Nỗi lo AI trở thành công cụ nguy hiểm trong tay kẻ xấu

11/02/2023 - 06:25

PNO - Nhiều chuyên gia lo ngại rằng các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện những hành vi tội phạm dễ dàng và tinh vi hơn.

 

Cô Marisa Shuman hướng dẫn các học sinh kiểm tra thành phẩm do công cụ ChatGPT tạo ra - ẢNH: NEW YORK TIMES
Cô Marisa Shuman hướng dẫn các học sinh kiểm tra thành phẩm do công cụ ChatGPT tạo ra - Ảnh: New York Times

Theo Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên AI sẽ đạt giá trị khoảng 15 ngàn tỉ USD vào năm 2030. Các hệ thống này - trong đó bao gồm công cụ trả lời tự động ChatGPT - có thể viết bài luận và viết mã, tạo nhạc và tác phẩm nghệ thuật, cũng như làm chủ những cuộc hội thoại. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đem đến nỗi lo về các hành động sai trái. Công nghệ “deepfake” giúp cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của một người nổi tiếng để gắn vào cơ thể của người khác nhằm bôi xấu đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng những tiến bộ gần đây khiến việc phát hiện ra nó càng khó khăn hơn nhiều.

Theo tiến sĩ Brendan Walker-Munro - Đại học Queensland (Úc) - trong tay kẻ xấu, công cụ AI dễ dàng gây ra những thiệt hại không thể kể xiết. Hiện có các báo cáo về việc những công cụ này được dùng để giả mạo dấu vân tay và ảnh quét khuôn mặt hoặc những tin nhắn lạ từ “cơ quan điều tra”, tuyên bố rằng bạn đang bị nghi ngờ có liên quan đến một vụ án rửa tiền. Trong những trò lừa đảo này, AI có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng của văn bản hoặc email, khiến chúng đáng tin cậy hơn.

Một ví dụ khác là trường hợp bọn tội phạm tìm cách chiếm niềm tin, tình cảm của nạn nhân rồi yêu cầu họ hỗ trợ, giúp thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể cho phép tội phạm sử dụng thông tin bị đánh cắp từ các công ty lớn để nhắm mục tiêu vào người già, người khuyết tật hoặc người gặp khó khăn về tài chính.

Trên khắp nước Mỹ, các trường học đang tìm cách xử lý những chatbot mới có thể tạo ra văn bản và hình ảnh mô phỏng sản phẩm của con người. Nhưng cũng có nhiều nơi, thay vì chọn cấm thì vẫn có những giáo viên tận dụng sự đổi mới để thúc đẩy tư duy phản biện hơn trong lớp học. Tại lớp khoa học máy tính của cô Marisa Shuman tại Trường Lãnh đạo dành cho phụ nữ trẻ ở Bronx (New York), các học sinh lớp Mười một và Mười hai tràn đầy năng lượng ùa vào lớp sau tiếng chuông, ngồi xuống bàn học và bật máy tính lên.

Sau đó, tất cả quay sang tấm bảng trắng nơi cô Shuman viết một câu hỏi về các sản phẩm công nghệ đeo tay. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong sự nghiệp giảng dạy kéo dài hàng chục năm của mình, cô Shuman không tự viết giáo án. Cô đã tạo tài liệu cho lớp bằng ChatGPT và sử dụng bài học do thuật toán tạo ra để cùng học sinh kiểm tra tính hữu dụng, cũng như cạm bẫy tiềm năng từ chatbot. 

Học khu công lập TP New York hiện đang đào tạo một nhóm giáo viên khoa học máy tính để giúp học sinh của họ xác định các hành vi sai trái và rủi ro tiềm tàng từ công cụ AI. Mục đích chương trình là định hình thế hệ tiếp theo của những người sáng tạo công nghệ và người tiêu dùng thông minh. Ở các bang Illinois, Florida và Virginia, một số giáo viên cấp II đang sử dụng chương trình giảng dạy về AI do các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát triển.

Một bài học trong đó yêu cầu học sinh xem xét tính đạo đức của các hệ thống AI trong việc sản xuất nội dung truyền thông giả mạo. Kate Moore - một nhà nghiên cứu giáo dục tại MIT - chia sẻ: “Điều quan trọng là học sinh phải biết cách AI hoạt động, vì dữ liệu của bản thân họ đang được sử dụng để huấn luyện các công cụ này”. Riêng đối với cô Shuman, cô sử dụng ChatGPT để gửi đến học sinh của mình một thông điệp rằng trí tuệ nhân tạo không phải công cụ hoàn hảo và phụ nữ trẻ cần có những hiểu biết sâu sắc để thách thức chúng. 

Linh La (theo CNA, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI