Nỗi lòng người mẹ già nhiều năm mang tiếng tham tiền bán tạng con trai

27/12/2018 - 06:00

PNO - Trong đám tang con trai, bà im lặng trước những chỉ trỏ của người đời cùng bản án oan nghiệt dồn vào lương tâm người mẹ: bà già độc ác, vì tiền bán cả tạng con trai.

Xế chiều mùa hè 6 năm về trước, bà Nguyễn Hồng Son (62 tuổi, ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) dọn cơm đợi con trai về dùng bữa. Mâm cơm chưa kịp nguội, người ta cho bà hay anh Trần Quốc Tiến (36 tuổi, con trai thứ của bà) bị nam thanh niên cùng ấp dùng cây gỗ đánh vào đầu chấn thương sọ não.

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai
Bà Son không biết hiến tạng cho y học là gì, nhưng khi nghe cứu người, bà đồng ý

Tôi chỉ hiến tạng cứu người, trả tiền tỷ cũng không nhận

Con gái dìu vào bệnh viện, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM thông báo anh Tiến đã chết não. Bà Son lặng người: “Tôi không biết chết não là gì, nhưng nghe giọng của bác sĩ, tôi biết con tôi không thể cứu. Tôi run cầm cập, trời ơi, mới sáng bửng nó còn ghẹo mẹ. Chiều chưa kịp ăn bữa cơm đã nằm im ru. Tôi chỉ biết khóc, nó chưa vợ, chưa con…”

Bà Son nhớ lại: “Lúc đó, có một bác sĩ đứng chờ tôi khóc xong thì hỏi bà có muốn làm việc nhân đạo không? Tôi nói việc gì nhân đạo tôi cũng muốn làm. Rồi bác sĩ ngỏ ý muốn tôi hiến tạng thằng Tiến cho y học. Tôi không hiểu gì, nhưng cứu người thì nên làm chứ, mà lúc đó rối quá tôi nhờ con gái đi nói chuyện với bác sĩ. Khi con gái về, nó nói hiến tạng là lấy thận thằng Tiến để bác sĩ gắn qua cho người khác”.

Nhìn qua tấm kính phòng bệnh, con bà vẫn nằm im với vô vàn dây nối, tiếng "tít…tít…" liên tục kéo dài theo tiếng lòng của bà. Bà liên tưởng ở giường bệnh nào đó, cũng có cậu trai đang chiến đấu với số phận, cũng có người mẹ nghèo đang ngóng trông thận từng ngày để cứu con. Bà Son gạt nước mắt, nhờ con gái đi gặp bác sĩ.

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai
Cả đời bà Son chỉ day dứt vì quá nghèo nên phải dựng rạp, làm đám tang con giữa cánh đồng

“Tôi đồng ý hiến tạng con trai, nhưng tôi muốn nói cho rõ ràng, tôi hiến tạng con tôi vì nhân đạo. Bác sĩ trả tôi trăm tỷ, ngàn tỷ tôi cũng không nhận. Một cắc, một đồng tôi cũng không bán tạng con. Khi còn sống, thằng Tiến chưa làm được gì giúp đời, giờ nó chết đi, lấy thận nó cứu người hẳn thằng Tiến sẽ đồng ý. Bây giờ bác sĩ đi lấy thận nó cứu người ta cho kịp, nhưng làm nhẹ thôi kẻo con tôi đau”, bà quả quyết.

Trước nghĩa cử cao đẹp của bà Son, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy mang vòng hoa đến tận nơi thăm viếng, chia sẻ nỗi đau, tôn vinh việc làm nhân đạo của bà. Nhưng cũng từ chiếc vòng hoa mang giá trị nhân văn cao đẹp này, bà con dưới quê đã huyễn hoặc câu chuyện sang một hướng khác.

“Chắc là bệnh viện điều trị sai làm chết con người ta nên mới viếng”, “Bác sĩ nào trong những bác sĩ đó làm chết con của bà vậy?”, “Họ chữa bệnh sai đúng không, sao người nhà không đi kiện”…

Trước những suy đoán hồ nghi, giải thích mãi thành bực bội, giữa đám tang, con trai trưởng của bà Son đập mạnh tay xuống bàn: “Mọi người đừng đoán mò, vì mẹ tôi hiến tạng thằng Tiến để cứu người nên bác sĩ của bệnh viện mới tới thăm cảm ơn thôi”.

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai
Trước lời dị nghị của làng xóm, bà làm đám tang con không nhận phúng điều, lấy Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho Bộ Y tế trao tặng thay cho di ảnh con trai

Miệng đời kết án lương tâm người mẹ

Chính từ câu nói này của anh, người ta không nói về bệnh viện nữa mà đồn đại bà Son tham tiền, bán tạng con trai - bản án đánh vào lương tâm người mẹ mãi đến tận bây giờ. Bà Son từ tốn: “Ban đầu tôi còn giải thích, nhưng có nói hết hơi người ta cũng không nghe. Tôi nghèo tiền, nghèo bạc nhưng không nghèo nhân cách, lương tâm. Thằng Tiến một tay tôi nuôi dạy, lẽ nào mổ bụng con để bán tạng sao đành”.

Trong suốt hành trình của người mẹ, bà Son luôn ray rứt khi nhà quá nghèo phải dựng rạp giữa cánh đồng làm đám tang con. Để tỏ rõ lòng mình, bà từ chối phúng điếu, đặt “Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân” thờ con trai. 

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai
Bao lần mạnh mẽ vượt qua tiếng ác, nhưng bà không thể kiềm nén cảm xúc khi nhắc về bữa cơm chưa kịp ăn với con trai

Kết thúc tang lễ, tưởng chừng mọi rầm rì xung quanh dừng lại, nhưng nhiều năm liền bà bị miệng đời bủa vây. Không thể trách họ, bà tự nhận chưa bao giờ biết đến chuyện hiến tạng, ở quê chỉ có khái niệm bán thận, cướp thận.

“Việc tôi làm chỉ có bác sĩ biết, nhiều lần cũng muốn đi Bệnh viện Chợ Rẫy gặp bác sĩ tâm sự nhưng sợ phiền. Thôi thì ai như thế nào đèn trời soi rõ, lương tâm tôi sạch sẽ, thằng Tiến biết, mấy đứa con tôi biết là được”, bà Son rành mạch.

Thấy hàng xóm liên tục kết tội mẹ, em trai anh Tiến ngỏ ý rước bà về Củ Chi chăm sóc. Ngót nhiều năm con gái cũng lấy chồng, căn nhà nhỏ vừa bị gió thổi sập, bà Son gạt nước mắt rời quê.

Tâm trạng rối bời, bà ôm bát hương của anh Tiến, bước xuống bến xe, lảo đảo rồi bị một chiếc xe máy tông phải. 

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai
Âm thầm chịu đựng nỗi oan mãi đến khi bác sĩ Thu tìm được, mời bà đến tham dự lễ tri ân, lòng người mẹ già mới nhẹ đi đôi chút

Tỉnh lại trong bệnh viện với cánh tay trái gãy đôi, bà Son quá mệt mỏi, nấc nghẹn: “Bệnh viện tôi nằm cũng gần Bệnh viện Chợ Rẫy lắm. Tôi muốn chạy qua đó, tìm bà bác sĩ Thu gì đó để nói chuyện với bả. Chỉ có bà bác sĩ ấy mới hiểu được lòng tôi, nhưng bây giờ đang bệnh mà đi qua đó, người ta nói tôi làm tiền thì sao? Nhiều năm rồi biết người ta có nhớ mình không. Tôi lại thôi”.

Sợ phiền không đến, bà Son cũng đổi số điện thoại nên đâu thể ngờ, suốt thời gian dài Tiến sĩ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối và ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đi tìm bà.

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai
Nhiều lần đến nhà thăm bà Son, chiếc bàn nhỏ trước bàn thờ anh Tiến là chỗ ngồi quen thuộc của bác sĩ Thu và bà Son. Hai người đều muốn anh Tiến thấy, nghe được sự trân quý của họ dành cho anh.

"Thiệt hả bác sĩ, tôi điện thoại cho bác sĩ được hả?"

Bác sĩ Thu chia sẻ: “Tôi liên hệ các cơ quan chức năng và những mối quan hệ để tìm bà Son. May mắn sau bao ngày chờ đợi, tôi có được số điện thoại của bà. Không ngờ, bà đã nén nỗi đau mất con để cứu người nhưng lại đau khổ suốt thời gian dài như vậy.

Sau khi tâm sự, tôi nói bà có thể gọi điện thoại cho tôi bất kỳ lúc nào, bà như reo lên: "Thiệt hả bác sĩ?" Lúc đó tôi không thể kiềm nén cảm xúc của mình”. Trước cảm tình của bà Son, mỗi lần có thời gian rảnh, bác sĩ Thu liền đến thăm bà.

Ngày 21/3/2015, bà Son được mời đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tham dự lễ Vinh danh người hiến tạng và kêu gọi mọi người đăng ký hiến tạng. Bà vào hội trường cùng mảnh giấy nhỏ nhét vào tay bác sĩ Thu với nội dung nhờ bệnh viện “giải oan” cho mình. Vì quá hồi hộp, bà đưa vội vàng rồi bước đi nên bác sĩ Thu không hề hay biết.

Dù bức thư không được đọc lên, nhưng bệnh viện đã không quên bà Son. Bà được mời lên sân khấu chia sẻ với sự trân trọng, tri ân trước hàng trăm bác sĩ, khách mời.

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai

Cho đến tận bây giờ mỗi khi đến thăm nhà hay nhắc về bà Son, bác sĩ Thu đều xúc động: “Tôi thấy nợ bà rất nhiều bởi bà chưa một lần đòi hỏi quyền lợi. Trước bao sóng gió, bà cũng chưa bao giờ than nghèo kể khổ. Tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về bà, tôi nợ bà từ giai đoạn khó khăn nhất cho đến bây giờ”.

Và lúc nào cũng vậy, biết bác sĩ Thu sẽ đến thăm, bà Son luôn chuẩn bị mâm cơm đầy ấm áp để bà cùng mọi người ăn cơm, nghe bà kể về anh Trần Quốc Tiến – người con trai bà tự hào nhất.

Mặc dù cho đến hôm nay, ở quê bà vẫn còn râm ran câu chuyện mẹ bán tạng con, nhưng bà không để ý đến nữa, bà cười hiền: “Tôi tin dù ai có nói gì, thằng Tiến vẫn luôn thương mẹ. Tôi cũng luôn tin, gia đình người nhận được thận của thằng Tiến sẽ rất vui vì vượt qua được bệnh tật. 

Lắm lúc tôi cũng mong được gặp người nhận thận thằng Tiến, để xem họ khỏe hẳn chưa. Nhưng mà thôi, tôi sợ người ta biết mình rồi lại giúp đỡ, rồi cứ nặng lòng. Mình cứu người ta, người ta sẽ có cảm giác mắc nợ. Tiền hôm nay không có thì ngày mai cố gắng tạo lập, tiền ráng kiếm được chứ đức không thể tạo. Đó là tài sản vô hình mà con cháu ngày sau của tôi được hưởng trọn vẹn nhất”.

Noi long nguoi me gia nhieu nam mang tieng tham tien ban tang con trai

Tháng 6/2012, anh Trần Quốc Tiến (sinh năm 1976, ở xã Tân An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) bị một thanh niên cùng ấp dùng thanh gỗ đánh mạnh vào đầu. Khi được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, anh Tiến bị chết não không thể cứu chữa. Người đánh anh Tiến bị xử phạt 4 năm tù.

Nói về người đã gây ra cái chết cho con bà năm xưa, sau khi thi hành xong 4 năm tù vẫn chưa một lần đến thắp nén nhang thăm hỏi, bà Son cũng chẳng buồn nhắc đến, bởi sau bản án của pháp luật, lương tâm mỗi người mới chính là án phạt.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI