Nỗi lo thất nghiệp sau khi tốt nghiệp

04/05/2015 - 07:53

PNO - PN - Hàng năm, khi bước vào mùa hè, một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường tham gia vào thị trường lao động.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nếu không tốt nghiệp loại giỏi hay gia đình có quen biết rộng, để tìm kiếm được một công việc phù hợp với khả năng và chuyên ngành được đào tạo là điều không dễ dàng.

Noi lo that nghiep sau khi tot nghiep

Nguồn ảnh: internet.

Các doanh nghiệp tư nhân hay liên doanh với nước ngoài đa số đều khắt khe trong việc tuyển dụng. Họ thường không muốn nhận những sinh viên vừa mới ra trường với lý do là còn chưa hiểu biết và chưa có kinh nghiệm trong thực tế, để khỏi phải tốn công đào tạo lại.

Xin được một công việc ổn định, đúng chuyên ngành trong cơ quan Nhà nước cũng chẳng phải chuyện dễ.

Các sinh viên vừa mới ra trường khi đến nộp hồ sơ, các doanh nghiệp tuyển dụng đều đòi hỏi kinh nghiệm công tác ở vị trí tương đương từ 1 đến 3 năm trở lên. Điều này đã khiến cho rất nhiều sinh viên mới ra trường bị từ chối ngay trong phần phỏng vấn đầu tiên.

Sinh viên nào có kinh nghiệm cũng chỉ là kinh nghiệm đi làm gia sư, tiếp thị, phát tờ rơi,…là cùng. Cơ quan Nhà nước không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, nhưng lại đòi hỏi phải có sự quen biết.

Việc sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng với khả năng và chuyên ngành được đào tạo đã khiến nhiều bạn tự ti, không muốn quay về quê mà ở lại thành phố cố tìm kiếm bất kỳ một công việc nào đó để đủ nuôi sống bản thân mình và chờ cơ hội.

Một số bạn may mắn tìm được những công việc tương đối ổn định dù không phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình. Còn đại đa số tiếp tục đi làm gia sư như thời sinh viên, một số khác thì xin được những công việc khác như đi bán bảo hiểm, bán hàng, chạy bàn, làm tiếp thị quảng cáo, làm vệ sĩ… cũng để chờ cơ hội. Thậm chí, một số bạn phải xin vào các khu công nghiệp để làm công nhân lao động tay chân.

Mới ra trường, tâm lý nhiều sinh viên muốn tìm được việc ngay, không quan tâm đến công việc đó có phù hợp hay không. Điều đó dẫn tới tình trạng đi làm được vài tháng thì nghỉ việc, rồi tiếp tục nộp đơn xin việc khác.

Cứ thế, những kiến thức chuyên ngành được đào tạo trong nhà trường dần dần bị mai một, đến khi tìm được công việc đúng chuyên ngành đào tạo thì không đảm nhận được.

Để giải quyết được thực trạng này, đòi hỏi hệ thống các trường từ trung cấp đến đại học phải đổi mới phương pháp đào tạo để khi sinh viên ra trường là có thể tiếp cận ngay được với môi trường làm việc của các doanh nghiệp cũng như yêu cầu thực tế hiện nay của thị trường lao động.

Có như vậy, sinh viên sau khi ra trường mới có thể tìm kiếm được ngay công việc đúng chuyên ngành đào tạo để phát huy hết khả năng của mình.

VĂN THY HOÀNG (Quảng Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI