhưng cũng có gia đình người lớn chết hết, trẻ em bị thương. “Bây giờ không còn khu vực nào là an toàn cho trẻ em, và cũng không còn thời điểm nào trong ngày được xem là an toàn. Bi kịch của người dân dải Gaza là ở lại thì không xong, nhưng cũng không biết đi đâu!”, ông Ivan Karakashian thuộc tổ chức Save the Children cho biết.

 VĨNH LINH - THIỆN NGA - THIỆN ĐẠO

(Theo AP, Reuters, RIA Novosti, New York Magazine, Daily Intelligencer)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI