1. Một buổi chiều mưa không dứt, kèm theo cơn bão đã quật đổ nhiều gốc cây già trên các tuyến đường Quy Nhơn. Tôi gọi về quê chỉ nghe giọng ba tôi gấp gáp: “Nước vào đồng rồi. Đang mấp mé ngoài vườn. Ba má lo di chuyển đàn heo lên chỗ cao đã. Mưa gió to, đừng dìa nguy hiểm. Dậy nghen con”. Rồi cụ cúp máy.
Những đứa con xa quê chỉ biết liên hệ với gia đình bằng điện thoại mà thấp thỏm lo âu, cứ mỗi lần nghe lũ về là ruột gan bồn chồn, sợ hãi. Bạn bè từ khắp nơi trao đổi với nhau qua tin nhắn, qua Zalo, Facebook, tường thuật trực tiếp từng chút tình hình bão lũ: tuyến đường Hùng Vương (TP.Quy Nhơn); bờ tràn Huỳnh Mai (huyện Tuy Phước); cầu Trường Thi, Trường Cửu, Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) ngập trong cơn nước lớn... Cứ vậy, nước dâng đến đâu, nỗi lo âu ngập tràn đến đó…
|
Lũ về, nước tràn qua bờ tràn tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước |
Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi hay mong đến mùa nước lên, để được nghỉ học vài ba hôm đi đơm cá, bẫy chuột đồng, bắt rắn nước, đặt bẫy bắt cò trên những gò đất cao… Mùa nước lớn tuổi thơ “hiền lành” lắm. Nước vào mơn trớn cánh đồng sau mùa gặt, cuốn đi những mầm mống rầy ôn còn sót lại sau vụ mùa hè thu, rải một lớp phù sa đắp bồi cho đất đai màu mỡ. Nhưng mùa nước lớn giờ đây đã khác.
Đôi khi chỉ cần mưa, là con nước đã về trắng đồng chẳng theo chu kỳ nào cả. Những cánh rừng già thượng nguồn bị đốn hạ, những công trình thủy điện mùa khô hanh trữ nước, khi mưa gió về lại mở cửa xả lũ khiến tình hình lũ lụt càng thêm phức tạp.
Người dân quê tôi vẫn còn ám ảnh cơn lũ cách đây vài năm, vừa thấy nước mấp mé ngoài vườn, chỉ vài phút sau đã xâm xấp nền nhà. Cơn lũ biến vùng đất thị xã An Nhơn và nhiều vùng khác thành con sông lớn không thấy bãi bờ. Trâu, bò, lợn, gà bị lũ cuốn nổi lềnh bềnh khắp nơi trong dòng chảy xiết. Nơi lũ đi qua, áo quần, sách vở chìm ngập trong bùn non.
Lũ lớn, những tay vớt củi thạo nghề như Mười Cơ, Hai Mẫn ở P.Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn từng ăn đời ở kiếp cạnh dòng sông Côn cũng rợn người trước dòng nước đục ngầu dữ dội. Nhớ lại trận lũ năm xưa, hai ông lắc đầu nguầy nguậy, cơn lũ như trận đại hồng thủy, sợ nhà mình còn không giữ được, tâm trí đâu đi vớt củi.
Giờ người dân quê tôi chỉ cần vừa nghe tin nước lớn và phong thanh đâu đó tỉnh bạn xả lũ, các hồ thượng nguồn đang mấp mé xả tràn điều tiết là đã tim đập chân run. Nhà nhà đều trữ sẵn nước mắm, mì tôm để chuẩn bị sống chung với những tai ương bất ngờ. Cũng bởi, lũ lụt bây giờ, khác xưa nhiều quá…
2. Mới rồi, lũ lại ập về, các tuyến đường bị chia cắt, những chiếc xe máy ùng ục trong dòng nước rồi tắt ngấm. Nhìn gió như cú vuốt đuôi còn lại của cơn bão số 6 vừa tan, nhưng chân không chịu đi hẳn mà cứ vờn vẽ trên những hàng cây xơ xác.
Nhớ bữa đó lúc bão số 5 ập vào, người bạn ở huyện An Lão gọi điện cho tôi, tiếng nói lẫn vào tiếng mưa đặc ri: “Lũ lớn sau bão đánh sập cầu huyết mạch nối hai xã An Dũng, An Vinh về trung tâm huyện An Lão (tỉnh Bình Định), cô lập 1.200 hộ dân. Để đi lại, hai ngày qua người dân ở chỗ mình liều mình ghép cây cau để vượt sông. Sao thấy nguy hiểm quá chừng”. Nghe giọng bạn mà mắt tôi cứ cay cay.
Nơi cơn lũ đi qua, những thiệt hại tài sản cứ chất chồng. Cánh đồng Phước Sơn, Tuy Phước, nơi có vựa rau trồng theo mô hình rau sạch VietGap, lớn nhất nhì tỉnh Bình Định lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Lũ rút, người dân đội nón ra đồng khi cơn mưa còn dầm dề chưa dứt. Bùn non bám đầy trên mặt lá.
Một cụ già luống tuổi đang dùng gàu múc nước ra khỏi đám rau của mình. Cụ bảo, ngâm nước ba, bốn ngày, rễ bị úng thủy, vài ngày nữa thôi sẽ thối rữa cả. Tôi xót xa vì chỉ cách đây không lâu, đây là xứ sở của những cánh đồng rau bạt ngàn, cung cấp rau cho cả nội thành Quy Nhơn và các vùng lân cận.
Đi qua Phước Thuận, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), con nước còn xâm xấp mặt đường bê tông. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những căn nhà trống huơ không mái, chỉ còn sót lại hai phần ba vách tường còn lộ mảng gạch đỏ sẫm, phía dưới ngổn ngang những gạch ngói, nhiều người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, ngồi bên đống đổ nát suy tư.
Tôi bất chợt nhớ lại mùa lũ cách đây ba năm, khi đi qua nơi này và bắt gặp hình ảnh bà Mai Thị Chín (trú tại thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) mái tóc bạc trắng, ngồi thẫn thờ trước căn nhà sập sau lũ, tôi như lặng đi. Bà Chín lôi trong đống gạch ngói chiếc áo cũ nhàu còn vương bùn non.
|
Những làng treo mép sóng ngày bão lũ phải đối diện với bao hiểm nguy theo từng cơn sóng dữ |
Trời nắng chói chang rọi vào căn nhà đổ nát, nắng ráo hoảnh trên đôi mắt úa già của bà Chín, nắng chan chát như chưa từng có cơn lũ đi qua. Nhưng tôi cảm nhận được nỗi đau của người dân nghèo như mảnh đất khô cằn lại một phen xói lở khi nhìn vào từng miếng ngói, mảnh gạch vụn vỡ.
Nhặt nhạnh từng chút một, bà Chín dùng đôi bàn tay thô ráp xoa xoa, như đang âu yếm đứa con ruột thịt của mình. Đôi mắt bà vẫn không rời căn nhà mình gắn bó bấy lâu nay. Tôi nghĩ đến tuổi già bảy mươi của bà cùng những cơn tai biến suốt bảy năm qua, có lẽ, bà đã khô nước mắt…
Đi qua các vùng quê, nhà cửa tan hoang sau bão lũ, người gần như mất hết tài sản, chỉ còn lại nền nhà đổ nát. Tôi chỉ biết trấn an bằng câu nói cũ rích: “Tài sản mất đi còn có thể làm lại, cũng may người không sao”. Bão đến, cây đổ, nhà bay, con nước lại tràn bờ bãi, dâng trong mắt người nỗi âu lo đến thảng thốt. Tất cả mới chỉ là bước đầu của mùa tai ương ở xứ sở như đoạn giữa đòn gánh của đất nước này…
3. Lũ về tan tác, nhưng từ vùng “rốn lũ” lại ấm lên những tình người. Ở An Nhơn quê tôi, tình làng nghĩa xóm những ngày bão lũ lại càng được thắt chặt. Giữa đêm mưa gió, nhóm thanh niên còn lại ở xóm Sành tập hợp với nhau, mặc áo tơi bơi sõng xung quanh làng, đến những gia đình có người già yếu neo đơn xem ai cần giúp đỡ hay không. Họ chuyền tay nhau điếu thuốc che dưới chiếc nón lá mà rít cho đỡ lạnh.
Tôi về quê khi con nước đang rời đồng. Nhìn ngấn nước sông Côn, chợt nhớ đến bà Xuân cao, một người phụ nữ chồng mất từ rất lâu, chỉ còn mình bà thui thủi bên căn nhà tranh lụp xụp mấy mươi năm qua cạnh bờ sông. Thực ra, tên bà là Nguyễn Thị Nuôi, dáng bà cao lêu nghêu, mỗi mùa lũ về đều lội trong dòng nước đến từng nhà xem ai có cần phụ gì đều sẵn lòng giúp đỡ.
Khi nước rút, những ngấn nước còn bạc thếch lưu dấu trên những thân cây xù xì, trên nền gạch ẩm mốc, bà Xuân cao đi bới rác còn lưu lại trên những thửa ruộng cao bờ, trên những bụi tre gai nằm dọc bên sông để tìm những quả bí rợ mang về nấu canh và cả món chè bí ngon hết sẩy. Bọn trẻ chúng tôi khi ấy được bà cho ăn một lần là nhớ cả đời, cái món dân dã quê mùa sau cơn lũ mà đậm đà, ngọt lành hương vị quê hương.
Nghe ba tôi bảo rằng, gần năm nay bà được chính quyền đưa về chăm sóc tại một nhà dưỡng lão. Ừ, thì bà cũng đã lớn tuổi lắm rồi, phải đến tám mươi, chẳng nhẽ suốt đời ôm lấy mái tranh bạc nhàu sống trong kỷ niệm. Nhưng, hẳn rằng, xa túp lều tranh ấy, bà sẽ buồn lắm…
Nếu bà còn ở lại quê, thì giờ này, chắc hẳn còn nghe thấy tiếng bà rộn rã: “Dọn lụt chưa, có cần tui giúp gì hông?”. Vừa nói bà vừa xắn ống tay áo, bưng rổ rá, tạt nước rửa bùn non, nhiệt tình lắm. Thì người quê mà, chỉ đôi lời hỏi han rồi phụ giúp nhau rửa dọn sau lũ, đã thấy ấm lòng.
Cơn lũ rút dần, một chiều nắng trải vàng trên khúc sông quê, những người đàn ông tranh thủ thu mẻ lưới trên cánh đồng, với những cá rô, cá diếc, cá lúi mập ù đang quẫy cựa. Mùa lũ đi qua với bao nỗi niềm không kể xiết, chỉ có những chia sẻ ấm áp của tình thương là còn đọng lại. “Nước rút rồi” - bà con thở phào nhẹ nhõm. May mà mùa nước lớn năm nay “hiền” hơn năm trước...
Tôi trộm nghĩ, ừ, thì cũng may nhờ “thủy thần” chẳng có những cuộc “hợp binh”...
Văn Phi