Nỗi lo mưu sinh trên ngọn hồ tiêu

04/03/2024 - 06:27

PNO - Phải đứng và đu mình hàng giờ trên chiếc thang cao, công việc hái tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng người nông dân.

Nguy cơ tai nạn chực chờ

Dưới cái nắng oi ả của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi về các vùng quê của tỉnh Đắk Lắk - nơi những vườn hồ tiêu đang vào mùa thu hoạch. Dưới những tán cây cao vút, bà con í ới gọi nhau, rôm rả chuyện trò. Người trải bạt, người bắc thang, có người đang vắt vẻo trên những chiếc thang cao chục mét để hái những chùm tiêu đỏ rực. Hồ tiêu một thời được gọi là “vàng đen” vì giá trị của nó rất cao. Nghề hái “vàng đen” nhìn đơn giản nhưng tai nạn lao động luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Trải qua 60 mùa rẫy, ông Nguyễn Đình Đức (thôn 16, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vẫn giữ được sự dẻo dai, chắc khỏe của một nông dân tri điền. Từ sáng sớm, ông đã cùng vợ thoăn thoắt trèo lên chiếc thang sắt cao 6m để hái tiêu. Ông Đức cho biết, mùa thu hoạch hồ tiêu cũng là mùa gió thẳm trên vùng đất Tây Nguyên, nên trèo cao khá nguy hiểm.

Người hái tiêu đối diện với không ít nguy hiểm rình rập
Người hái tiêu đối diện với không ít nguy hiểm rình rập

Công việc thu hái tiêu buộc phải trèo lên thang ở độ cao từ 2 - 10m; người hái tiêu phải đứng hoặc đu trên thang nhiều giờ liền; ở nhiều vị trí đồi dốc, rất khó tìm được chỗ an toàn để bắc thang, nên nếu lơ là hoặc bất cẩn thì người rớt khỏi thang, hoặc cả người và thang cùng rơi xuống đất lúc nào chẳng biết!

Dù đã rất cẩn trọng nhưng 15 năm qua, ông Đức đã không ít lần bị ngã khi hái tiêu. Cũng may là ông chỉ bị xây xước nhẹ. 

Kém may mắn hơn ông Đức, chị Lê Thị Ngọc (42 tuổi, thôn 8, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đã mất khả năng lao động từ 10 năm nay, sau một lần bị té từ độ cao 6m. Chị Ngọc kể: “Lần ấy, tôi đi hái tiêu thuê. Cuối buổi chiều, tôi đang đứng trên thang cao thì bất ngờ trời nổi gió hất tôi té xuống đất từ độ cao 6m khiến tôi bất tỉnh. Tôi được đưa về nhà và hôm sau ba mẹ mới đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu”.

Bị gãy 2 đốt cột sống, chấn thương tủy sống, chị Ngọc phải bán nhà để có tiền điều trị. Nằm bệnh viện suốt nửa năm nhưng chị vẫn không thể đứng lên, 2 chân teo dần. Không bỏ cuộc, chị Ngọc kiên trì tập luyện suốt nhiều năm. Đến nay, chị đã có thể tự đứng dậy đi chập chững, nhưng cuộc sống hoàn toàn phải nương nhờ ba mẹ già. Hiện chị Ngọc được hưởng chế độ người tàn tật với số tiền 540.000 đồng/tháng. 

Ông Phạm Bá Thủy - Chủ tịch UBND xã Ea Ning - cho biết, mùa tiêu năm 2022, ở xã Ea Ning có 1 trường hợp bị té tử vong. Đến mùa tiêu năm 2023, lại thêm 1 trường hợp thiệt mạng. Ngoài bị té ngã, người hái tiêu còn dễ bị côn trùng, rắn, rết… tấn công, để lại nhiều di chứng. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - thông tin, mỗi mùa hồ tiêu, bệnh viện đều tiếp nhận và điều trị cho hàng chục ca tai nạn trong quá trình thu hoạch. Những thương tích thường xảy ra sau khi bị té ngã là gãy tay, gãy chân, thậm chí gãy cổ, gãy cột sống.

Nếu không được cấp cứu, phẫu thuật, điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ bị liệt tứ chi, để lại những thương tích rất nặng nề và có thể tử vong thời gian ngắn sau đó.

Sau lần bị nạn trong lúc hái tiêu, chị Lê Thị Ngọc mất hoàn toàn khả năng lao động
Sau lần bị nạn trong lúc hái tiêu, chị Lê Thị Ngọc mất hoàn toàn khả năng lao động

Tuyên truyền cho người dân về an toàn lao động

Vì nguy hiểm luôn rình rập nên nhiều người lao động không mặn mà với công việc hái tiêu, nhiều chủ vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thể tìm được nhân công thu hái dù tiền công đã tăng từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng/ngày. Bà Huỳnh Thị Thảo (xã Ea Ning) cho hay, nhiều nhà phải mất nhiều ngày mới tìm được người hái tiêu. Nhiều người hái thuê cũng tìm đến những vườn, những vùng có trụ tiêu thấp, khoảng 3 - 4m, để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động. 

Ông Phạm Bá Thủy cho hay, toàn xã Ea Ning có hơn 900ha hồ tiêu đang vào mùa thu hoạch. Đây là vùng hồ tiêu trọng điểm của huyện nên vào mùa, cần rất nhiều nhân công hái tiêu. Thế nhưng, do tiêu ở Ea Ning trồng trên trụ sống rất cao, việc thu hái gặp nhiều rủi ro, không ít trường hợp bị tai nạn dẫn đến chấn thương nặng, tử vong. 

Để hạn chế những rủi ro trong quá trình thu hái tiêu, ông Phạm Bá Thủy cho biết, hằng năm, chính quyền xã đều họp, triển khai đến lãnh đạo các thôn, buôn về tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn cho người dân cách thức đảm bảo an toàn lao động khi thu hoạch tiêu, như: phải đặt thang ở vị trí bằng phẳng, chắc chắn, tránh bị trượt, bị lật khi gặp gió; kiểm tra độ chắc chắn của trụ tiêu (nhằm tránh trụ bị gãy) trước khi trèo lên.

Ông Nguyễn Đình Đức cho biết, đã từng bị té ngã nhiều lần khi hái tiêu nhưng may mắn chỉ bị xây xước nhẹ
Ông Nguyễn Đình Đức cho biết, đã từng bị té ngã nhiều lần khi hái tiêu nhưng may mắn chỉ bị xây xước nhẹ

Với kinh nghiệm hơn 10 năm đi hái tiêu thuê, chị Lệ H’Mok (34 tuổi, xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin) cho hay, để hạn chế những rủi ro, trước khi hái tiêu, người lao động cần quan sát kỹ hướng gió để đặt thang cho đúng vị trí cân bằng. Khi hái, mỗi trụ tiêu phải chịu khó xoay thang nhiều lần để tránh hái với, gây mất thăng bằng. Khi có gió to, phải dùng dây thừng buộc thang vào trụ tiêu. Đặc biệt, phải kiểm tra từng mối hàn trên thang. 

Bác sĩ Huỳnh Như Đồng khuyến cáo: “Trong lao động, dù công việc gì cũng phải đảm bảo an toàn. Hái tiêu cũng vậy. Người lao động cần trang bị đầy đủ các đồ bảo hộ. Trong trường hợp phải leo cao, ngoài các biện pháp giúp an toàn theo kinh nghiệm, còn cần phải thắt dây an toàn. Nếu chẳng may gặp nạn thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Người dân cũng nên mua bảo hiểm y tế, để khi không may bị tai nạn vào bệnh viện điều trị sẽ đỡ tốn kém. Vì chi phí của mỗi ca phẫu thuật cột sống lên đến vài chục triệu đồng”. 

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mạnh về xuất khẩu gia vị, trong đó đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Hồ tiêu Việt Nam được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm hơn 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 64%. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 30.000ha hồ tiêu, năng suất ước đạt 3 tấn/ha, sản lượng ước tính hơn 80.000 tấn/năm.

Vào mùa thu hoạch, lại thêm nhiều vụ tai nạn

Bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - cho biết, bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị gãy cột sống vì gặp tai nạn khi hái tiêu.

Cách đây khoảng 1 tuần, thấy vườn tiêu của gia đình chín rộ, chị Phùng Thị Liên (sinh năm 1986, trú xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bắc thang leo lên hái. Khi chị đang đứng trên thang thì thang bị trượt, ngã khiến chị bị hất văng xuống đất ở độ cao 5m, bị gãy 2 đốt sống, phải phẫu thuật.

Chị Hoàng Thị Nhung (sinh năm 1972, trú xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị té ngã trong lúc leo thang để hái tiêu ở độ cao 3,5m, gãy 1 đốt sống, chèn ép tủy, phải phẫu thuật gấp.

Bà Võ Thị Huề (sinh năm 1967, trú xã Ea Drơng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị dập 2 đốt sống do té ngã khi hái tiêu.

Ngoài các bệnh nhân nói trên, bác sĩ Huỳnh Như Đồng cho hay, từ sau tết Nguyên đán 2024 đến nay, có hàng trăm trường hợp được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu, điều trị do tai nạn trong lúc hái tiêu. Trong đó, nhiều bệnh nhân bị gãy phối hợp, vừa gãy tay, gãy chân, vừa gãy cột sống, có trường hợp bị chấn thương sọ não. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 5-10 trường hợp.

 

Nguyên Bảo

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI