Nỗi lo thừa sân bay

26/03/2021 - 07:00

PNO - Việc các địa phương ồ ạt đề xuất bổ sung các sân bay mới vào quy hoạch gây lo ngại về tình trạng lạm phát sân bay, nhất là khi 70% số sân bay hiện đang hoạt động không có lãi.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, số sân bay sẽ được nâng từ 22 lên 26 và đến năm 2050 là 30. 

Trong quá trình lấy ý kiến, nhiều địa phương đã đề xuất được mở sân bay, như tỉnh Bình Phước, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Thuận. Các địa phương này cho rằng, sân bay sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển. Đáng nói, dù chỉ mới đề xuất xây sân bay nhưng tại nhiều địa phương, đã xảy ra sốt đất.

Hiện chỉ có 6/22 sân bay trên cả nước hoạt động có lãi, còn lại đang hòa vốn hoặc phải bù lỗ (trong ảnh: Sân bay Pleiku, tỉnh Gia Lai) - Ảnh: Đông Quân
Hiện chỉ có 6/22 sân bay trên cả nước hoạt động có lãi, còn lại đang hòa vốn hoặc phải bù lỗ (trong ảnh: Sân bay Pleiku, tỉnh Gia Lai) - Ảnh: Đông Quân

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, “hội chứng sân bay” sẽ để lại nhiều hệ lụy như từng diễn ra với “hội chứng cảng biển” trước đây. Đáng nói, trong số 22 sân bay đang khai thác, chỉ có khoảng sáu sân bay có lãi, gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài. Các sân bay khác đa số hòa vốn hoặc đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường đại học Bách khoa TPHCM - việc đầu tư sân bay mới phải dựa trên hai yếu tố: nhu cầu hành khách và bài toán tài chính. Ví dụ, sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đang phục vụ cho cả người dân Quảng Trị; nếu xây sân bay Quảng Trị trong khi cư dân địa phương không đông, khách du lịch không nhiều thì chắc chắn lỗ, lượng khách đến sân bay Đồng Hới, Phú Bài cũng giảm. 

Ông Tống cho rằng, các địa phương nên nghiên cứu mạng lưới sân bay nhỏ với đường bay ngắn, dành cho dòng máy bay nhỏ tầm thấp như ATR72, hoặc dòng máy bay dưới 20 chỗ ngồi, phục vụ nhu cầu du lịch hoặc cứu thương, an ninh quốc phòng… Các địa phương cũng có thể tận dụng các sân bay quân sự do lịch sử để lại, chuyển thành sân bay lưỡng dụng quy mô nhỏ, phục vụ du lịch, giao thương, kết nối giữa các địa phương mà không cần qua các sân bay lớn.

Tại hội thảo góp ý về quy hoạch sân bay, diễn ra vào đầu tháng 3/2021, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, một số tỉnh muốn có sân bay mới, một số tỉnh muốn chuyển từ sân bay nội địa sang quốc tế, nhưng sân bay không phải là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội một tỉnh. Các địa phương cần chủ động phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ để thu hút đầu tư, du lịch, bởi du khách đến địa phương không phải vì nơi đó có sân bay hoành tráng. 

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đến năm 2050, cả nước có 30 sân bay gồm 15 sân bay quốc tế và 15 sân bay nội địa. So với năm 2030, cả nước có thêm bốn sân bay gồm Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và sân bay thứ hai cho vùng thủ đô (quy hoạch sau năm 2040). Ước tính, chi phí đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 2020-2030 khoảng 365.100 tỷ đồng và giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Đến năm 2030, với hệ thống sân bay đã được phê duyệt, gần 96% dân số Việt Nam có thể tiếp cận được sân bay trong phạm vi 100km.

Bùi Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI