Nồi lá xông thơm lừng

11/07/2021 - 11:22

PNO - Xông hơi rồi, uống thêm ly nước chanh, tắc với tía tô hay bạc hà, nghỉ ngơi, ăn thêm chén cháo nữa là thấy người khỏe hơn hẳn.

Mùa dịch, nhiều người chú trọng hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình.

Tôi nhớ, trong cuốn cẩm nang Tự chữa bệnh, bác sĩ Trần Nam Hưng viết: “Qua các số liệu thống kê của chúng tôi thì trong mười người bệnh, chỉ hai người đáng nhờ đến các cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế, phòng chẩn trị…), tám người còn lại có thể tự trị bệnh tại nhà nếu một số gia đình có kiến thức cơ bản về y học”.

Trong số các cách phòng và trị bệnh trong gia đình, bác sĩ Trần Nam Hưng có nhấn mạnh đến cách dùng nồi lá xông.

Nhắc tới nồi lá xông là tôi nhớ má, nhớ mùi lá xông thuở nhỏ. Ngày đó, tôi chưa tròn mười tuổi, lâu lâu má nói tôi chạy qua vườn ngoại hái cho má ít lá ổi, xin nắm ngũ trảo ở vườn nhà bà chín Út. Má gom thêm lá sả, lá bưởi trong vườn nhà rồi nấu nồi lá xông.

Tôi cũng muốn biết “mùi xông” ra sao nên xin má chui vô mền. Hít hà chừng một chút, lúc đầu nghe thích lắm vì ở xứ lạnh, chui vô mền là thấy ấm, rồi tới lúc nóng tôi vội vàng chui ra. Nhờ tập tành vậy mà tôi cũng quen, khi thấy người cảm sốt lại đòi má nấu lá xông.

Lớn lên, đi học và làm xa nhà tôi lại nhớ tới những kinh nghiệm của má rồi áp dụng cho mình và cho cả những thành viên trong gia đình nhỏ.

Nhà có cái nồi vừa vừa để dành nấu nước lá xông, nước mát, nấu chè. Làm bếp, hễ lặt rau nào có tinh dầu như rễ ngò, cọng tía tô, bạc hà, kinh giới, sả, hương nhu, vỏ bưởi, vỏ cam, vỏ chanh (vắt nước xong để trong tủ lạnh cho thơm và dễ dùng) để dành lại nên nhà lúc nào cũng có đủ nguyên liệu để nấu nồi nước xông.

Các con tôi cũng dần quen với việc xông hơi. Hễ nghe mùi lá xông trên bếp là chạy đi rót nước uống để chuẩn bị vào xông. Mấy mẹ con chụm lại hít hà khi tôi mở nắp nồi nước, lấy đũa khuấy lên, mùi tinh dầu theo hơi nước và theo đường thở qua da, không cảm giác khó chịu vì nghẹt mũi nên các con thích lắm và dần quen.

Xông hơi rồi, uống thêm ly nước chanh, tắc với tía tô hay bạc hà, nghỉ ngơi, ăn thêm chén cháo nữa là thấy người khỏe hơn hẳn. 

Tủ thuốc gia đình tôi luôn có sẵn chai dầu tràm nên lúc cảm cúm, người mệt không kịp nấu lá, chỉ cần cho chút tinh dầu vào chậu nước nóng, xông đỡ là thấy bớt cảm sốt và nhức đầu.

Nhắc nồi lá xông là tôi nhớ hết thảy những vườn cây, vườn thuốc. Nhớ bụi lá lốt sau vườn nhà ngoại năm nào mà giờ đây đọc thêm sách Cây rau vị thuốc, Trị bệnh bằng thuốc nam của y học dân tộc mới biết loại lá này nấu lên ngâm chân chữa thấp khớp, chữa gout hiệu nghiệm.

Tôi nhớ mùi tinh dầu của các thứ cây trong vườn giúp trị bệnh qua đường da, giúp giải độc và giảm ứ nước cho cơ thể nên tôi lại tìm các vườn ở quê nhờ thu hái cây rau, cây thuốc để gửi về phố.

Tôi thương công người trồng, chăm sóc các cây có hương và có tính kháng khuẩn cao để trong hành trang của mỗi người con trong gia đình có thêm “nỗi nhớ”: nồi nước xông thật thơm. 

Nguyễn Thị Thanh Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI