Nỗi lo từ lò đào tạo diễn viên

22/03/2019 - 13:00

PNO - Khi một số SK chuyên nghiệp đang nỗ lực đi ngược gió để đưa SK trở về với quỹ đạo tốt đẹp thì các lò đào tạo lại nhào nặn một lứa DV vừa non nghề vừa lệch lạc tư duy làm nghề.

Từng có lúc, lò đào tạo của các sân khấu tư nhân được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giải cơn khát diễn viên. Nhưng sự ra đời ồ ạt của các lò đào tạo tư nhân, cộng thêm “cơn lốc” cạnh tranh - có học có lên sân khấu, truyền hình - khiến công tác đào tạo của không ít lò trở nên bát nháo.

Trăm lò đua mở

Thời game show chiếm sóng truyền hình, nắm bắt nhu cầu của một bộ phận giới trẻ, các lớp đào tạo nở rộ như nấm sau mưa. Nếu trước đây, chỉ khi đã có sân khấu (SK) cố định, thường xuyên sáng đèn, “bầu” SK mới nghĩ đến chuyện mở lớp đào tạo, mong tìm những gương mặt mới và lực lượng kế thừa thì giờ đây, việc khai trương SK mới thường đi liền với thông báo chiêu sinh các lớp đào tạo. Không chỉ các SK tư nhân, trung tâm văn hóa, cả trung tâm kỹ năng sống, hãng phim tư nhân… cũng chiêu sinh đào tạo diễn viên (DV).

Noi lo tu lo dao tao dien vien
Bên cạnh khả năng, tư duy làm nghề nghiêm túc là yếu tố không thể thiếu trong đào tạo diễn viên - Ảnh minh họa

Cùng với thông báo chiêu sinh là danh sách các giảng viên chính lẫn khách mời gồm những tên tuổi quen thuộc của SK kịch thành phố: NSƯT Trần Minh Ngọc, NSND Hồng Vân, NSƯT Việt Anh, NSƯT Hữu Châu, Trung Dân, Thanh Thủy, Minh Nhí, NSƯT Tuyết Thu, Đại Nghĩa… Các lớp học thường kéo dài từ 8-15 tháng, chia thành nhiều học kỳ 4-6 tháng, thời gian học từ 2-4 buổi (2,5-3 giờ/buổi). Học phí dao động từ 4,5 triệu đồng/học kỳ (4 tháng) đến 3 triệu đồng/tháng.

Hiện có hai hình thức phổ biến là đào tạo cơ bản và đào tạo chuyên sâu. Hầu hết các khóa học đều không tổ chức tuyển sinh, trừ vài khóa chuyên sâu dành cho học viên đã tốt nghiệp trường SK hoặc các lò đào tạo, DV không qua trường lớp nhưng đã tham gia biểu diễn. Các bạn trẻ muốn tham gia lớp học này sẽ phải qua kiểm tra năng khiếu. Dạng đào tạo này đang thu hút một số học viên là những gương mặt quen thuộc, đã từng biểu diễn trên SK hoặc thí sinh đoạt giải từ các game show truyền hình: Chenco (nhóm Buffalo), Thái Duy (nhóm Chuồn Chuồn Giấy), Minh Dự, Thạch Thảo, Dương Thanh Vàng…

Theo các thông báo chiêu sinh, học viên sẽ được học rất nhiều kỹ năng trong từng khóa học: diễn xuất, tiếng nói SK, hình thể, hóa trang, múa, viết tiểu phẩm… Sau mỗi học kỳ, có tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, điều hấp dẫn, mang nhiều yếu tố cạnh tranh nhất ở các thông báo chiêu sinh chính là cơ hội được đóng phim, biểu diễn SK… sau khi kết thúc khóa học.

Đến nay, vẫn chưa nhiều DV từ các lò đào tạo tư nhân khẳng định được tài năng và để lại dấu ấn cho khán giả bằng những vai diễn. Xuân Nghị (lò đào tạo SK Hồng Vân) là trường hợp hiếm hoi tỏa sáng, do có nhiều cơ hội rèn luyện, thử thách và thể hiện mình ở các game show lẫn những vai diễn khá nặng ký trên SK kịch Hồng Vân. Thành Vinh (lò đào tạo SK Trịnh Kim Chi) cũng vừa lóe sáng ở Liên hoan SK kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 qua vở Rặng trâm bầu, nhưng “mất hút” ngay sau đó.

Noi lo tu lo dao tao dien vien
Buổi học của một "lò" đào tạo

Những hệ lụy khó lường

Không thể phủ nhận thực tế: so với các trường nghệ thuật, học viên của các lò có nhiều cơ hội cọ xát với SK và khán giả hơn. Có thể chỉ sau một khóa học 3-4 tháng, học viên đã được lên SK, biểu diễn cùng các nghệ sĩ, DV chuyên nghiệp. Nhưng với thực tế hiện nay, việc được lên SK sớm là con dao hai lưỡi, có thể khiến học viên chỉ diễn được theo bản năng, khó đi xa trong nghề nghiệp; bởi với thời gian tập luyện không nhiều, DV chủ yếu được rèn lối diễn theo bản năng mà không cần phân tích nhân vật, hiểu đường dây tâm lý, hành động của nhân vật.

“Trong quá trình học, sinh viên có thể chọn bất kỳ nhân vật nào mình muốn để tập luyện. Nhưng khi thi, nam nên chọn giọng nam để luyện giọng thật của mình. Trên cơ sở đó, giảng viên mới có thể đánh giá chính xác sự tiến bộ, đồng thời giúp sinh viên khắc phục những hạn chế trong tiếng nói SK”.

Giảng viên môn tiếng nói sân khấu Mai Thanh Dung 

Nhiều DV xuất thân từ các lò đã lọt thỏm trên SK, bên cạnh bạn diễn được đào tạo chuyên nghiệp, không phải do non bản lĩnh SK mà vì diễn xuất kiểu tự nhiên chủ nghĩa, không điều tiết được từ cách thoại lời, thể hiện cảm xúc đến ngôn ngữ hình thể…

Trong số giảng viên của các lò đào tạo, có những tên tuổi được nhiều người biết đến do xuất hiện ở nhiều chương trình, game show hoặc phim ảnh, với khả năng diễn xuất chưa quá xuất sắc. Thậm chí có giảng viên chưa có một vai diễn hoặc tác phẩm nào thực sự để lại ấn tượng mạnh cho công chúng. Đào tạo theo kiểu truyền nghề nhanh, đáp ứng nhu cầu được xuất hiện sớm trên SK của học viên, giải cơn khát DV của SK, cộng chất lượng, khả năng, kỹ năng… truyền nghề hạn chế của đội ngũ giảng viên đang đặt công tác đào tạo và SK thành phố trước những hệ lụy khó lường.

Noi lo tu lo dao tao dien vien
Một lớp đào tạo diễn viên nhí

Người làm nghề từng phản ứng gay gắt việc một lò đào tạo cho học viên nam chọn nhân vật nữ để làm bài thi môn tiếng nói SK. “Yếu tố giả gái hay đồng tính phải được cân nhắc. Mục đích của việc giả gái phải rõ ràng, thuyết phục. Giả gái hay đưa hình ảnh đồng tính chỉ vì thích là điều không thể chấp nhận” - NSƯT Ca Lê Hồng khẳng định.

Đau lòng ở chỗ, đa phần những người mở lò đào tạo hoặc có tên trong đội ngũ giảng viên và giới làm SK ở thành phố đều có những mối quan hệ thân quen hoặc từng/đang cộng tác ở nhiều chương trình khác. Dù không đồng tình với cách đào tạo dễ dãi, họ rơi vào tình thế không tiện góp ý, thậm chí buông những lời khen có cánh trên các trang cá nhân, khiến thật giả càng thêm lẫn lộn. 

“Nghệ thuật phải đẹp về tinh thần, về góc nhìn, về tư duy làm nghề… Thẩm mỹ không đẹp thì không bao giờ có được tác phẩm nghệ thuật để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Tư duy làm nghề dễ dãi, những quan điểm nông cạn về nghệ thuật sẽ đẩy lùi và khiến SK ngày càng mai một, mất dần khán giả”.

Đạo diễn - NSƯT Công Ninh

Tất cả, vô hình trung, hình thành một lớp DV có tư duy rất dễ dãi khi làm nghề. Họ diễn bản năng, dễ dãi chạy theo tiếng cười, bất chấp các giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ… của một vở diễn SK. Khi một số SK chuyên nghiệp đang nỗ lực đi ngược gió để đưa SK trở về với quỹ đạo tốt đẹp thì các lò đào tạo lại nhào nặn một lứa DV vừa non nghề vừa lệch lạc tư duy làm nghề.

“Các lò đào tạo ra đời, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận giới trẻ mê làm SK nhưng không có nhiều thời gian học nghề hoặc có tâm lý muốn được học nhanh, ra nghề sớm. Trước thực trạng đó, người làm công tác truyền nghề phải giữ được cái tâm, trách nhiệm với nghề và sự tôn trọng đối với nghề nghiệp của mình. Các lò đào tạo hiện nay là một hình thức thương mại nghệ thuật. Không ai lên án thương mại nghệ thuật, miễn các chương trình được xây dựng nghiêm túc, có chất lượng. Nhưng thương mại theo kiểu chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bất chấp tất cả thì SK sẽ chết một ngày không xa” - đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói. 

Noi lo tu lo dao tao dien vien
Các diễn viên trong một lớp học diễn xuất chuyên nghiệp

Điều đáng lo lắng hơn cả khả năng diễn xuất của các diễn viên tốt nghiệp từ lò đào tạo là ý thức làm nghề. Với thời gian đào tạo ngắn đến rất ngắn, diễn viên khó có đủ vốn nghề, kinh nghiệm để trụ trong những tác phẩm có thể bán vé. Trong khi đó, tâm lý của quản lý các lò đào tạo lẫn học viên là học viên phải được lên sân khấu, sớm ra nghề, để chứng minh khả năng của lò. Muốn vậy, vở diễn tốt nghiệp phải được công diễn, có bán vé. 

Lối đi dễ được chọn là dựng vở nương theo thị hiếu dễ dãi của công chúng. Vở được gọi là tác phẩm tốt nghiệp nhan nhản những yếu tố gây cười dễ dãi từ tính cách, giới tính nhân vật đến những câu thoại lố bịch, tự nhiên chủ nghĩa... không cần quan tâm đến tính hợp lý khi tạo ra các tình huống, nhân vật khác lạ trên sân khấu. Thực tế ngán ngẩm đến mức, có buổi thi tốt nghiệp, khách mời ở hàng ghế danh dự cũng không đủ kiên nhẫn xem hết tác phẩm của con em mình.


Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI