Nói không với vắc-xin: Lựa chọn cá nhân 'gây họa' cộng đồng

24/11/2018 - 06:00

PNO - Dịch thủy đậu đang bùng phát ở bang North Carolina (Mỹ) với 36 trường hợp trẻ nhiễm bệnh - con số lớn nhất trong 20 năm qua. Đây là hậu quả rõ nhất cho làn sóng nói không với vắc-xin chỉ vì niềm tin mù quáng.

Noi khong voi vac-xin: Lua chon ca nhan 'gay hoa' cong dong
Trào lưu nói không với vắc-xin đang gây họa cho cộng đồng

Lời đồn thiếu chứng cứ

Nguyên nhân của dịch thủy đậu ở Bắc Carolina xuất phát từ việc nhiều gia đình đã không cho con tiêm ngừa, vì tin rằng tiêm phòng là việc phải loại bỏ khỏi xã hội. Thủy đậu do vi-rút varicella-zoster gây ra và vắc-xin phòng bệnh đã được giới thiệu từ năm 1995. Hai thời điểm lý tưởng để trẻ tiêm ngừa thủy đậu là từ 12-15 tháng và 4-6 tuổi. Một người được tiêm ngừa trong hai cột mốc này sẽ tránh được 90% nguy cơ mắc bệnh. Bắc Carolina là bang áp dụng tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu với tất cả trẻ em đến trường.

Tuy nhiên, chính quyền bang lại cho phép miễn tiêm vắc-xin với một số trường hợp, vì lý do thể trạng đặc biệt hoặc với lý do niềm tin tôn giáo. Bên cạnh đó, một số phụ huynh lợi dụng kẽ hở này để quyết định thay cho những đứa trẻ - không cho chúng tiếp cận vắc-xin.

Thế giới, đặc biệt là những quốc gia phát triển chẳng thể nào quên được dịch sởi từng bùng phát ở châu Âu vào tháng 3/2017 đến mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải lên tiếng cảnh báo, vì sợ nhận thức hời hợt, sai lầm của người dân đối với việc tiêm vắc-xin. Tỷ lệ mắc bệnh sởi cao nhất là dưới 4 tuổi và gần 90% số trẻ mắc bệnh đều chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm không đúng lịch trình. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, số ca mắc sởi trên toàn châu Âu, theo thống kê của WHO, là 41.000 ca. 

Ở Việt Nam cũng không tránh khỏi trào lưu này. Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Thống kê cho biết, 86,4% bệnh nhân mắc sởi đều không tiêm vắc-xin phòng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng có đủ hoặc đúng lộ trình hay không.

Đánh cược sức khỏe cả cộng đồng

Những lời đồn “tiêm vắc-xin là tiêm thuốc độc vào cơ thể” lan truyền khắp các mạng xã hội. Thật oái oăm, nhiều người dễ dàng tin theo mà không cần xác thực, không cần bằng chứng y khoa. Những hội nhóm (nhóm kín lẫn nhóm công khai, trang cộng đồng) trên Facebook đang ngày càng gây nhiễu thông tin trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng từ giới y khoa, các nhà chuyên môn.

Dù không đưa ra được chứng cứ khoa học nào, những thành viên tích cực của các nhóm này lại có niềm tin không gì lay chuyển được: vắc-xin là có hại. Họ cho rằng, các bác sĩ không có đủ kiến thức nên mới bảo vắc-xin có ích. Một trong những trang Facebook có lượt tương tác cao là “The Truth about Vaccines” (Sự thật về vắc-xin), cung cấp những bài viết, lập luận thiếu cơ sở khoa học, tự đưa ra kết luận rằng, vắc-xin chỉ khiến đứa trẻ ngày càng ốm yếu và tất cả trẻ không tiêm vắc-xin đều khỏe mạnh.

Tháng Mười vừa qua, một nhóm phụ huynh ở Colorado (Mỹ), kết nối thông qua Facebook, tẩy chay vắc-xin. Họ còn đưa những đứa con đang khỏe mạnh của mình đến gặp trẻ bị thủy đậu, chỉ để chứng minh họ đúng khi lựa chọn “không vắc-xin” cho con. Tiến sĩ y sinh Lindsay Diamond giải thích về trường hợp trên, cho rằng mỗi cá nhân có khả năng miễn dịch tự nhiên, nhưng một cá nhân không bị lây bệnh khi tiếp cận người nhiễm thủy đậu không có nghĩa tất cả mọi người đều như thế.

Tiến sĩ Lindsay Diamond nói: “Những phụ huynh nói không với vắc-xin chỉ tập trung vào con mình mà quên rằng, đây là vấn đề cộng đồng. Những người bệnh có mặt ở tất cả khu vực cộng đồng và ai sẽ là người chịu trách nhiệm một khi dịch bệnh bùng phát? Họ không chỉ đánh cược sinh mạng của con mà đánh cược cả sức khỏe của một tập thể”.

Đại diện Facebook cho biết, họ đang tăng cường nhân lực để dò tìm những thông tin gây hại cho cộng đồng và nhanh chóng xóa bỏ. Tuy nhiên, chính sách của những nhóm kín trên Facebook khiến việc phát hiện, loại trừ nội dung không phù hợp chậm hơn mong đợi. Facebook dù cam kết sẽ mạnh tay với những nhóm nói không với vắc-xin, những nội dung như thế vẫn xuất hiện bằng đủ thứ ngôn ngữ. Điều này dấy lên câu hỏi, liệu Facebook đang định vị mình là nơi cộng đồng góp những thông tin hữu ích hay chỉ là nơi trung chuyển thông tin với những tin tức tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy hại cho cộng đồng. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI