Nỗi lo của bà giáo xóm vạn đò

05/12/2023 - 06:02

PNO - Ngày là cô gái Huế vừa đôi chín, những học sinh đầu tiên của cô là con em xóm vạn đò. Nay đã tuổi 66, cô vẫn là bà giáo, là ân nhân của bao gia đình sinh nhai nhờ sông nước. Trăn trở về việc trẻ em xóm vạn đò thất học đã vơi đi, mà nỗi lo không có người tiếp nối vẫn đang dằng dặc.

Bền bỉ vì tình thương

Nhà cô Bạch Thị Ngọc Hạnh nằm sâu trong đường Nguyễn Phúc Thái, phường Kim Long (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Bên hiên nhà lãng đãng dây leo, cô Hạnh trễ kính lão, nheo nheo đôi mắt rà giáo án. Nghe nhắc lại chuyện dạy học cho trẻ em xóm vạn đò, cô cười hiền hậu: “Mới ngày nào, chừ đã gần 50 năm”.

Cha mẹ cô Hạnh nghèo, nhiều năm sống nhờ sông nước. Sau này, gia đình cô chuyển đến sống ở ven Đại Nội. Nhưng khác đa số con em xóm vạn đò, cô được học hết THPT. Sau ngày thống nhất, cô tham gia hoạt động thanh niên ở phường Phú Thuận. Ngày cô phụ cha mẹ chài lưới, tối xách đèn đến từng con đò thuyết phục bà con tới lớp xóa mù chữ rồi trực tiếp đứng lớp dạy. Sau 2 năm, lứa trung niên của xóm vạn đò đã biết chữ hết. Cô Hạnh vận động đến lứa thanh niên, lớp học xóa mù lại sáng đèn. 

Sau 4 năm cơ bản xóa được mù chữ, cứ ngỡ vậy là xong. Nhưng mỗi chiều thấy trẻ con từ dưới sông nhảy lên bờ chơi, cô bắt chuyện rồi lặng người khi biết không đứa trẻ nào biết chữ. Cô khởi đầu bằng cách dạy chúng cách vệ sinh cá nhân, cách nói năng lễ phép… Vừa kiên nhẫn rèn “lễ”, cô vừa tỉ tê dỗ dành các em đi học. Phải 2 năm sau, việc tưởng như đơn giản ấy mới thành hiện thực.

Cô Hạnh hướng dẫn các em học theo nhóm
Cô Hạnh hướng dẫn các em học theo nhóm

Lớp học xóa mù chữ cho trẻ xóm vạn đò khởi đầu có 20 em, sau cả người lớn từ nhiều nơi neo thuyền về cũng đăng ký học nên lớp tăng lên 50 người; nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất ngoài 50. Học sinh của cô Hạnh chung một cảnh nghèo, nên cô phải cùng thanh niên trong phường đi xin sách giáo khoa cũ; vở cũ cũng được gom, cắt vài trang giấy trắng còn dư, xếp lại thành tập cho các em.

Cô Hạnh xây dựng gia đình muộn và ngưng dạy để may vá, trồng rau. Chừng 1 năm sau, có người đàn ông da đen sạm, tay cầm mái chèo, tay cắp rổ cá đến trước nhà cô, theo sau là mấy đứa trẻ. Ông nài nỉ: “O Hạnh dạy chữ cho tụi nhỏ nhà tui! O không dạy, là tụi nó thất học”. Câu nói của người cha và những ánh nhìn con trẻ khiến cô mềm lòng. Thế là lớp học xóa mù chữ cho trẻ vạn đò lại được mở. 

Sau này có ai tiếp nôi lo cho bọn trẻ?

Đã tái định cư, mà dạy mãi không hết trẻ thất học của xóm vạn đò, cô Hạnh hỏi sao không cho các cháu đi học trường công thì tá hỏa - bà con không làm giấy khai sinh cho con. Vậy là cô thay cha mẹ chúng đi làm giấy khai sinh, vừa tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình…

Bà con thấy cô vất vả, bàn nhau góp chút tiền học phí. Nhưng cô chưa bao giờ nỡ nhận những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của những lao động nghèo chênh vênh cùng sông nước ấy. Cả khi một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cô Hạnh mức lương 350.000 đồng/tháng (trong 2 năm) hay khi Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Huế hỗ trợ 500.000 đồng/tháng - cô đều chia thành 3 phần, phần cho xăng xe đi lại, phần cho bọn trẻ, và phần còn lại dành tặng những người già neo đơn. 

Mấy năm nay, đời sống của bà con khu tái định cư dần ổn định, con em xóm vạn đò không còn thất học. Song nhiều cháu học đuối hơn các bạn. Thế là lớp học xóa mù chữ của cô Hạnh trở thành lớp phụ đạo, từ lớp Một đến lớp Năm. 

Suốt hành trình tận hiến dài đằng đẵng ấy, cũng không ít người hỗ trợ cô Hạnh quán xuyến lớp học, dạy chữ cho tụi nhỏ. Nhưng họ đồng hành cùng cô không được bao lâu. Bà giáo bảo, bà hiểu ai cũng phải lo toan cho cuộc sống riêng. Ở tuổi 66 mắt mờ, chân chậm, bà giáo già đã vơi đi nhiều trăn trở khi bọn trẻ không còn thất học như thời trước. Nhưng cha mẹ chúng vẫn nghèo, nhận thức của chúng vẫn nhiều hạn chế… Tối tối, trở về trên những con ngõ nhỏ, hun hút, cô Hạnh chưa thể nguôi nỗi lo - “mai kia mình có bề gì thì ai tiếp tục hỗ trợ bọn trẻ đây?”. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI