Rộ mốt nuôi cá sấu làm kiểng
Thông tin cá sấu xuất hiện trên sông Sài Gòn (đoạn qua huyện Củ Chi) vào những ngày đầu tháng 9/2020 khiến một số người làm nghề vớt trùn chỉ ở khu vực này cảm thấy bất an. “Lúc mình ở trên ghe thì không sao, chỉ sợ lúc ngâm mình dưới sông để vớt trùn mà bị nó tấn công thì không xoay xở được” - anh Sơn, người hay vớt trùn chỉ ở đoạn sông được cho là có cá sấu ẩn mình, chia sẻ.
|
Một trang rao bán cá sấu con nuôi làm kiểng với giá 750.000 đồng/con - Ảnh: H.L. |
Trước đó, vụ cá sấu xuất hiện trên kênh Tẻ (quận 4) vào giữa tháng 7/2020 cũng khiến nhiều người lo lắng. May mắn là con cá sấu đã sớm được phát hiện và bắt lại. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan chức năng của TPHCM vẫn chưa tìm ra nguyên nhân xuất hiện cá sấu trên kênh rạch, sông lớn.
Một cựu lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết, hơn 10 năm qua, tại TPHCM, không có tình trạng cá sấu sổng chuồng ra môi trường tự nhiên, nên khi xuất hiện liên tiếp hai trường hợp cá sấu trên kênh Tẻ và sông Sài Gòn là điều rất bất thường, đáng lo ngại, nhất là về công tác quản lý các trại nuôi cá sấu.
“Có thể do gần đây, có tình trạng nuôi cá sấu làm kiểng trái phép dạng nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát. Ngoài ra, có thể do dịch COVID-19 khiến cá sấu rớt giá, bán không được nên người nuôi không còn quan tâm đến vấn đề chuồng trại” - vị này nhận định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nhiều trang mạng rao bán cá sấu nhỏ với tên gọi “pet cưng nhà quý tộc”. Người bán cho biết, đây là cá sấu baby (cá sấu con) với kích thước chỉ 35cm. Mỗi con cá sấu có giá 750.000 đồng. Để nuôi cá này làm thú cưng, người chơi chỉ cần nuôi trong hồ kiếng nửa cạn, nửa nước. Để “thuần” cá, người nuôi cần tập cho cá nhịn đói với chế độ ăn mỗi tuần chỉ 1-2 lần. Như vậy, cá sẽ mãi “baby”, không lớn thêm nên sẽ không gây nguy hiểm.
Một người bán cá sấu “baby” tên Thành ở TPHCM tư vấn: “Cá sấu là loài bò sát lưỡng cư nên rất dễ nuôi. Chúng có bản tính của động vật hoang dã, dễ tấn công người nhưng do nhỏ nên không gây nguy hiểm. Khi mang về nuôi, mình phải thường xuyên tiếp xúc để chúng quen hơi, không còn thói quen tấn công người”.
Ông Nguyễn Tiến - ở quận 5, chủ một quán cà phê “thú cưng” - cho biết, khoảng 10 năm về trước, ở TPHCM, rộ lên thú chơi cá mỏ vịt (cá sấu hỏa tiễn). Một cặp cá mỏ vịt thời điểm đó có giá vài triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, loài cá này bị “thất sủng” do khó chăm sóc và bị ngăn chặn nhập khẩu.
“Cá mỏ vịt chủ yếu có nguồn gốc từ nhập khẩu, khi có thông tin nhập khẩu loài cá này bị phạt đến vài chục triệu đồng thì người ta không chơi nữa. Bẵng đi một thời gian, tôi thấy một số người lại nuôi cá sấu nhưng không phải cá sấu thường mà là cá sấu con. Người ta chọn con cá sấu có kích thước khoảng 30-40cm về nuôi và cho nhịn đói để chúng không phát triển” - ông Tiến giải thích.
Nguồn tin từ Chi cục Kiểm lâm TPHCM xác nhận, tại TPHCM, có tình trạng nuôi cá sấu làm kiểng. “Cá sấu là động vật hoang dã nên việc nuôi nhốt phải được cơ quan chức năng cấp phép và theo dõi. Tuy nhiên, có một số người dân nuôi cá sấu trái phép dạng nhỏ lẻ để tiêu khiển, xem như con vật cưng và không đăng ký với cơ quan chức năng.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm TPHCM có tiếp nhận một vài con cá sấu nuôi dạng này do chính quyền địa phương phát hiện, tịch thu và bàn giao. Gần đây nhất, chúng tôi tiếp nhận một con cá sấu kiểng nuôi trái phép ở quận Gò Vấp” - một cán bộ của Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết.
Nguy cơ cá sấu sổng chuồng vì đói
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tổng lượng cá sấu nước ngọt nuôi hợp pháp (được cơ quan kiểm lâm cấp phép) ở TPHCM khoảng 70.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi, Bình Chánh và quận 12. Trong đó, làng cá sấu Sài Gòn (thuộc Hợp tác xã Xuân Lộc) được xem là trại cá sấu lớn nhất với khoảng 10.000 con (gồm cá sấu bố mẹ và cá sấu thương phẩm). Hiện cá sấu thương phẩm ở các trại nuôi đều không bán được.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc Hợp tác xã Xuân Lộc, quận 12 - thông tin: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cá sấu không xuất đi nước ngoài được nên giá mua giảm sâu. Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì của TPHCM”.
Theo ông Thành, do cá sấu rớt giá nên hầu hết chủ trại nuôi chỉ cho ăn cầm chừng, cá sấu luôn trong tình trạng bị bỏ đói và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sổng chuồng.
|
Cá sấu xuất hiện trên kênh Tẻ (TPHCM) giữa tháng 7/2020, sau đó bị một người đánh cá bắt được, đưa đi đâu không rõ (ảnh cắt từ clip do cơ quan chức năng cung cấp) |
“Cá sấu liên tục bị bỏ đói nên chúng phải tìm cách bò ra ngoài môi trường tự nhiên để tìm thức ăn. Với chuồng nuôi cá sấu nhỏ, dạng tường chắn không rào lưới bên trên, bình thường, cá sấu không leo qua được nhưng khi đói, nhiều con cùng lúc muốn bò ra nên con nọ trườn lên mình con kia khiến chúng có thể vượt qua khỏi những bức tường như vậy. Do đó, ở những trang trại có cá sấu bị bỏ đói, nguy cơ cá sấu sổng chuồng sẽ tăng lên. Mặt khác, do cá rớt giá nên người nuôi cũng bỏ bê, không quan tâm gia cố chuồng trại” - ông Thành nhận định.
Cuối tháng Tám vừa qua, khi chúng tôi khảo sát 10 trại nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu (thủ phủ cá sấu của Việt Nam), tất cả chủ trại nuôi đều xác nhận, do cá sấu không xuất bán được nên thường xuyên bị bỏ đói. Một số chủ trại cho biết, cá sấu bị bỏ đói nhiều ngày thường kêu, rên và có xu hướng bò tìm thức ăn. Nếu chuồng trại không đảm bảo an toàn, cá rất dễ thoát ra ngoài môi trường tự nhiên.
Nhiều người từng nuôi cá sấu kiểng cũng tiết lộ, nếu bị bỏ đói, cá sấu kiểng cũng tìm cách thoát khỏi khu vực nuôi nhốt để đi tìm thức ăn. Cá sấu kiểng bị bỏ đói không phải là do người nuôi không muốn cho ăn mà do sợ chúng ăn nhiều sẽ to lớn và hung dữ.
“Cá sấu mình bán thuộc giống baby, chiều dài thông thường chỉ khoảng 30cm. Giống cá này có tuổi thọ đến 50 năm, chiều dài tối đa chỉ đạt khoảng 80cm. Nếu nuôi cá ở chế độ “ăn kiêng” thì chúng sẽ mãi ở kích thước 30-40cm và không có khả năng gây hại cho con người” - một người bán cá sấu kiểng qua mạng giải thích.
Tuy nhiên, qua hình ảnh do chúng tôi cung cấp, những người am hiểu về cá sấu cho biết, đây là giống cá sấu nước ngọt thường được nuôi ở các trang trại. Nếu cho ăn ở chế độ thông thường, sau 18 tháng, cá sấu này có thể đạt chiều dài 1m và nặng 4kg. Sau 4 năm, giống cá này có thể đạt đến 40kg. Do đó, cá sấu kiểng nếu không được phát hiện, tịch thu cũng là mối nguy hiểm nếu chúng sổng ra môi trường tự nhiên.
Người bán e dè sau vụ cá sấu “đi lạc”
Sau các vụ phát hiện cá sấu trên kênh Tẻ và sông Sài Gòn, kiểm lâm và các lực lượng chức năng ở TPHCM đã tăng cường rà soát các trang trại và những nơi mua bán cá sấu để truy tìm manh mối cá sấu “đi lạc”. Do vậy, nhiều điểm bán cá sấu con khá thận trọng khi khách đến giao dịch.
Trưa 13/9, chúng tôi gọi điện thoại đến một cửa hàng có quảng cáo bán cá sấu con ở quận Tân Phú, nhân viên ở đây cho biết: “Chỗ em bây giờ chỉ bán cho những người có giấy phép, chuồng trại nuôi cá sấu chứ không bán lẻ nuôi làm kiểng nữa. Bây giờ mà bán nuôi kiểng, sẽ bị xử phạt ngay”.
|
Cá sấu phải được gắn thẻ để quản lý
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, cá sấu nước ngọt nằm trong danh mục IIB (Nghị định 32/2006/NĐ-CP) nhưng hiện nay, cá sấu nằm trong danh mục IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (nhóm động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt). Với sự phân loại này, việc quản lý cá sấu nước ngọt trở nên nghiêm ngặt hơn. Người nuôi cá sấu phải thực hiện các thủ tục như đăng ký mã số gây nuôi, xác nhận nguồn gốc để vận chuyển, mua bán cá sấu và các sản phẩm cá sấu.
Hiện nhiều chủ trại nuôi cá sấu cho rằng, việc chuyển cá sấu từ nhóm IIB sang IB sẽ phát sinh các thủ tục hành chính gây khó cho họ. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, các thủ tục trên sẽ giúp cơ quan chức năng dễ quản lý cũng như xác định nguồn gốc của cá sấu.
|
Hoàng Lâm - Lê Nguyễn