Nỗi lo ngộ độc hàng loạt vì khuẩn tụ cầu

07/11/2018 - 06:40

PNO - Nguyên nhân gây vụ ngộ độc khiến 55 người nhập viện tại Q.Tân Phú (TP.HCM) hôm 28/10 là do món chà bông gà bị nhiễm khuẩn tụ cầu.

Ngày 6/11, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đúng như nghi vấn ban đầu, kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn khẳng định nguyên nhân gây vụ ngộ độc khiến 55 người nhập viện tại Q.Tân Phú (TP.HCM) hôm 28/10 là do món chà bông gà bị nhiễm khuẩn tụ cầu. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM bên hành lang Quốc hội, PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - nói: “Thực tế khi kiểm tra thì bánh mì chà bông gà là món ăn nghi ngờ và kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn đã khẳng định tác nhân gây ngộ độc là do chà bông gà nhiễm tụ cầu Staphylococcus aureus. Ngoài ra, qua phân tích dựa trên triệu chứng lâm sàng, thời gian ủ bệnh và khởi phát, đặc điểm dịch tễ học… chúng tôi còn đề nghị xét nghiệm thêm một số tác nhân vi sinh nghi ngờ khác”.

Noi lo ngo doc hang loat vi khuan tu cau
Điều kiện vệ sinh kém ghi nhận tại các cơ sở liên quan trong vụ ngộ độc khiến 55 người nhập viện tại Q.Tân Phú (TP.HCM) ngày 28/10

Phóng viên: Đây là vụ ngộ độc lớn thứ hai trong tháng Mười liên quan đến khuẩn tụ cầu. Trước đó, chính “thủ phạm” này là nguyên nhân khiến 352 học sinh ở tỉnh Ninh Bình nhập viện. Bà có thể cho biết rõ hơn về Staphylococcus aureus, trong trường hợp ngộ độc nặng, có thể gây tử vong không?

PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan: Staphylococcus aureus hiện diện phổ biến trong môi trường sản xuất thực phẩm kém vệ sinh, đặc biệt trong nguồn nguyên liệu thực phẩm như sữa, thịt gia súc, gia cầm... Tụ cầu khuẩn cũng thường khu trú trong cơ thể người như hốc mũi, họng, vết thương ngoài da. Do đó, những công nhân trực tiếp làm việc trong dây chuyền sản xuất thực phẩm, nhất là ở khâu làm nhân bánh, rất dễ trở thành nguồn lan truyền vi khuẩn này vào thực phẩm.

Vi khuẩn này có khả năng sinh độc tố ruột (enterotoxine) rất nhanh và gây ra ngộ độc cấp tính, thường từ 2-6 giờ, với triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có thể nhức đầu, vã mồ hôi, mạch yếu. Nếu ngộ độc đơn thuần do vi khuẩn thì chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt, còn trường hợp ngộ độc do độc tố, bệnh nhân sẽ sốt cao.

Tuy triệu chứng xuất hiện ồ ạt, nhưng tỷ lệ tử vong thấp, dưới 5%. Trường hợp tử vong thường ở người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người có sức đề kháng kém hoặc đã có bệnh lý khác như suy tim, suy thận. 

Noi lo ngo doc hang loat vi khuan tu cau
Các bé bị ngộ độc sau ăn bánh mì chà bông. Ảnh: Phạm An

* Như vậy, các loại thực phẩm nào thường gây ngộ độc do tụ cầu vàng? 

- Theo phân tích dịch tễ học, các loại thực phẩm thường gây ngộ độc do tụ cầu vàng là nước xốt thịt, bánh sữa, bánh nhân thịt, bánh sandwich, dồi, chả... Ngộ độc do tụ cầu vàng có thể xảy ra quanh năm, nhưng tần suất xuất hiện cao nhất là vào những tháng mùa hè bởi thời tiết oi bức, độ ẩm không khí cao là điều kiện để loại vi khuẩn này phát triển nhanh trong thực phẩm.

* Với một thành phố trên mười triệu dân, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn rình rập, nhất là với những bữa ăn cho nhiều người. Theo bà, làm sao hạn chế nguy cơ này?

- Qua vụ việc trên, có thể thấy các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn rất chủ quan, để đến khi xảy ra ngộ độc thì hối đã muộn. Từ điều kiện chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, đến thời gian qua đêm và điều kiện bảo quản bánh đã bao gói, chà bông gà, tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm. 

Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã và đang khẩn trương tiến hành các chương trình bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn trong trường học, bệnh viện, công ty và nhà hàng, bao gồm các bước rà soát kiểm tra, triển khai quy trình, tiêu chuẩn, tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào, tập huấn xử lý nếu xảy ra ngộ độc. Chỉ có tiến hành thật quyết liệt mới mong giảm thiểu về tác hại cũng như số lượng, tiến tới triệt tiêu những vụ ngộ độc thực phẩm hay nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như vừa qua.

* Xin cảm ơn bà. 

Nam Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI