Tôi khệ nệ xách chiếc túi ni-lông đen chứa đủ thứ mua được từ “Ngày hội kết nối sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp” do Hội Phụ nữ quận 6 tổ chức vào sáng 16/9 tại chung cư Lucky Palace (quận 6). Anh dân phòng kéo tôi đứng lại, đưa cho chiếc túi giấy to và nói: “Chị gom đồ giúp em vào túi giấy này, đừng dùng túi ni-lông, có hại cho môi trường dữ lắm”. Tôi cười giả lả rồi sắp xếp đồ đã mua sang chiếc túi giấy và cảm thấy xấu hổ. Xung quanh tôi, một số người cũng được phát túi giấy thay túi ni-lông.
|
Siêu thị đựng hàng cho khách bằng túi giấy |
Thì ra những người đùm túm túi ni-lông như tôi đều là khách vãng lai, khách đăng ký tham gia chương trình thì được tặng giỏ cói, cư dân sống trong chung cư Lucky Palace đều xách giỏ nhựa, vì từ lâu Hội Phụ nữ và chính quyền đã vận động bà con sử dụng giỏ nhựa thay túi ni-lông.
Tôi ghé vào gian hàng bán mắm chua kiểu Bắc. Cô bán hàng rút ra một chiếc túi ni-lông trong vắt định gói hàng cho tôi. Nhưng bác gái bán quầy bên cạnh vẫy tay: “Nè con gái, đừng dùng loại túi dai đó nha, mình chung tay gìn giữ môi trường đi con”. Cô bán hàng thưa: “Dạ, con nhớ rồi!”.
Tôi gửi hàng, đi tham quan một vòng và phát hiện: không chỉ một, hai người phát túi giấy kiêm truyền thông bảo vệ môi trường mà cả ban tổ chức, cùng rất nhiều chủ doanh nghiệp cũng đồng lòng nói “không” với túi ni-lông.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6 còn có một chương trình truyền thông thu hút đông đảo người nghe về sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường... Ngày hội vì thế không đơn thuần là nơi kết nối cung - cầu, bán - mua mà còn là một diễn đàn để mọi người cùng nhau tạo thói quen dần bỏ túi ni-lông!
Theo thống kê, mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TPHCM thải ra môi trường gần 10.000 tấn, trong đó có hơn 1.500 tấn rác thải nhựa. Giảm rác thải nhựa, khó phân hủy ra môi trường đang là câu chuyện cấp bách nhưng sẽ là chuyện không tưởng nếu ta không kiên trì và có những giải pháp hợp lý. Thế cho nên, cách thức mà Hội Phụ nữ phối hợp thực hiện ở trên là rất đáng suy ngẫm, học hỏi.
Đại Dương