Nỗi lo thiếu bác sĩ và giường bệnh cho trẻ ở Nhật Bản, Hàn Quốc

23/09/2023 - 10:33

PNO - Khi Maya Crahe-Sato (45 tuổi) chọn ngủ cạnh giường con trai mình trong một bệnh viện nhi gần Tokyo (Nhật Bản), cô được nhân viên kê cho chiếc giường xiêu vẹo.

Leon - con trai của Maya - được phát hiện mắc bệnh u nguyên bào thần kinh, một loại ung thư vào năm 2017. Lúc đó mới 4 tuổi, cậu bé đã phải nhập viện ở Bỉ, Pháp và Nhật Bản để điều trị. Cô Maya thường xuyên ở bên cạnh con trong suốt thời gian đó để hỗ trợ tinh thần cho bé. Trong một số trường hợp, cô không được chào đón khi ở lại phòng bệnh với con.

Leon Crahe-Sato (trái) đón sinh nhật cùng mẹ Maya tại một bệnh viện ở Pháp hồi tháng 9/2018 - Ảnh do nhân vật cung cấp/Kyodo
Leon Crahe-Sato (trái) đón sinh nhật cùng mẹ Maya tại một bệnh viện ở Pháp hồi tháng 9/2018 - Ảnh do nhân vật cung cấp/Kyodo

Cô Maya kể: "Tại một bệnh viện ở Tokyo, tôi cảm thấy như thể mình không được phép ở đó. Nhân viên nói họ sẽ chăm sóc con trai tôi và khuyên tôi không nên lo lắng. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy yên tâm sau khi nhìn thấy người bệnh không được chăm sóc và trẻ em kêu khóc tại các bệnh viện thiếu nhân lực". 

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, cha mẹ không cần phải hỗ trợ chăm sóc con nhập viện, nhưng vẫn được phép ở lại nếu bác sĩ chấp thuận. Cuộc khảo sát trực tuyến thực hiện vào tháng 11-12/2022 còn chỉ ra rằng, nhiều bậc cha mẹ không thể ngủ hoặc nghỉ ngơi đầy đủ do cơ sở vật chất bệnh viện kém và thường phải bỏ bữa, với 50% cảm thấy sức khỏe của họ sa sút kể từ khi con nhập viện.

Tại Hàn Quốc, tình trạng thiếu bác sĩ nhi khoa đang khiến các bệnh viện đau đầu tìm cách tuyển dụng để bù đắp, làm tăng rủi ro cho sức khỏe trẻ em. Theo Viện Seoul, số lượng phòng khám và bệnh viện nhi ở Seoul đã giảm 12,5% trong 5 năm, chỉ còn 456 cơ sở tính đến năm 2022.

Hãng tin Reuters trích dẫn chia sẻ của các bác sĩ nhi khoa giải thích rằng gốc rễ của vấn đề là tỉ lệ sinh giảm mạnh (0,78 đứa trẻ/phụ nữ vào năm 2022), sự hạn chế của hệ thống bảo hiểm đã hình thành tâm lý ngán ngại của các sinh viên y khoa đối với lĩnh vực nhi mà họ cho rằng không có tương lai.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, các bệnh viện chỉ có thể tuyển dụng được 16,3% số bác sĩ nhi khoa mà họ cần trong nửa đầu năm 2023, giảm mạnh so với mức 97,4% vào năm 2013. Đối với các bậc cha mẹ, sự thiếu hụt bác sĩ đồng nghĩa với việc phải chờ đợi điều trị cho trẻ bị bệnh lâu hơn.

Lee Bo-mi - bà mẹ 35 tuổi có con trai 3 tuổi nằm viện ở Seoul - cho biết: “Chúng tôi phải đợi 2 tuần. Tôi thực sự sợ hãi”. 

Bác sĩ Song Dae-jin - Bệnh viện Guro thuộc Đại học Hàn Quốc - cho biết, ông lo tình trạng thiếu nhân viên có thể làm tê liệt khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp. Ông nói: “Không có vấn đề gì lớn nếu các ca bệnh nhẹ chậm điều trị trong 1-2 ngày nhưng hậu quả đối với những căn bệnh nghiêm trọng hoặc ca cấp cứu có thể rất nặng nề".

Hồi tháng Năm, một cậu bé 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp tử vong vì không tìm được giường bệnh, gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc. Tình trạng đáng báo động đến mức một số cặp vợ chồng đã phải xem lại quyết định sinh con của mình. Đề cập đến viễn cảnh sinh con thứ hai, Kim Eun-ji - bà mẹ 34 tuổi có 1 bé trai - cho biết: "Tôi rất lo lắng. Nếu số lượng bệnh viện nhi và số lượng bác sĩ giảm, việc chữa trị cho trẻ em rất khó khăn”. 

Linh La (theo Kyodo, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI