Nỗi lòng con một

13/12/2021 - 06:04

PNO - Phương tự nhủ phải cố gắng sinh thêm đứa con thứ hai để con gái có chị có em, sau này chẳng phải chịu cảnh như mình.

Phương rón rén gõ cửa phòng làm việc của sếp để xin nghỉ vài ngày chăm mẹ bệnh. Những lần trước sếp đồng ý ngay lập tức nhưng lần này, sếp nhìn cô rồi thở dài bảo: “Em xem sắp xếp thế nào chứ mãi như vậy sao được. Ảnh hưởng đến công việc nhiều quá”.

Phương chỉ biết im lặng, cô không thể đem hoàn cảnh gia đình để biện minh. Sau đó, trưởng phòng cũng cho nghỉ, nhưng nhắc cô bàn giao việc đang làm cho người khác và nói sẽ bố trí lại sau. Phương rất buồn, cô đã đánh mất nhiều cơ hội trong công việc nhưng không còn cách nào khác.   

Ngày còn nhỏ, Phương luôn tự hào khi mình là con một. Ảnh minh họa
Ngày còn nhỏ, Phương luôn tự hào mình là con một. Ảnh minh họa

 

Ba mẹ sinh Phương khi họ đã qua tuổi 40, do ông bà hiếm muộn. Phương lớn lên trong tình thương vô bờ bến của gia đình, nhưng đến năm 10 tuổi, ba đột ngột qua đời. Từ đó, hai mẹ con cô nương tựa vào nhau. Đồng lương giáo viên của mẹ chỉ đủ trang trải qua ngày nuôi con ăn học chứ không tích lũy được gì.

Đến năm 30 tuổi, Phương mới lập gia đình. Mẹ cô đã qua tuổi 70, sức khỏe ngày càng yếu. Mẹ Phương bị tai biến, phải nằm một chỗ, lúc nhớ lúc quên. Vì không thể sống cùng mẹ, Phương dùng số tiền lương hưu hàng tháng của mẹ để thuê người giúp việc chăm sóc.

Khi Phương sinh con đầu lòng, gánh nặng trên vai cô ngày càng lớn vì vừa chăm con nhỏ vừa lo lắng cho mẹ. Dù đã thuê người nhưng hàng ngày, Phương đều ghé qua để phụ làm vệ sinh và cho mẹ ăn uống. Hàng tháng, Phương đau đầu tính toán tiền bỉm sửa cho con và phụ thêm tiền thuốc thang bồi bổ cho mẹ.

Chồng Phương không phải là người ích kỉ tính toán, nhưng công việc bình thường, không kiếm được nhiều tiền. Nhiều lúc, Phương ước mình có thêm một anh, chị hay em để san sẻ bớt.

Con nhỏ thường xuyên ốm đau, mẹ lại bệnh, Phương đi làm một tháng thì nghỉ hơn 10 ngày. Lúc đầu, công ty còn thông cảm nhưng về sau, họ bắt đầu trừ lương rồi dần dần giao cho Phương những công việc lặt vặt ít quan trọng.

Nhìn bạn bè cùng tuổi đạt được những thành công trong sự nghiệp, Phương thấy chạnh lòng. Đứng giữa sự lựa chọn giữa chăm sóc mẹ và công việc, cô vẫn nghĩ, công việc còn nhiều cơ hội nhưng mẹ thì chỉ có một.

Vừa chăm mẹ ốm vừa lo cho con nhỏ, Phương thấy kiệt sức. Ảnh minh họa
Vừa chăm mẹ ốm vừa lo cho con nhỏ, Phương thấy kiệt sức. Ảnh minh họa

Chỉ có một mình, Phương không biết tâm sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng ai vì không phải chuyện gì cũng nói được với chồng. Trước đây, Phương hay thủ thỉ cùng mẹ nhưng từ ngày mẹ bị bệnh, bà không còn nhớ gì nữa, nói năng lẫn lộn cả. 

Ngày còn nhỏ, Phương thấy mình may mắn khi làm con một vì chẳng phải chia sẻ đồ chơi hay tình cảm của ba mẹ với ai nhưng càng lớn nỗi niềm trong cô cứ lớn dần lên.

Phương tự nhủ phải cố gắng sinh thêm đứa con thứ hai để con gái có chị có em, sau này chẳng phải chịu cảnh như mình. Nhưng hoàn cảnh hiện tại không cho phép cô tính “liều”, thêm con mà không có tiền thì làm sao lo lắng được.

Giờ Phương chỉ mong bản thân đủ sức khỏe để lo toan gánh nặng gia đình trên vai, vừa lo cho con vừa chăm mẹ. Còn chuyện tương lai thì đến đâu hay đó chứ không thể tính được gì trong hoàn cảnh này.

Lam Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phạm Thanh Uyên 18-12-2021 22:37:58

    Bạn tôi cũng con 1, bố mất sớm, đi lấy chồng thì chồng ở rể( dù đất đai nhà chồng cô ấy cũng rộng, nhưng nhà chồng có 3 con trai nên thống nhất cho chồng ở rể để cô bạn tôi tiện bề chăm mẹ), dù đc sự cảm thông từ nhà chồng, nhưng nhiều khi cô ấy cũng tủi thân vì 1 tháng mấy lần đưa mẹ đi viện chỉ có vợ chồng thay nhau nghỉ làm chăm mẹ chẳng có anh em đỡ đần. Nhiều con cũng có cái hay

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI