Nỗi lo về hóa chất vĩnh cửu PFAS đang tăng lên

14/06/2023 - 06:08

PNO - PFAS hay các chất per- và polyfluoroalkyl là một nhóm gồm ít nhất 4.700 hóa chất tổng hợp được sử dụng phổ biến trong đời sống. Nghiên cứu cho thấy chúng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và cần được kiểm soát chặt chẽ.

Mối nguy bị che giấu

PFAS xuất hiện trong mọi thứ chúng ta dùng hằng ngày, từ chảo chống dính, giấy gói thức ăn nhanh, đồ trang điểm và thảm cho đến quần áo chống nước. PFAS ra mắt vào những năm 1940. Nhóm hợp chất này có những đặc tính độc đáo như chống thấm nước, chống bám bẩn, chống dính và chống cháy, giúp mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên chúng cũng tồn tại bền vững suốt nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bọt chữa cháy chứa hóa chất PFOS tràn ra từ một cơ sở của quân đội Mỹ, gây ô nhiễm nguồn nước tại một khu dân cư ở thành phố Ginowan, tỉnh Okinawa vào tháng 4/2020 - ẢNH: KYODO NEWS
Bọt chữa cháy chứa hóa chất PFOS tràn ra từ một cơ sở của quân đội Mỹ, gây ô nhiễm nguồn nước tại một khu dân cư ở thành phố Ginowan, tỉnh Okinawa vào tháng 4/2020 - Ảnh: Kyodo News 

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mức độ cao của một số hóa chất PFAS có thể dẫn đến nguy cơ ung thư thận hoặc ung thư tinh hoàn, tăng cholesterol, khiến trẻ nhẹ cân và đáp ứng vắc xin yếu. Ngoài ra, chúng cũng có thể gây ra các biến chứng thai kỳ và thay đổi men gan. Các chuyên gia nhấn mạnh, những chất độc này xâm nhập vào cơ thể không chỉ qua nước uống mà còn qua các sản phẩm thực phẩm được trồng trên đất bị ô nhiễm hoặc phân bón làm từ bùn thải.

Vào đầu tháng Sáu, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã đưa ra khuyến cáo về sức khỏe và cho biết, nhóm hóa chất PFAS có khả năng gây nguy hiểm ngay từ liều lượng nhỏ hơn hàng ngàn lần so với suy nghĩ trước đây. EPA cũng đề xuất những giới hạn đầu tiên đối với nhóm hóa chất “vĩnh cửu” này trong nước uống.

Đáng chú ý, dù sự nguy hiểm của PFAS chỉ được nhắc đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp hóa chất đã biết về tác hại sức khỏe của PFAS từ nhiều thập niên trước. Các nhà nghiên cứu của Đại học UC San Francisco (Mỹ) đã phân tích những tài liệu trong giai đoạn 1961-2006 của DuPont và 3M - 2 nhà sản xuất PFAS lớn nhất thế giới - và tìm ra bằng chứng cho thấy các công ty này biết về tác hại của PFAS nhưng vẫn giữ im lặng.

Trong tài liệu được trích dẫn từ năm 1961, trưởng bộ phận độc chất học của DuPont phát hiện ra rằng các vật liệu Teflon có thể làm tăng kích thước gan ở chuột và khuyến cáo rằng loại hóa chất này cần “được xử lý" hết sức cẩn thận và tuyệt đối tránh tiếp xúc với da. Các công ty Chemours, DuPont và Corteva hôm 2/6 thông báo, họ đồng ý trả hơn 1 tỉ USD để giải quyết khiếu nại “hóa chất vĩnh viễn” làm ô nhiễm hệ thống nước công cộng của Mỹ.

Nỗi lo tăng lên

Khi vợ chồng ông Stephen Swanson đang ăn tối vào năm 2017, một quan chức hải quân bấm chuông cửa và cảnh báo rằng, hóa chất độc hại từ bọt chữa cháy sử dụng trong các bài huấn luyện tại một đường băng quân sự gần đó đã ngấm vào nước giếng của gia đình.

Stephen - cựu bác sĩ 78 tuổi từ bang Washington, Mỹ - cho biết: “Tôi thật sự sốc khi được cảnh báo rằng nguồn nước mà chúng tôi sử dụng có độc". Nhiều tháng sau, ông Swanson cung cấp cho cơ quan lập pháp bang Washington các xét nghiệm chứng minh máu của ông chứa hàm lượng cao chất PFAS có trong bọt chữa cháy.

Lời khai của ông Swanson giúp bang Washington trở thành bang đầu tiên tại Mỹ hạn chế sử dụng bọt chữa cháy, cũng như bao bì thực phẩm chứa PFAS. Từ đó, ít nhất 106 luật tương tự được ban hành ở 24 bang nhằm cấm hoặc hạn chế sử dụng các hóa chất PFAS. 

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc đề xuất cấm PFAS nói chung. Nếu lệnh cấm có hiệu lực, các công ty sẽ có thời hạn từ 18 tháng đến 12 năm để đưa ra các giải pháp thay thế cho hơn 10.000 hóa chất, tùy thuộc vào sự sẵn sàng của các giải pháp thay thế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất mức phơi nhiễm tối đa cho phép của 2 nhánh PFAS là PFOS (Perfluorooctane sulfonic acid) và PFOA (Perfluorooctanoic acid) ở mức 100ng/l đối với nước uống. 

Tại Nhật Bản, vào tháng 1/2016, chính quyền tỉnh Okinawa thông báo rằng họ phát hiện thấy hàm lượng PFOS cao trong nước sông và nước ngầm. Yukio Negiyama - một cư dân 76 tuổi ở thành phố Hino, phía tây khu đô thị Tokyo - kể, ông cảm thấy lo lắng về PFAS từ đầu năm 2020, sau khi thủ đô Tokyo ngừng cung cấp nước uống từ giếng vì phát hiện mức độ PFOS và PFOA vượt quá mức cho phép 35ng/l và nỗi lo đó đang tăng lên.

Ông Negiyama nói: “Các quan chức trấn an người dân rằng nguồn nước đã an toàn, nhưng còn lượng nước chúng tôi đã uống suốt những năm qua thì sao? Cơ thể chúng tôi đã bị ô nhiễm!”. Shoji Nakayama - chuyên gia sức khỏe môi trường tại Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản - giải thích, mức độ ô nhiễm PFAS trong cơ thể hầu hết người dân Nhật Bản chưa đạt đến mức cần điều trị y tế ngay lập tức.

Dù vậy, ông Nakayama vẫn kêu gọi mở rộng các chương trình giám sát PFAS trong máu để kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục. 

Ngọc Hạ (theo Washington Post, Japan Times, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI