Cấp bách hành động vì an ninh nguồn nước - Bài 1:

Nỗi lo thiếu nước sạch ở thành phố hơn 10 triệu dân

12/09/2022 - 06:23

PNO - Dù hệ thống sông ngòi chằng chịt, các tỉnh phía Nam vẫn đối mặt với tình trạng thiếu nước. An ninh nguồn nước đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, sự suy thoái nguồn nước mặt, ô nhiễm sông ngòi, kênh rạch. Các chuyên gia cho rằng, cần hành động cấp bách để bảo vệ nguồn nước sạch.

Năm ngoái, để đẩy mặn cho sông Sài Gòn, đơn vị quản lý nguồn nước hồ Dầu Tiếng đã phải năm lần xả nước với khối lượng 

50-100 m3/giây, tổng lượng xả khoảng 58,25 triệu m3. Tình trạng xâm nhập mặn, giảm mực nước, ô nhiễm nước mặt của các con sông cùng sự lạc hậu của hệ thống cấp nước đang làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn nước cung cấp cho TP.HCM - thành phố có hơn 10 triệu dân.

Con trùn chỉ cũng không sống nổi

Ra về trên chiếc ghe chỉ vỏn vẹn vài ký trùn chỉ, ông Nguyễn Hồng Sơn (phường 15, quận Gò Vấp) buồn rười rượi. Cả một đời gắn bó với sông nước, ông gần như thuộc lòng các con kênh, dòng sông ở TPHCM. Ông kể, trước kia, tôm cá trên sông Vàm Thuật (chảy qua quận 12 và Gò Vấp) bạt ngàn nên trên bờ đã hình thành làng Hưng Nghĩa với hàng trăm hộ mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Nhưng bây giờ, nguồn nước sông đen ngòm, ô nhiễm nặng nên không có cá tôm nào sống nổi.

Những năm gần đây, nước sông Sài Gòn liên tục bị nhiễm mặn, chất lượng nước suy giảm (trong ảnh: Đoạn sông Sài Gòn qua huyện Củ Chi, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương)
Những năm gần đây, nước sông Sài Gòn liên tục bị nhiễm mặn, chất lượng nước suy giảm (trong ảnh: Đoạn sông Sài Gòn qua huyện Củ Chi, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương)

Ông Sơn nêu kinh nghiệm, có thể dựa vào cá, tôm và các thủy sinh vật để nhận biết nguồn nước sông, kênh bị ô nhiễm hay không. Trước đây, trên sông Vàm Thuật, có rất nhiều loài cá như mè hôi, dứa, lòng tong, sát... nhưng nay, các loài cá này đã biến mất. Ông nói: “Đây là các loài cá ưa nước sạch. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, chúng sẽ chết hoặc rời đi nơi khác”.

Cá tôm cạn dần, làng Hưng Nghĩa bên sông Vàm Thuật cũng “biến mất”, chỉ còn vài chiếc ghe chuyên vớt trùn chỉ. Trùn chỉ là một loài có thể sống được trong nguồn nước ô nhiễm, nhưng chỉ là ô nhiễm hữu cơ. Với ô nhiễm do nhà máy xả thải gây ra thì trùn chỉ cũng không thể sống nổi. Bởi vậy, những chiếc ghe bắt trùn chỉ phải di chuyển ngày một xa hơn, đến tận huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt lục địa ở TPHCM năm 2021, có hàng loạt điểm quan trắc cho ra chỉ số nguồn nước mặt không đạt quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể, nồng độ oxy hóa học tại 44% điểm, hàm lượng chất rắn lơ lửng tại 50% điểm, hàm lượng clorua tại 50% điểm, hàm lượng amoni tại 69% điểm, hàm lượng sắt tại 81% điểm, nồng độ oxy hòa tan và hàm lượng coliform tại 100% điểm quan trắc không đạt quy chuẩn. Về tổng quan, chất lượng nguồn nước ở TPHCM năm 2021 có cải thiện hơn so với những năm trước, nhưng các chỉ số không đạt vẫn đang ở mức cảnh báo.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin, các nguồn chính gây ô nhiễm nước mặt ở TPHCM gồm nước thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp, từ sinh hoạt, từ các khu vực dịch vụ, y tế và một phần từ hoạt động nông nghiệp. Các nguồn ô nhiễm trên cùng với tốc độ công nghiệp hóa tác động lên cả hệ sinh thái thủy vực lẫn trên cạn, đe dọa lâu dài trên chuỗi thức ăn của mọi sinh vật.

Theo Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (thuộc UBND TPHCM), trong một tháng gần đây, khi giám sát ô nhiễm nguồn nước trên các công trình thủy lợi, công ty ghi nhận những dấu hiệu của sự ô nhiễm và tình trạng xả thải gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước cục bộ ở một số vị trí.

Cụ thể, vào tháng 7/2022, trên kênh Thầy Cai, đơn vị chức năng phát hiện nguồn nước ở đây có mùi hôi, màu đen, nhiều bọt trắng. Đây là chỉ dấu để nhận biết nguồn nước bị ô nhiễm. Đáng nói, nguồn ô nhiễm này từ cống thoát nước số 823 (phía bờ Long An) xả trực tiếp vào kênh Thầy Cai. Tương tự, chất lượng nước trong một tháng qua trên kênh ranh Long An cũng không ổn định, đoạn từ cầu Tỉnh lộ 9 đến cống cuối kênh AH22 và đoạn từ cống cuối kênh AH30 đến cống cuối kênh ranh thường có nước đen. Chất lượng nước kênh ranh chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các nguồn nước thải từ tỉnh Long An xả vào.

“Qua kiểm tra tháng vừa qua, chúng tôi xác định, chỉ có kênh An Hạ, kênh A, suối Nhum, suối Cái có chất lượng nước tương đối ổn định, có màu vàng nhạt, không có mùi lạ; các tuyến kênh khác đều có dấu hiệu của sự ô nhiễm do xả thải” - một cán bộ Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi chia sẻ.

Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước

Những năm gần đây, cùng với sự suy giảm về nguồn lợi thủy sản, các chuyên gia sinh học còn phát hiện sự xâm nhập của một số loài động thực vật ưa mặn trên một số sông, đặc biệt là sông Sài Gòn. Đây là một chỉ dấu về sự xâm nhập mặn trên dòng sông lớn và quan trọng nhất của TPHCM.

Ông Huỳnh Vũ Ngọc Quý - Trưởng bộ môn sinh thái và tài nguyên môi trường, Viện Kỹ thuật biển - cho hay: “Xâm nhập mặn đã và đang hiện hữu, đe dọa đến chất lượng nguồn nước ở TPHCM”.

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt ở 26 vị trí quan trắc trên sông Sài Gòn - Đồng Nai năm 2021, độ mặn thường trên 150mg/l, có thời điểm vượt quy chuẩn cho phép (250mg/l). Trong thời điểm TP.HCM đang hứng chịu đợt dịch COVID-19, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã phải căng mình ứng phó với nạn xâm nhập mặn. Trong năm 2021, SAWACO đã liên hệ với Công ty TNHH một thành viên Khai thác dịch vụ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa nhờ xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn tổng cộng năm lần với tổng lượng xả khoảng 58,25 triệu m3 để không cho độ mặn vượt mức cho phép. 

Trên sông Đồng Nai, tình trạng xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến chất lượng nước ở khu vực khai thác nước thô (phường Hóa An, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) của cụm ba nhà máy nước cung cấp cho TPHCM (Thủ Đức, BOO Thủ Đức và Thủ Đức 3). Tuy nhiên, mùa lũ kiệt (thường bắt đầu vào tháng Mười hai và kéo dài đến cuối tháng Sáu, Bảy năm sau cùng sự phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam có thể khiến chất lượng nước sông bị ô nhiễm nặng, đòi hỏi có nguồn nước điều tiết bổ sung.

Tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm vào mùa lũ kiệt đã và đang đe dọa đến vùng cấp nước phía tây của TPHCM (do Nhà máy nước Tân Hiệp quản lý, dùng nước sông Sài Gòn). Cứ vào mùa khô, gần 800.000 hộ ở 11 quận, huyện phía tây lại thấp thỏm chờ thông báo của Nhà máy nước Tân Hiệp.

Dòng nước trong nhiều kênh rạch ở nội thành TP.HCM đang bị ô nhiễm do rác thải và nước thải (trong ảnh: Rạch Xuyên Tâm đoạn chảy qua địa bàn Q.Bình Thạnh)
Dòng nước trong nhiều kênh rạch ở nội thành TPHCM đang bị ô nhiễm do rác thải và nước thải (trong ảnh: Rạch Xuyên Tâm đoạn chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh)

Không chỉ nước mặt, nguồn nước ngầm ở TPHCM cũng đang có vấn đề. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả phân tích chất lượng nước dưới đất giai đoạn 2016-2021 vùng Đông Nam bộ cho thấy, một số vị trí quan trắc trong tầng chứa nước lỗ hổng có hàm lượng một số chất vượt quy chuẩn cho phép, như mangan ở khu vực Tây Ninh, TPHCM, Đồng Nai; sắt ở TPHCM, Đồng Nai; a-xít nitric ở TPHCM, Đồng Nai. Đã xảy ra tình trạng nhiễm mặn dưới đất ở nhiều khu vực của vùng Đông Nam bộ. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Lê Văn Trung - Phó chủ tịch Hội Trắc địa Bản đồ TPHCM - nhiễm mặn nguồn nước dưới đất là do tác động của biến đổi khí hậu và khai thác nước ngầm quá mức. Khi nước ngầm bị khai thác quá mức thì việc sụt lún và nhiễm mặn tất yếu xảy ra. 

Cần nghĩ đến biện pháp trữ nước

Theo kết quả khảo sát Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối chiếu theo ba tiêu chí (mực nước ngày nhỏ nhất, tháng nhỏ nhất, ba tháng nhỏ nhất) trên dòng chính sông Đồng Nai (đến trạm Tà Lài) và sông Bé (đến trạm Phước Hòa) thì trong giai đoạn 2016-2021, nguồn nước đang bị suy kiệt, suy giảm so với giai đoạn 1980-2015. Các tầng nước dưới mặt đất ở vùng Đông Nam bộ cũng đang suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, các báo cáo về dân số đều cho thấy quy mô dân số ở TPHCM đang tăng lên nhảy vọt theo từng năm (cứ khoảng 5 năm lại tăng 1 triệu người). Với quy mô dân số như hiện tại (hơn 10 triệu dân, chưa tính số vãng lai), TPHCM cần đến 365 triệu m3 nước/năm để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ông Hoàng Việt - Quản lý Chương trình nước, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) - cho hay, Việt Nam trước đây được coi là quốc gia không thiếu nước do có hệ thống sông ngòi dày đặc. Nhưng những năm gần đây, việc thay đổi chế độ mưa, việc đắp đập trên thượng nguồn và làm thay đổi dòng chảy đã khiến Việt Nam đứng trước mối đe dọa thiếu nước. Đồng thời, chất lượng nước trên hệ thống sông ngòi Việt Nam đang suy giảm. 

Trong tương lai, tình trạng xâm nhập mặn sẽ đe dọa an ninh nguồn nước ở TP.HCM (trong ảnh: Người dân ở H.Cần Giờ trữ nước sạch trong lu để dùng trong mùa khô)
Trong tương lai, tình trạng xâm nhập mặn sẽ đe dọa an ninh nguồn nước ở TPHCM (trong ảnh: Người dân ở H.Cần Giờ trữ nước sạch trong lu để dùng trong mùa khô)

“Tình trạng đô thị hóa, lấn chiếm sông ngòi đang làm mất đi chỗ trữ nước mưa và làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Điều này đang tạo ra nguy cơ thiếu nước sạch ở TPHCM nói riêng và các đô thị lớn nói chung” - ông Hoàng Việt chia sẻ.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện đang có sự xung đột về nhu cầu sử dụng nước. Theo đó, Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể cấp nước TPHCM đến năm 2025 và nhu cầu cấp nước của TPHCM đến năm 2025” dự kiến nhu cầu cấp nước là 3,7 triệu m3/ngày đêm. Nhưng hiện nay, lượng nước mặt lấy từ sông Sài Gòn và Đồng Nai có tổng công suất thiết kế là 2,4 triệu m3/ngày, công suất cấp nước chỉ 1,93 triệu m3/ngày. Lưu lượng nước dưới đất theo lộ trình từ năm 2021-2025 sẽ còn 100.000 m3/ngày. Cộng hai số liệu trên lại, sẽ không đủ 3,7 triệu m3 nước/ngày đêm theo nhu cầu cấp nước của TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt.

TPHCM là nơi tập trung nhiều cảng như Tân Cảng, Bến Nghé, Hiệp Phước, Cát Lái. Hệ thống cảng sông và cảng biển ở TPHCM được xem là lớn nhất nước với 38 cảng, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đứng đầu cả nước. Điều này cũng khiến nguy cơ gia tăng các sự cố tràn dầu từ các hoạt động đường thủy.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, năm 2021, tại TPHCM, đã xảy ra sự cố chìm sà lan trọng tải 800 tấn, bên trên có khoảng 2.000 lít dầu DO để chạy tàu và 600 tấn mật rỉ. Rất may, sự cố trên không gây tràn dầu. Ngày 20/3 vừa qua, việc phát hiện váng dầu ở gần trạm bơm Hóa An lại một lần nữa dấy lên nỗi lo về an ninh nguồn nước. Nếu xảy ra sự cố tràn dầu, an ninh nguồn nước sẽ bị đe dọa.

Tình trạng xâm nhập mặn và các sự cố ô nhiễm có thể khiến hoạt động lấy nước thô và xử lý nước của TPHCM bị gián đoạn. Tuy nhiên, nguồn nước dự phòng của thành phố lại không đủ để đảm bảo cho việc ngưng sử dụng nguồn cấp nước từ bên ngoài. Nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức mỗi nơi chỉ có hồ chứa đủ để trữ nước trong vòng 5-7 giờ cùng với 400.000m3 nước dự phòng. Hệ thống cung cấp nước ngầm của thành phố hiện cũng chỉ có thể cung cấp 115.000m3 mỗi ngày. Với tổng lượng dự trữ này, TPHCM chỉ có thể đảm bảo cho sinh hoạt một ngày đêm khi nguồn nước bên ngoài không thể sử dụng.

Được biết, UBND TPHCM đã dự kiến, từ nay đến năm 2050, sẽ xây dựng sáu hồ chứa nước thô và trạm bơm nước trung gian để ứng phó khi nước sông bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn. Tuy nhiên, trong lúc chờ giải pháp này được thực hiện, nỗi lo an ninh nguồn nước cho TPHCM vẫn hiện hữu từng ngày, từng giờ.

Ông Hoàng Việt nhận định: “TPHCM không có chỗ để trữ nước mưa, không có chỗ để tích nước vào các tầng nước ngầm. Ngày xưa, ở TPHCM, có một khu vực đồng trũng để dự trữ nước tự nhiên nhưng hiện nay, đồng trũng đã gần như không còn. Do đó, khi mưa xuống, đường phố ngập lụt nhưng sau đó, nước chảy đi mất. Mấy năm trước, có một đại biểu HĐND TPHCM đề xuất mỗi nhà có một cái lu. Theo cách hiểu của cá nhân tôi, đại biểu này đang muốn nói đến một ý rộng hơn, đó là mỗi người, mỗi nhà cần có giải pháp trữ nước. Việc trữ nước này vừa giảm ngập lụt, vừa tích trữ nước cho mùa khô hạn. Như ở Nhật Bản, người ta có rất nhiều tầng trữ nước trong lòng thành phố. Lãnh đạo TP.HCM cần nghĩ đến việc xây dựng các biện pháp trữ nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước”. 

Sơn Vinh

Bài 2: Miền Tây chới với theo những mùa lũ kiệt

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI