Nỗi lo thực phẩm tết trôi nổi, hết hạn, chứa chất cấm

23/12/2018 - 06:00

PNO - Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM phát hiện hơn 7 tấn thực phẩm nhập lậu, hết hạn sử dụng gồm các mặt hàng bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát,…và tiêu hủy 40 mảnh heo nghi lở mồm long móng.

Bánh kẹo, mứt, hạt; rượu bia; giò chả; thực phẩm khô,… là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp tết. Những ngày này tại các chợ lớn ở TP.HCM như: Bình Tây, Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu,… các sạp đầy ấp các mặt hàng kể trên.

Noi lo thuc pham tet troi noi, het han, chua chat cam
Các loại mứt, hạt phục vụ tết không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán khắp các chợ.

Tại khu vực đồ khô chợ Bến Thành, Bà Chiểu, ánh đèn chiếu làm cho các lô hàng tôm khô, mực khô, bò khô, chà bông,.. trông hấp dẫn, bắt mắt. Chúng tôi hỏi mua, người bán tư vấn chọn loại tôm khô ngon, giá 750.000 – 900.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, quan sát thấy hầu hết tôm, mực, bò khô đều được bán dạng xá, mua bao nhiêu cân bấy nhiêu, không rõ thương hiệu, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; ngày sản xuất, hạn sử dụng. Nhiều món chỉ đựng trong bịch ni long, dán mảnh giấy nhỏ ghi chung chung tên hàng tôm, bò khô; giá cả; xuất xứ Bến Tre, Cà Mau,… Người bán cho biết “của mối quen cung cấp, hàng đặc biệt, yên tâm chất lượng”. 

Sạp H.X (chợ Bến Thành) bày bán mứt dừa, bí, gừng, me, mãng cầu; hạt sen, điều, óc chó; mít sấy;…nhưng người mua không biết cơ sở sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm mà chỉ nghe người bán tư vấn cùng dòng chữ ghi trên túi hàng từng loại “thượng hạng”, “đặc biệt”,…

Noi lo thuc pham tet troi noi, het han, chua chat cam
Bánh kẹo, mứt được bày bán dạng xá, người bán tự dán miếng giấy ghi thông tin sơ sài.

Sạp M.C kế bên cũng bán đủ loại mứt, hạt, bánh kẹo nội, ngoại nhập phục vụ tết Nguyên đán sắp tới nhưng nhãn sản phẩm cũng do người bán tự viết, không có thông tin, giấy tờ chứng minh. Với kẹo đậu phộng, người bán dán miếng giấy ghi: kẹo đậu bơ; thành phần: đậu phộng, đường; hạn sử dụng 6 tháng; để nơi khô, thoáng mát;… Người mua không biết cơ sở sản xuất nào chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm; ngày sản xuất, hạn sử dụng và chất lượng sản phẩm.

Chị Lê Minh (35 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết chị thường mua mối quen nên tin tưởng người bán là chính chứ không tìm hiểu kỹ đơn vị sản xuất sản phẩm. “Món nào tôi thấy ngon, giá hợp lý thì mua chứ không thấy sản phẩm có nhãn mác, hỏi thì người bán nói yên tâm chất lượng”, chị Minh nói. 

Tăng cường “quét” thực phẩm bẩn

Thực phẩm chế biến sẵn cũng là mặt hàng tiêu thụ mạnh trong mùa tết. Mới đây,  Đội Quản lý ATTP số 9 thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM kiểm tra, phát hiện tại chợ đầu mối Hóc Môn có 20 con heo (40 mảnh)  trong tình trạng tất cả viền móng chân có mụn nước đã vở gây viêm loét, các móng chân không còn bám chặt vào bàn chân (các móng chân heo bị bong tróc).

Noi lo thuc pham tet troi noi, het han, chua chat cam
Heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn bị tiêu hủy do nghi mắc bệnh lở mồm long móng.

Đáng lưu ý, các hạch sưng to, xung huyết, xuất huyết có triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng. Số lượng heo trên có nguồn gốc từ tỉnh Long An. Ban Quản lý ATTP đã tiến hành xử lý và tiêu hủy theo quy định các mảnh heo trên. Bên cạnh đó, đoàn liên ngành vệ sinh ATTP kiểm tra, phát hiện một vụ vi phạm không đảm bảo an toàn vệ sinh nơi chứa trữ thực phẩm, để lẫn lộn thực phẩm chín và sống.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban ATTP TP.HCM đánh giá, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm về điều kiện vệ sinh do khu vực sản xuất, chế biến xuống cấp. Chủ cơ sở còn chủ quan, chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ pháp lý  về ATTP dẫn đến vi phạm về điều kiện khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, việc đảm bảo ATTP tết, các địa phương phải trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chính; Ban chỉ đạo ATTP trung ương đã có chỉ đạo, hướng dẫn và các địa phương phải thực hiện, tập trung vào công tác thanh kiểm tra và vận động, tuyên truyền từ cơ sở sản xuất đến người tiêu dùng. Phải hướng dẫn cho họ biết các quy định của pháp luật và người tiêu dùng biết cách chọn lựa, bảo quản thực phẩm sao cho an toàn.

Noi lo thuc pham tet troi noi, het han, chua chat cam
Bộ trưởng Bộ Y tế và Cục trưởng cục ATTP kiểm tra chợ Bến Thành ngày 21/12, lấy mẫu bánh kẹo, mứt, giò chả, chà bông kiểm nghiệm.

“Các lực lượng thanh kiểm tra cần tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ mạnh trong dịp tết như rượu, bia, bánh, kẹo, mứt; thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến; nước giải khát;… Tăng cường hậu kiểm, lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm các tiêu chuẩn theo quy định và nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm”, ông Phong nhấn mạnh.

Ngày 21/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì, phối hợp Ban ATTP TP.HCM trực tiếp kiểm tra hai doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM là Công ty Vissan (Q.Bình Thạnh), Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây (Q.7) và một số sạp chuyên doanh bánh kẹo, mứt, giò chả tại chợ Bến Thành (Q.1).

Làm việc với công ty Vissan, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét thông qua những báo cáo của các cơ sở cho thấy vấn đề nguồn gốc, các khâu sản xuất điều đảm bảo theo quy trình tiêu chuẩn của VietGAP. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các loại chất kháng sinh, thức ăn trong chăn nuôi. Riêng đối với các sản phẩm tươi sống, có thời hạn tiêu thụ ngắn, doanh nghiệp cần quan tâm về chất bảo quản; phụ gia; thời gian, nhiệt độ bảo quản để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Noi lo thuc pham tet troi noi, het han, chua chat cam
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công ty Vissan ngày 21/12.

“Kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi là vấn đề các bộ ngành và tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc đã cam kết, không để tình trạng hàm lượng kháng sinh vượt ngưỡng và các chất phụ gia khác làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và gây mất uy tín trên thị trường thế giới”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Kiểm tra hai doanh nghiệp sản xuất và ba cơ sở kinh doanh trong ngày 21/12, đoàn liên ngành Bộ Y tế đã tiến hành lấy 10 mẫu bún, mì, bánh kẹo, mứt; tôm khô; giò chả, chà bông;… để kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, hóa lý theo quy định. Đặc biệt, kiểm tra các phụ gia, chất bảo quản có được phép sử dụng, vượt ngưỡng hay không. Cục ATTP sẽ công bố ngay sau khi có kết quả.

Cùng ngày, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, bà Tiến đánh giá TP.HCM có quy mô lớn nhất cả nước về cung cấp hàng, tiêu thụ hàng hóa, nguy cơ về an toàn thực phẩm rất lớn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán sắp đến. Vì vậy, các cơ quan ban ngành cần tăng trường phối hợp chặt chẽ, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, chỉ trong tuần qua, các đội QLTT đã phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, phát hiện hơn 30 vụ vi phạm kinh doanh thực phẩm trôi nổi, hết hạn sử dụng.

Lực lượng kiểm tra đã thu giữ hơn 7 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm: 1.076kg me khô không vỏ, mứt táo dẻo, bột hương dâu, bột macha và 5.066 đơn vị sản phẩm rượu, bia, nước giải khát, bánh, kẹo, sữa các loại… Tổ công tác còn thu giữ  775 kg mứt me sấy viên và 251 hộp, chai trà Dilmah, nước củ năng, siro nho, hạt thủy tinh, mãng cầu me dầm đá đã hết hạn sử dụng.

Nguyễn Cẩm - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI