Nỗi lo “tre già, măng không mọc”

15/08/2023 - 12:09

PNO - Điểm trường Pa Tết của Trường mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nằm cách huyện lỵ gần 80km, trong đó có khoảng 20km đường mòn, 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu. Đó cũng là quãng đường mà cô giáo mầm non Chim Thị Mừng phải vượt qua mỗi tuần.

 

Cô giáo trường Mầm non Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) trong vai chú hề - ẢNH: M.T
Cô giáo trường Mầm non Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) trong vai chú hề - Ảnh: M.T

Lần đầu tiên lên Pa Tết nhận công tác, cô Mừng đã dừng giữa đường, ngồi khóc bởi đường đi quá gian nan, những chuyến về thăm con cũng sẽ thưa dần. Điểm trường mầm non Pa Tết không có điện, không có nước sạch, không có sóng điện thoại, phòng học là gỗ tạp ghép lại, mái lợp tôn. Những ngày không có nắng, cả cô và trò phải căng mắt đánh vần từng chữ trên bảng do quá tối, lại không có đèn thắp sáng. Nguồn nước duy nhất của trường được dẫn về từ mạch suối ở trên núi cao. Nhưng đến mùa khô, nước cạn, cô Mừng phải hứng từng giọt hoặc ra suối cách đó khá xa để gạn từng thùng nước mang về. 

Bà Bùi Thị Sáu - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Huổi Lếch - trăn trở: “Ở điểm trường Pa Tết cũng như nhiều điểm lẻ khác, GVMN hầu hết là nữ nên việc đảm bảo an toàn cho các cô cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở. Đặc biệt là sau vụ việc cô giáo bám bản ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang rơi xuống vực tử vong trên đường đến trường. Việc nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn, đối mặt nhiều hiểm nguy nhưng tổng thu nhập của các GVMN bám bản chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng”.

Gần 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Duyên (Trường mầm non Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) bám bản một mình. Sáng, cô đón và rửa mặt mũi, tay chân cho từng đứa trẻ. Cũng trăm việc như GVMN miền xuôi, nhưng GVMN bám bản còn phải làm cả công tác dân vận. Ở vùng có dân trí thấp, cô Duyên phải thường xuyên lên các bản để dỗ trẻ đến trường, vận động phụ huynh đưa con đến lớp. Khi gia đình phụ huynh mời dự đám tiệc, cô giáo cũng phải xén những đồng lương ít ỏi để mừng, nhằm duy trì tình cảm với dân bản, từ đó giữ được sĩ số học sinh.

10 năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Duyên không còn chạy xe máy từ TP Lào Cai lên Tả Ngài Chồ nữa. Ở độ tuổi 40, cô Duyên bảo, mỗi lần ngồi xe khách lên Mường Khương là cô thấy rã rời chân tay, mệt hơn chạy xe máy thời 20 tuổi. Mỗi lần vào bản dỗ học trò đến lớp, cô cũng thấy mệt hơn. Cô nói: “Không biết 10 năm nữa, tôi còn đủ sức khỏe để dạy các cháu nữa hay không”.

Cũng như các trường mầm non khác ở vùng cao, ban giám hiệu Trường mầm non Tả Ngải Chồ luôn tạo điều kiện, sắp xếp chuyển giáo viên lớn tuổi về trường trung tâm, vận động giáo viên trẻ bám bản. Nhưng GVMN đang ngày càng thiếu, ngày càng hiếm. Ngoài nỗi lo riêng, cán bộ quản lý các trường mầm non còn lo “tre đã già mà măng không mọc”. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI