Nỗi lo phim Việt trẻ người non dạ

04/12/2017 - 20:46

PNO - Dòng phim tư nhân, phim giải trí 'lên ngôi' tại LHP VN lần thứ 20 đặt ra những dấu hỏi lớn về khả năng hội nhập của điện ảnh Việt ở những sân chơi lớn ngoài biên giới.

1. Liên hoan phim (LHP) Việt Nam (VN) lần thứ 20 đã khép lại với giải Bông sen vàng trao cho Em chưa 18 ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, giúp ban tổ chức lẫn công chúng thở phào vì đã tìm được một tác phẩm hài hòa giữa yếu tố thương mại (Em chưa 18 là phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt: 175 tỷ đồng) và nghệ thuật, tránh được tranh cãi muôn thuở về việc phim đoạt Bông sen vàng vắng khách ở rạp.

Noi lo phim Viet tre nguoi non da

Em chưa 18 đậm màu sắc phương Tây, đánh bại phim cùng chủ đề học đường - Cô gái đến từ hôm qua tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20

Tuy nhiên, nhìn vào chiến thắng của Em chưa 18, bên cạnh niềm vui là nỗi lo về bản sắc Việt trong phim Việt ngày nay. Nếu các nhân vật trong Em chưa 18 không nói tiếng Việt, có lẽ không ai nghĩ đó là phim VN. 

Bối cảnh học đường - một trường quốc tế - cùng những khái niệm như prom night (dạ tiệc cuối cấp), cheerleader (cổ vũ viên), king & queen (vua và nữ hoàng của đêm tiệc… không hẳn khán giả trong nước nào cũng biết. Cách hành xử của các cô cậu học sinh trong phim: yêu nhau là lên giường, gặp nhau là khóa môi không phổ biến trong không gian học đường ở VN. 

Ngay cả hình tượng hai nhân vật nữ trong phim là những hotgirl xinh đẹp, ăn mặc nóng bỏng, gợi cảm cũng như bước ra từ phim Mỹ. 

2. LHP VN 2017 vẫn vinh danh một phim đáp ứng giá trị nghệ thuật lẫn thương mại như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của mùa sen trước. Nhưng nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mang dấu ấn phim nhà nước nghĩa là đảm bảo tốt tính định hướng, những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc thì ở Em chưa 18 - một sản phẩm tư nhân - điều này hơi khó tìm. 

Đây là kỳ LHP mất hẳn các tác phẩm Nhà nước đầu tư, những phim độc lập.

Noi lo phim Viet tre nguoi non da
Cha cõng con - tác phẩm điện ảnh không "thắng" trong nước nhưng là phim đại diện VN tại Oscar 2018

Thật nghịch lý khi một bộ phim được vinh danh là tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của VN trong năm 2017 lại chẳng thể đại diện cho điện ảnh nước nhà dự tranh Oscar 2018 như Cha cõng con hay đem ra giao lưu thi thố ở các LHP quốc tế như Đảo của dân ngụ cư - cũng là hai đối thủ đã thua Em chưa 18 ở LHP VN lần thứ 20. 

Trong khi những Bông sen vàng, Bông sen bạc các kỳ LHP trước như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Mùi cỏ cháy (2011), Đừng đốt (2009) đều được chọn dự tranh Oscar.

Chia sẻ tại hội thảo Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới diễn ra trong khuôn khổ LHP, đạo diễn Đặng Nhật Minh thẳng thắn: “Các phim giải trí ra rạp có thể thu được rất nhiều tiền nhưng sẽ không thể mang ra giao lưu với thế giới được. Người ta chỉ mời giao lưu những phim nói về tâm hồn, văn hóa nước đó chứ không ai rước những phim giải trí sang để tìm hiểu xem nước này giải trí ra sao”. 

Nhìn lại 10/16 phim điện ảnh dự tranh Bông sen vàng lần này là phim giải trí, trong đó có hai phim remake - chuyện lần đầu mới có ở LHP VN và nhìn vào sự thua cuộc của những phim hoặc nghệ thuật hoặc đậm hồn Việt trước Em chưa 18, ta có thể thấy mối nguy về tương lai của điện ảnh trong nước, về sự mai một bản sắc Việt trong phim Việt.

Trailer Cha cõng con:

 

Kỳ liên hoan thứ 20 mang nhiều dư âm về sức trẻ nhưng cũng là một kỳ LHP “trẻ người non dạ” nhất khi các yếu tố văn hóa, bản sắc dân tộc không để lại dấu ấn mạnh mẽ như các mùa trước. Ai sẽ là người tháo gỡ nỗi lo này về sau nếu không phải là những nhà quản lý? 

Trong hội thảo LHP VN trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, cũng diễn ra trong khuôn khổ LHP VN lần này, nhà báo - nhà phê bình phim Tô Hoàng, thành viên Ban giám khảo phim truyện, nhận định: “Điện ảnh muốn phát triển phải có một dòng chính thống, chứ không thể lấy phim thương mại để đại diện cho gương mặt điện ảnh dân tộc được”.

Kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc qua nhiều cuộc hội thảo về điện ảnh Việt - Hàn tổ chức tại VN cho thấy nước bạn có nguồn tài trợ từ quỹ hỗ trợ điện ảnh của chính phủ (quỹ lập bằng cách trích 3% tiền vé). Ở VN, quỹ tương tự cũng được đề cập trong Luật Điện ảnh, ban hành từ năm 2007, nhưng đến nay, qua 10 năm, quỹ này vẫn còn nằm trên giấy. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI