Bức tranh thất nghiệp toàn cầu vốn u ám lại càng thêm tối tăm theo sự lan rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4). Khi không thể cưỡng lại được quy luật phát triển, xã hội nói chung và người lao động nói riêng phải biết chuẩn bị ứng phó để sinh tồn và khai thác được ưu thế của làn sóng cách mạng công nghiệp mới nhất này.
Nếu như ở 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, dây chuyền sản xuất, cơ khí hóa và máy tính tác động tới công việc của người lao động chân tay, cuộc CMCN4 với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng tới cả những người lao động văn phòng (lao động cổ cồn). Thiết bị, máy móc, công nghệ thông minh trong khi ở mặt tích cực giúp giải thoát người ta khỏi các công việc nặng nhọc, nguy hiểm và nhàm chán, thì ở mặt tiêu cực chúng lại làm người lao động mất công ăn việc làm.
Thực tế thì cho dù ở cuộc CMCN nào, Việt Nam cũng ở thế bị động và bị ảnh hưởng nặng. Cuộc CMCN4 càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng hơn.
Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa mất việc làm trước làn sóng công nghệ hóa ngành nghề này. Cụ thể, số người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa trong lực lượng lao động ngành nghề may mặc và da giày chiếm tới khoảng 88% ở Campuchia, 86% ở Việt Nam, 64% ở Indonesia,….
Người ta đã nghe câu chuyện của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông dùng 1.000 tay máy thay cho người lao động. Tập đoàn Dệt May Việt Nam đưa ra tính toán rằng nếu sử dụng máy móc, họ chỉ tốn chi phí 18 tỷ đồng/năm, so với hơn 20 tỷ đồng/năm khi sử dụng người lao động cho các công đoạn như nhau.
Hồi tháng 4/2017, trong chuyến thăm nhà máy sản xuất smartphone của Samsung (Hàn Quốc) ở Thái Nguyên và ngay trước đó là nhà máy sản xuất thiết bị điện của hãng Schneider Electric (Pháp) tại TP.HCM, chúng tôi đã nhìn thấy những cánh tay máy, người máy đang được thử nghiệm.
Hãy thử tưởng tượng, các nhà máy Samsung ở Việt Nam đang sử dụng khoảng 160.000 người lao động của địa phương mà nâng cấp lên dùng các hệ thống người máy thông minh thì ảnh hưởng tới xã hội ra sao? Mà nào ai có thể cấm được các nhà máy phát triển công nghệ mà họ thấy có lợi ích nhất cho mình.
Theo số liệu hồi cuối năm 2017 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam ước tính có 54,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong tổng số gần 94 triệu dân. Nếu chỉ tính số người trong độ tuổi lao động, ước tính có 48,2 triệu người, trong đó lao động nam chiếm 54,1% và lao động nữ chiếm 45,9%.
Trong khi đó, theo báo cáo của ILO, trong số 2,8 triệu người lao động Việt Nam làm trong ngành công nghiệp, có tới 4 phần 5 không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Nghĩa là có gần 80% số người lao động chỉ làm các công việc đơn giản, thời vụ. Và đó chính là đối tượng sẽ bị mất việc làm khi các thể loại robot được đưa vào hoạt động sản xuất.
Như đã nói, với CMCN4, ngay cả lao động trí thức cũng bị đe dọa thất nghiệp vì máy móc thông minh ở cấp độ AI. Một công trình nghiên cứu nước ngoài đã liệt kê những đối tượng có nguy cơ bị mất việc vì người máy, gồm công nhân nhà máy (tỷ lệ bị ảnh hưởng 44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). Người ta cũng dự báo rằng có 5 nghề chưa bị máy móc thông minh thay thế là: luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, và nhà nghiên cứu. Trong những trường hợp này, với trình độ AI hiện tại, người máy chỉ mới có thể trợ giúp con người trong những công việc không đòi hỏi phải có bộ óc của con người.
Hồi tháng 3-2017, hãng tin Mỹ CNN cho biết có một phần mềm AI gọi là DeepStack đã đánh bại 10 trong số 11 chuyên gia đánh bài poker đẳng cấp thế giới thuộc Liên đoàn Poker Quốc tế (IFP) trong một cuộc thi đấu Texas Hold 'em. Điều đáng nói ở đây là sự tiến bộ của AI.
Vào năm 2015, một phần mềm AI gọi là Claudico đã bị thua trước một đội tay chơi poker chuyên nghiệp cũng trong một cuộc đấu Texas Hold 'em. Vào hạ tuần tháng 5/2017, một phần mềm AI là AlphaGo do các kỹ sư Google phát triển đã đánh bại tay chơi cờ Go giỏi nhất thế giới Ke Jie trong một sự kiện tại Trung Quốc.
Tạp chí kinh doanh Mỹ nổi tiếng Forbes hồi tháng 3/2017 nói rằng: ước tính có 35% tới 50% số công việc hiện nay có nguy cơ bị mất đi trong công cuộc tự động hóa. Các nghề lao động chân tay (lao động cổ xanh) bị ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất. Ngay cả những người lao động chuyên môn, nhân viên văn phòng (lao động cổ cồn) cũng không thoát khỏi nguy cơ này, như những phụ tá luật sư, kỹ thuật viên chẩn đoán, nhân viên dịch vụ khách hàng,….
Bây giờ không phải là quá muộn hay quá sớm để từ cấp Nhà nước có những giải pháp sẵn sàng cho cuộc CMCN4. Trong thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, một nước không ứng dụng CMCN4 không chỉ bỏ lỡ thời cơ khai thác các ưu thế của CMCN4 cho công cuộc phát triển đất nước mà còn lãnh các hệ lụy của CMCN4 từ các nước khác tác động vào.
Nói như vậy để hiểu là chẳng ai ngây thơ tính chuyện "bẻ nạng chống Trời" hay "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Và do CMCN4 ảnh hưởng tới từng con người cụ thể, nên tối ưu vẫn là từng người phải chuẩn bị cho mình luôn sẵn sàng "phiêu" cùng CMCN4. Nhà nước dù thế nào cũng chỉ có thể đóng vai trò cung cấp phương tiện và môi trường cho công dân của mình.
Về vĩ mô, việc ứng dụng CN4.0 phải theo một kế hoạch tổng thể có chia thành nhiều phân vùng, nhiều cấp cụ thể có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể phát huy được tối đa các mặt tích cực của cuộc CMCN và hạn chế tới mức thấp nhất các tác động phụ của nó.
Nói tới nói lui cuối cùng vẫn tụ lại ở chỗ con người. Hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng giải pháp tối ưu trong cuộc CMCN4 là trang bị và nâng cao kỹ năng chuyên môn cho người lao động. Bên cạnh huấn nghiệp là những chương trình hướng nghiệp.
Không ai có thể tránh né được những cuộc "di dân khổng lồ" từ ngành này sang ngành khác. Một nước thông minh sẽ phải biết cách dùng công nghệ tiên tiến thay thế cho sức lực của con người để làm ra nhiều của cải hơn phục vụ lại cho con người.
Sẽ thật là khiên cưỡng và ấu trĩ nếu nhân danh bảo vệ quyền lợi trước mắt của con người mà ngăn chặn, kềm hãm các bước phát triển chung lâu dài của đất nước nói riêng và cả xã hội loài người nói chung.
Vì thế, chúng tôi gióng lên tiếng chuông cảnh báo cũng chính là để bảo vệ quyền lợi thật sự của con người trong cuộc CMCN4. Làm sao để trong cuộc CMCN4, người lao động chỉ bị mất việc chứ không phải là thất nghiệp.
Phạm Hồng Phước