Nói lời sau cùng, Hoàng Công Lương khẳng định mình vô tội

30/05/2018 - 18:19

PNO - Chiều 30/5, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã gần đi đến hồi kết. Vào 16h, tòa đã tiến hành nghị án để chuẩn bị tuyên án.

Sau 12 ngày xét xử căng thẳng, liên tục phát sinh nhiều tình tiết mới, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người chết với ba bị cáo là Hoàng Công Lương (bác sĩ của đơn nguyên Thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực), Bùi Mạnh Quốc (cán bộ phòng vật tư) và Trần Văn Sơn (giám đốc công ty Trâm Anh) đã chuẩn bị đến phần tuyên án. 

Noi loi sau cung, Hoang Cong Luong khang dinh minh vo toi
Ba bị cáo trong phiên toà

Sau khi nghị án, HĐXX đã thông báo, do vụ án có nhiều tính chất phức tạp nên quyết định hoãn phần tuyên án đối với các bị cáo, dự kiến sẽ tuyên án vào 14h ngày 5/6/2018.

Trước đó, khi HĐXX cho phép các bị cáo được nói những lời sau cùng trước khi công bố bản án, bị cáo Hoàng Công Lương đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến 9 gia đình nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Bị cáo Lương nói: "Điều mà bị cáo và các đồng nghiệp đau đớn nhất là không thể cứu sống tất cả bệnh nhân khi xảy ra thảm họa. Sau 12 ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra, bị cáo khẳng định bị cáo hoàn toàn vô tội. 

Kính mong HĐXX xem xét bản chất vụ án một cách khách quan, công tâm, đúng người đúng tội, tránh oan sai và tuyên bị cáo không phạm tội để bị cáo có cơ hội tiếp tục được khám chữa bệnh, để các nhân viên y tế trên cả nước luôn tin tưởng vào pháp luật, yên tâm công tác trong công tác thăm khám, cứu chữa người bệnh”.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc cũng bày tỏ sự chia sẻ đến gia đình các nạn nhân, cảm ơn các gia đình nạn nhân đã xin giảm án cho mình. Quốc nói: “Bị cáo nhận thức rõ lỗi của bị cáo, xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt, bị cáo là lao động chính trong gia đình, cho bị cáo được mức án thấp nhất để sớm về chăm lo cho vợ con”.

Còn với Trần Văn Sơn, ngoài việc chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân, bị cáo này còn đóng góp ý kiến để việc quản lý, sửa chữa các thiết bị y tế được cẩn thận hơn. Tránh những sự cố đau lòng như vụ việc này còn tái diễn. 

"Công việc của bị cáo không chỉ có hệ thống RO không kiểm tra chất lượng mà tất cả các thiết bị khác như máy thở, máy gây mê… cũng chỉ nhận bàn giao từ công ty rồi sử dụng chứ không có cơ quan, đơn vị nào đứng ra kiểm tra sau sửa chữa. Bị cáo nghĩ trang thiết bị y tế sau khi sửa chữa phải có người, đơn vị kiểm soát lại chất lượng.

Không có kỹ sư nào bảo họ có thể kiểm tra được chất lượng sau sửa chữa. Mong tòa cho bị cáo mức án thấp nhất. Bị cáo cũng xin giảm hình phạt để được sớm trở về với xã hội và khắc phục hậu quả bị cáo đã gây ra", Sơn nói.

Trước đó, vào ngày 23/5, đại diện VKS đã đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo như sau:

Bị cáo Hoàng Công Lương từ 30-36 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, từ 5-6 năm tù về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bị cáo Trần Văn Sơn từ 4-5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI