PNO - Cùng với số lượng F0 tại nhà ngày một gia tăng, việc quản lý rác thải từ những bệnh nhân này đang trở thành nỗi lo, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch. Bởi không ít nơi, nguồn rác thải chưa được xử lý triệt để theo quy định.
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, 30 thành viên trong đại gia đình nhà chị L.T.T. (Hà Đông, Hà Nội) cùng bị lây nhiễm COVID-19. Chị và cậu con trai cũng không ngoại lệ. Ngay khi nhận kết quả dương tính, chị đã báo với ban quản lý chung cư và được thực hiện cách ly tại nhà theo quy định. Chị L.T.T. cho hay, công tác cách ly được đảm bảo nghiêm ngặt, toàn bộ đồ ăn, thức uống hay thuốc men đều được hỗ trợ chuyển lên tận cửa phòng. Đối với rác thải, thay vì đi đổ ở họng rác như thông thường, chị sẽ bọc vào túi và đều đặn 3 giờ chiều sẽ có người đến thu gom riêng để phòng tránh lây nhiễm.
“Thời điểm tôi mắc COVID-19, chung cư có tới hơn 80 căn F0 cách ly tại nhà. Tuy nhiên, chúng tôi có một nhóm Zalo riêng với ban quản lý, ban quản trị để được thông báo, hỗ trợ, từ đó có thể thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, như phun khử khuẩn, xử lý rác thải phát sinh hằng ngày”, chị L.T.T. kể. Tuy nhiên, không phải ở đâu, việc quản lý đối với F0 điều trị tại nhà cũng được chặt chẽ như vậy. Chị L.T.T. cho hay: “Một số họ hàng của gia đình tôi mắc bệnh trong thời gian qua, đặc biệt là những người sống ở nhà phố thì chưa được hướng dẫn cụ thể về việc xử lý rác thải, không có người đến thu gom riêng”.
Tương tự, chị L.T.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau khi được xác định dương tính, chị cũng rất băn khoăn về vấn đề xử lý rác thải, do chị sống tại chung cư, nguy cơ lây nhiễm nếu không xử lý tốt vấn đề này. Tuy nhiên, trạm y tế phường cho biết, do quá tải nên hiện không có nhân lực tới thu gom riêng rác thải như trước đây và hướng dẫn gia đình chị sử dụng cồn xịt vào các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao như khẩu trang, găng tay... Sau khi xịt, túi rác thải được buộc lại, xịt thêm cồn lần nữa rồi bọc thêm một lớp túi ni-lông.
“Kể từ khi mắc bệnh tới nay, nhà tôi đã xịt hết tám chai cồn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các cá nhân và hộ dân trong khu chung cư, không thể chắc chắn mọi người đều thực hiện. Bởi rác thải nếu xả vào họng rác chung cư cũng khó có thể xác định gia đình nào vi phạm”, chị L.T.H. nói. Chị cho biết, trên diễn đàn của khu chung cư, rất nhiều người dân cũng lo lắng về tình trạng trên và kêu gọi mọi người chủ động phân loại rác, không xả chung với rác thải sinh hoạt thông thường của chung cư để phòng tránh lây nhiễm COVID-19, do vi-rút có thể lây nhiễm qua các ô thu rác...
Bệnh nhân F0 quản lý tại nhà tự phân loại rác, xịt cồn khử khuẩn để phòng nguy cơ lây nhiễm
Phải bố trí người thu gom rác riêng của F0 tại nhà
Theo quy định hiện hành, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm. Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Phương án xử lý cụ thể được từng địa phương quy định.
Cụ thể như tại Hà Nội, các loại chất thải này sẽ được thu gom vào túi ni-lông màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi màu vàng thứ hai, buộc kín miệng, dán chữ như quy định. Công tác vận chuyển chất thải từ nhà có người F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với tổ COVID-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Sau đó, rác được chuyển bằng các phương tiện vận chuyển, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, Urenco là đơn vị đảm bảo vệ sinh môi trường 16/30 quận, huyện của Hà Nội. Với việc F0, F1 tăng liên tục trong thời gian qua, đơn vị gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực. Urenco đã xây dựng những biện pháp tổ chức sản xuất để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm.
Đơn vị này cũng nêu thực tế, theo quy định, các trường hợp F0 phải báo cáo với chính quyền hoặc cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly và điều trị. Tuy nhiên, còn một số trường hợp không khai báo dẫn tới việc chưa được quản lý chặt chẽ, trong đó có cả việc xử lý rác thải. “Đối với người F0, F1 được cách ly và điều trị tại nhà thì nguồn thải từ các trường hợp này được coi là rác thải lây nhiễm, cần được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy trình riêng biệt để đảm bảo an toàn. Đối với rác thải lây nhiễm này cần phải được phân loại riêng biệt, cho vào túi màu vàng, xịt cồn 70%, buộc chặt miệng túi, không để lẫn với rác thải sinh hoạt thông thường. Nhưng thực tế, nhiều hộ gia đình có F0, F1 chưa thực hiện nghiêm túc điều này, từ đó tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng”, đại diện đơn vị này lo lắng.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp này. Bộ Y tế đề nghị cần kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan cần phải hướng dẫn việc phân loại chất thải cho người dân và bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các trường hợp F0 quản lý tại nhà...
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.