Nỗi lo về tình trạng trầm cảm tuổi già

12/02/2025 - 06:52

PNO - Khi dân số thế giới ngày càng già đi, chứng trầm cảm tuổi già đang trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Chứng trầm cảm tuổi già đang trở thành vấn đề nghiêm trọng - Nguồn ảnh: iStock
Chứng trầm cảm tuổi già đang trở thành vấn đề nghiêm trọng - Nguồn ảnh: iStock

Theo nghiên cứu Sức khỏe người cao tuổi Singapore (WiSE) do Viện Sức khỏe tâm thần thực hiện, chứng trầm cảm đã ảnh hưởng đến khoảng 5,5% người cao tuổi tại địa phương. Một nghiên cứu của Terry Y.Lum và Huali Wang đăng trên trang nghiên cứu khoa học Sciencedirect cho biết, trầm cảm ảnh hưởng đến 4,5 - 37,4% người cao tuổi ở nhiều quốc gia.

Theo phó giáo sư Ng Chong Jin của Bệnh viện Khoo Teck Puat, các triệu chứng của bệnh trầm cảm tuổi già dễ bị nhầm lẫn với nỗi buồn, quá trình lão hóa thông thường hoặc suy giảm nhận thức. “Gần đây, tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi bị nghi ngờ mắc chứng mất trí. Gia đình bà mô tả bà hay quên, ít nói hơn trước.

Trước đây, bà thường thích đi dạo buổi sáng hoặc trò chuyện với hàng xóm ở chợ nhưng trong 6 tháng qua, bà chủ yếu ở nhà. Khi được hỏi, bà nói không muốn ra ngoài nữa vì đã già rồi, đi lại không tốt và bạn bè bà đều đã mất. Khi buổi tư vấn diễn ra, bà bắt đầu khóc, bày tỏ sự bất mãn với cuộc sống và cảm giác cô đơn. Bà tin rằng những người lớn tuổi khác có cuộc sống tốt hơn bà. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, bà được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm tuổi già” - phó giáo sư Ng Chong Jin kể.

Theo các chuyên gia, trầm cảm tuổi già thường không được chẩn đoán, vì các triệu chứng như mệt mỏi, mất tập trung và rối loạn giấc ngủ dễ bị nhầm lẫn với tình trạng lão hóa bình thường hoặc bệnh lý thể chất. Hơn nữa, khi người cao tuổi dùng nhiều loại thuốc, một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng giống như trầm cảm, làm phức tạp thêm việc chẩn đoán và điều trị. Trầm cảm tuổi già cũng có thể biểu hiện dưới dạng mất trí nhớ hoặc lú lẫn, có thể bị hiểu nhầm là chứng mất trí nhớ.

Chuyên gia tâm lý người Nhật Idoto Kamasi cho biết, có một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi. Cô lập xã hội lâu dài là yếu tố nguy cơ đáng kể. Người lớn tuổi thường phải đối mặt với tình trạng thu hẹp vòng tròn xã hội do bạn bè và người thân mất đi, nghỉ hưu hoặc giảm khả năng vận động.

Phó giáo sư Ng Chong Jin nói thêm: sức khỏe suy giảm cũng đóng vai trò quan trọng. Các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim hoặc viêm khớp, cùng với chứng đau kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có thể khiến người lớn tuổi cảm thấy bất lực và bi quan, gây ra tâm trạng chán nản. Suy giảm nhận thức cũng là một yếu tố, vì chức năng nhận thức suy giảm hoặc chứng mất trí giai đoạn đầu thường đi kèm với tâm trạng chán nản.

Việc mất đi các vai trò chuyên môn sau khi nghỉ hưu, thu nhập giảm hoặc sự phụ thuộc tăng lên có thể khiến người lớn tuổi cảm thấy như đang trở thành gánh nặng cho gia đình hoặc xã hội, làm tăng áp lực tâm lý.

Do sự kỳ thị xung quanh sức khỏe tâm thần hoặc quan niệm sai lầm rằng trầm cảm là một phần “bình thường” của quá trình lão hóa, nhiều người lớn tuổi không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Họ thường đắm chìm hoặc sống những ngày cuối đời với chứng trầm cảm và nhiều bệnh tật khác mà không ai biết.

“Trầm cảm tuổi già có thể điều trị được và nhiều người cao tuổi thấy cải thiện đáng kể khi được chẩn đoán và quản lý đúng cách. Tuy nhiên, việc điều trị có thể phức tạp, do các tình trạng bệnh lý đi kèm và tương tác thuốc tiềm ẩn thường gặp ở người lớn tuổi” - chuyên gia Ng Chong Jin nói thêm.

Theo ông Ng Chong Jin, cần đưa người già tái hòa nhập xã hội. Thiết lập một thói quen hằng ngày với các hoạt động nhỏ giúp người già tham gia nhẹ nhàng, không áp lực, mệt mỏi. Lắng nghe tích cực, không phán xét về những mất mát và cô đơn của họ, giúp người lớn tuổi vượt qua nỗi đau buồn và sự cô đơn theo tốc độ mà họ cảm thấy thoải mái và có thể kiểm soát được. Nếu người già có dấu hiệu trầm cảm nặng hoặc đau buồn kéo dài, hãy gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Đối với các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu ngắn hạn, đồng thời theo dõi cẩn thận mọi tương tác thuốc và tác dụng phụ. “Trầm cảm tuổi già không phải là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Thông qua những nỗ lực chung của gia đình, cộng đồng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi người cao tuổi đều cảm thấy được trân trọng và gắn kết, giúp họ tìm lại mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống” - ông Ng Chong Jin nói.

Lệ Chi (theo CNA, The Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI