Nỗi lo người nghiện trẻ hóa, ma túy không ngừng "sinh sôi"

10/07/2024 - 06:15

PNO - Toàn quốc hiện có khoảng 230.000 người nghiện ma túy, trong đó trên 81.000 người từ 16-30 tuổi, có người nghiện từ lúc đang học THCS. Gần đây, xuất hiện những loại ma túy mới núp bóng thực phẩm như sô cô la vui, nước xoài, nước vui… càng làm tăng khả năng nghiện ma túy cho giới trẻ.

Nhiều học viên ở cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM) có tuổi đời còn khá trẻ ẢNH: ÁNH DƯƠNG
Nhiều học viên ở cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM) có tuổi đời còn khá trẻ - Ảnh: Ánh Dương

Ma túy phủ tối đường đời

Chiều 26/6, sau thời gian dài bị giam giữ ở Malaysia, 10 thuyền viên Việt Nam nghi đánh bắt cá trái phép đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), trong đó có T.B.H. - quê ở một tỉnh miền Trung.

17 tuổi, T.B.H. đã sa chân vào ma túy. H. kể, khi còn nhỏ, cha mẹ H. vào TPHCM làm ăn, để H. lại quê cho bà ngoại. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, học đến lớp Chín, H. bỏ học, vào TPHCM giúp cha mẹ buôn bán một thời gian thì được giới thiệu đến coi một tiệm internet gần công viên Phú Lâm, quận 6, bị những bạn bè “cày” game đêm rủ rê hút hít rồi nghiện ma túy lúc nào không hay.

Nghiện ngập, không có việc làm ổn định, H. lang thang ở bến xe Miền Tây mong tìm được việc làm, liền bị một người chạy xe ôm dụ đi phụ việc cho tàu cá với thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Theo lời chỉ dẫn, H. đến tỉnh Kiên Giang, làm thuyền viên đánh bắt cá xa bờ, được gần 4 năm thì bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. “Về được Việt Nam, gặp lại gia đình là mừng nhưng em cũng không biết tương lai ra sao vì không biết sẽ làm nghề gì để sống, có nghiện lại hay không”.

TPHCM hiện có hơn 20.700 người nghiện ma túy, trong đó trên 15.300 người được quản lý tập trung trong các cơ sở cai nghiện.

Nguồn: Công an TPHCM

Gần tròn 1 năm kể từ khi con gái tên N.T. bị tuyên án 20 năm tù, bà Q. (TP Thủ Đức) vẫn sống trong dằn vặt, day dứt. Ngày bị tuyên án, N.T. chỉ vừa tròn 22 tuổi. T. đi tù, để lại đứa con chưa đầy 6 tuổi. Khi còn thiếu niên, N.T. đã ham chơi, đua đòi nên bỏ học sớm. Khi chưa tròn 17 tuổi, N.T. đã làm mẹ đơn thân, phó thác con nhỏ cho gia đình rồi bỏ đi biền biệt, sau đó sa chân vào ma túy. Để có tiền mua ma túy, N.T. buôn bán ma túy rồi bị công an bắt giữ. Ở tuổi 22, với mức án 20 năm tù giam, tương lai của N.T. quá đỗi mịt mù.

Nghiện ma túy từ khi học cấp II

N.T.Q. (sinh năm 1997) và N.V.H. (sinh năm 2001) là 2 bệnh nhân trẻ nhất đang điều trị tại Khoa Điều trị nghiện, Bệnh viện Tâm thần trung ương (TP Hà Nội). Cả hai đều có ánh mắt đờ đẫn, cử chỉ chậm chạp, phản ứng lơ mơ, không thích trò chuyện. Các bác sĩ cho biết, cả H. và Q. đều tiếp xúc, sử dụng ma túy khi còn học THCS và hiện tại, H. có biểu hiện tâm thần nặng hơn Q.

Đây là lần thứ hai, N.T.Q. vào bệnh viện điều trị và đã ở đây được hơn 1 tháng với triệu chứng trước khi nhập viện là không chịu mặc quần áo vì nghĩ mình đang tắm biển, thường đập phá đồ đạc và đánh người thân. Q. vào viện lần đầu cách đây 2 năm. Khi đó, đang làm phục vụ ở một quán cà phê, Q. đi xe ôm công nghệ, đã không trả tiền mà còn đập điện thoại của tài xế nên bị báo công an. Nhận tin, mẹ Q. và 4 người nữa từ tỉnh Hà Tĩnh ra TP Hà Nội, đến đồn công an tiếp nhận, đưa Q. đến Bệnh viện Tâm thần trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Sĩ - người trực tiếp điều trị cho Q. lúc đó - nhớ lại, Q. thường xuyên kể những chuyện hoang đường như gặp các tổng thống, ông bà mình đang ở nước ngoài và mình nói chuyện với ông bà qua remote (bộ điều khiển ti vi). Huyết áp của Q. luôn cao, cảm xúc cũng thường bị rối loạn.

Lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh vừa bắt giữ Nguyễn Thanh Sang - 22 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu - khi y đang vận chuyển 260 gói ma túy có tên gọi “nước vui” từ Campuchia về Việt Nam -  ẢNH: L.Q.
Lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh vừa bắt giữ Nguyễn Thanh Sang - 22 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu - khi y đang vận chuyển 260 gói ma túy có tên gọi “nước vui” từ Campuchia về Việt Nam - Ảnh: L.Q.

Q. kể, năm học lớp Chín, đã bắt đầu hút cỏ: “Các anh trong làng cho tôi, bảo hút. Tôi cũng biết là cỏ, nhưng vẫn hút. Lần đầu, tôi thấy choáng váng, say say, sau đó tôi hút nhiều, lúc buồn cũng hút, vui cũng hút, qua 4-5 loại cỏ khác nhau. Ban đầu, tôi mua ở ngay trong làng, sau mua qua mạng, người ta thuê xe ôm giao tới”. Khi gia đình phát hiện Q. nghiện cỏ thì cậu đã bỏ học 2 năm. Mẹ Q. ra sức quản lý con, đến khi Q. 19 tuổi thì tìm đường cho con đi lao động ở nước ngoài để tách khỏi đám bạn cùng làng. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, Q. phải về nước do ở nước ngoài, cậu ta vẫn sử dụng ma túy.

7 năm qua, Q. thường trốn gia đình ra TP Hà Nội làm thuê, gây chuyện khiến cha mẹ đau đầu tìm cách xử lý, đưa đi nhiều nơi để cai nghiện ma túy và điều trị bệnh. 2-3 năm nay, Q. có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác nên gia đình đành “cưỡng chế”, đưa vào Bệnh viện Tâm thần trung ương. Q. nói chắc nịch: “1 năm nay tôi không hút nữa, tôi bỏ rồi. Lần này, không biết sao tự dưng mẹ lại đưa tôi vào đây”. Nghe Q. kể, các bác sĩ đều lắc đầu cười.

Bác sĩ Đỗ Thị Oanh - Trưởng khoa Điều trị nghiện, Bệnh viện Tâm thần trung ương - cho biết, so với lúc bà mới về khoa cách đây 10 năm, bệnh nhân vào điều trị nghiện ma túy hiện nay trẻ hơn và liên quan đến các loại ma túy mới. Cha mẹ thấy con có những biểu hiện bất thường, học hành sa sút, sức chú ý giảm thì “điều tra” và đưa con đi kiểm tra. Bà nói: “Bệnh nhân vào đây trẻ nhất khoảng 17-18 tuổi nhưng nhiều cháu đã sử dụng ma túy từ khi học cấp II. Tôi thường xuyên phải nghe các cuộc điện thoại từ những gia đình mới phát hiện con sử dụng ma túy. Họ xin số điện thoại từ các gia đình từng gửi con vào đây”.

Một nhóm người trẻ sử dụng ma túy tập thể trong một căn hộ chung cư ở quận 4 bị Công an TPHCM bắt giữ cuối năm 2022 - Ảnh: Phú Lữ
Một nhóm người trẻ sử dụng ma túy tập thể trong một căn hộ chung cư ở quận 4 bị Công an TPHCM bắt giữ cuối năm 2022 - Ảnh: Phú Lữ

Theo bác sĩ Đỗ Thị Oanh, nếu bệnh nhân nghiện các chất ma túy “truyền thống” như heroin thì có methadone điều trị nhưng nếu nghiện ma túy tổng hợp thì chưa có thuốc điều trị, cũng chưa có nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa các loại ma túy mới với bệnh tâm thần nên các bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng, kết hợp thải độc, cai thuốc. Bà cho hay, các chất ma túy mới gây ra những biến đổi lâu dài ở não và các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể. Do não bộ chưa hoàn thiện, trẻ vị thành niên nghiện nhanh hơn và chịu những tác động khủng khiếp hơn so với người trưởng thành.

Bà nói: “Các em đang tuổi lớn, chưa xây đắp được những giá trị nên khi dính vào ma túy, trong mắt các em, ma túy là thứ duy nhất trên đời có giá trị. Chúng tôi buồn, thấy mình bất lực vì không ít trường hợp đã được điều trị ổn định, ra viện được vài tháng là tái phát bệnh và tái sử dụng ma túy rồi không thoát ra được vòng luẩn quẩn đó”.

Ma túy được trộn vào thức ăn, đồ uống, thuốc lá

Tại hội nghị sơ kết “Tháng hành động phòng, chống ma túy” chiều 26/6, lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khám phá 1.622 vụ vi phạm pháp luật về ma túy với 4.139 đối tượng, tăng 538 vụ và tăng 1.849 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023.

Công an TPHCM cảnh báo, hiện nay, các đối tượng buôn bán ma túy cố tình trộn ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử… với bao bì bắt mắt, hương vị hấp dẫn để dễ dàng tiếp cận giới trẻ. Vừa qua, lực lượng công an của TPHCM phát hiện loại ma túy mới được pha chế thành sô cô la bay, nước vui, nước xoài…

Trong tháng 6/2024, Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh cũng liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển ma túy thế hệ mới ngụy trang thực phẩm từ Campuchia về Việt Nam. Cụ thể, ngày 11/6, bộ đội thuộc đồn biên phòng Phước Chỉ và các lực lượng chức năng bắt giữ Tạ Nhạc Chương - người Đài Loan (Trung Quốc) - vận chuyển 3 gói ma túy ngụy trang thành “nước nho” mang nhãn hiệu nước ngoài. Trước đó, ngày 3/6, bộ đội thuộc đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và các đơn vị chức năng liên quan bắt giữ Nguyễn Thanh Sang - 22 tuổi, quê ở tỉnh Bạc Liêu - vận chuyển 260 gói ma túy có tên gọi “nước vui” đựng trong các gói thực phẩm.

Nhiều trẻ sử dụng ma túy từ tuổi 13-15

Trong “Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD-ĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030” diễn ra đầu năm 2024, Bộ Công an thông tin: khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều trẻ 13-15 tuổi. Trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, 70 - 75% ở độ tuổi 17-35, trong đó chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên. Bộ Công an cũng cho biết, các loại ma túy tổng hợp ngày càng “sinh sôi”, chỉ cần tạo phản ứng hóa học lên tiền chất là tạo ra chất mới, nên chỉ riêng ở Trung Quốc, ngành công an đã phát hiện hơn 200 chất ma túy mới.

Uông Ngọc - Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI