Nói không với hóa mỹ phẩm, tìm về các sản phẩm thiên nhiên rẻ, sạch và an toàn

27/07/2016 - 05:46

PNO - Được xem là những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng nhiều gia đình đang nói không với hóa mỹ phẩm và tìm về các sản phẩm thiên nhiên với tiêu chí rẻ, sạch và an toàn.


...

Năm năm không xà bông, nước rửa chén

Dù hai vợ chồng đều bận rộn, lại đang nuôi con nhỏ nhưng 5 năm nay, chị Hoàng Lan (Ba Đình, Hà Nội) đều tự tay chế biến các sản phẩm (SP) từ thiên nhiên để thay thế hầu hết các SP hóa mỹ phẩm tiện ích trên thị trường, như nước giặt, dầu gội đầu, nước rửa chén, kem dưỡng da… “Tôi và con gái có cơ địa nhạy cảm nên phải tìm đến các SP thiên nhiên để hạn chế tối đa ảnh hưởng của chúng tới da cũng như hệ thống thần kinh”, chị Hoàng Lan chia sẻ.

Thay vì sử dụng nước giặt hay bột giặt như thông thường, chị Lan sử dụng quả bồ hòn để làm sạch quần áo. Cách thức sử dụng bồ hòn khá đơn giản. Sau khi tách vỏ, lấy khoảng ba-năm quả bồ hòn cho vào túi giặt, thả cùng quần áo. Hoặc dùng nước bồ hòn đã đun sôi, mỗi lần giặt cho khoảng 10ml vào máy giặt. Chị Lan cho hay, nhất thiết phải chọn quả bồ hòn đã chín già thì khả năng tẩy rửa mới đạt hiệu quả cao. Nếu sử dụng quả bồ hòn non, quần áo sẽ dễ bị ố vàng. Ngoài bồ hòn, muốn quần áo trắng sáng và có mùi thơm như dùng nước xả vải thông thường, chị Lan bật mí, chỉ cần sử dụng giấm sau nước giặt đầu tiên, và cuối cùng cho thêm vài giọt tinh dầu là đã có một hỗn hợp giặt hoàn hảo.

Nước bồ hòn còn được chị Lan bỏ vào bình tạo bọt để làm nước rửa chén. Tuy nhiên, với chị, đây chưa phải là SP rửa chén bát hoàn hảo, nhất là với bát đĩa có lượng dầu mỡ bám dính cao. “Nhiều người chỉ biết bồ kết có tác dụng làm dầu gội đầu mà không biết rằng, nước bồ kết còn khiến bát đĩa có thể sạch kin kít và mùi hương dễ chịu”, chị Lan nói thêm về cách rửa bát độc đáo của mình.

Cũng giống chị Lan, trên mạng xã hội, nhiều bà nội trợ đang hưởng ứng phong trào nói không với hóa chất, trước nỗi lo tiềm ẩn về tác động của chúng tới sức khỏe con người. Tại nhà chị Kim Chi (Cầu Giấy, Hà Nội), các loại bột giặt, chai lọ rửa chén… đều vắng bóng. Ngoài dùng bồ hòn để giặt quần áo, nước bồ kết để gội đầu, đối với chén đĩa, chị Kim Chi lại sử dụng… cám gạo thay cho chất tẩy rửa. Mỗi một lần rửa bát, chỉ cần đổ ra lưng bát cám gạo, không cần chế biến cầu kỳ mà vẫn có thể đánh bay dầu mỡ, không hại da tay.

Các hóa mỹ phẩm khác trong gia đình cũng đều được chị Kim Chi thay thế, như dùng nước bồ hòn để rửa tay, lau nhà; dùng giấm để vệ sinh bếp. Thậm chí, nhiều năm nay, gia đình chị cũng không cần tới… kem đánh răng mà dùng dầu dừa, dầu ô liu để vệ sinh răng. Chị cũng trộn thêm baking soda để làm trắng, hay dùng tinh bột nghệ để làm sạch răng.

Cầu cao - cung thấp

Khảo sát trên thị trường, các SP thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu “sống xanh” của người dân đang được quan tâm nhiều hơn. Ngoài điểm mạnh là an toàn, các SP này còn có giá rẻ không kém gì SP công nghiệp. Giá mỗi ký bồ hòn tách vỏ hiện dao động từ 275-300 ngàn đồng/kg. Chị Thùy Linh - chủ một cửa hàng cho biết: “Mỗi ký bồ hòn có thể đun thành 3 lít dung dịch và dùng được khoảng hai tháng cho tất cả các công việc giặt giũ, cọ rửa trong nhà. Đây cũng là bài toán kinh tế cho các gia đình”.

Noi khong voi hoa my pham, tim ve cac san pham thien nhien re, sach va an toan
Nhiều gia đình sử dụng quả bồ hòn thay cho bột giặt, hóa chất tẩy rửa trong gia đình

Tuy nhiên, việc kinh doanh các SP này hầu hết mới chỉ là tự phát và được phân phối qua các kênh bán hàng “online”. Điển hình như quả bồ hòn. Đây là SP đang được rao bán nhiều trên mạng xã hội, nhưng chủ yếu bán ở dạng thô. Người mua tự nấu thành dung dịch để dùng rửa bát hay giặt quần áo, nước tẩy bồn cầu… Lý do khiến nhiều cửa hàng không chủ động bán dung dịch sau khi nấu bởi khả năng bảo quản ở nhiệt độ thường của nước bồ hòn khó kéo dài. Muốn tiết kiệm thời gian đun nấu, người tiêu dùng phải bỏ vào tủ lạnh để dùng dần.

Một số doanh nghiệp chuyên về thuốc Nam hiện cũng đang tập trung vào việc bào chế các SP tiêu dùng từ thiên nhiên, tuy nhiên, kênh phân phối trên thị trường còn hạn hẹp. Khó có thể tìm thấy các SP này tại các chợ, cửa hàng tạp hóa hay siêu thị.

Đối với nhiều gia đình, việc phải dành thêm thời gian để “tự chế” SP là một trở ngại lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng tiêu dùng này đang đi ngược lại sự phát triển của xã hội. Trong khi các nghiên cứu, sáng chế khoa học được phát minh để cuộc sống của con người trở nên tiện lợi hơn thì người tiêu dùng lại đang phải tự làm khó mình. Bà Đỗ Thùy Dương - chuyên gia tư vấn quản trị nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội cho biết, cần phải có bài toán chiến lược để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng “xanh”, trong đó có việc giảm thiểu hóa chất, hóa mỹ phẩm trong sinh hoạt của các gia đình.

Trước hết, cần phải có những nghiên cứu khoa học để chứng minh hiệu quả của các chất thay thế, nhằm thuyết phục cộng đồng. Điều quan trọng, theo bà Đỗ Thùy Dương là phải tăng cường năng lực của kênh phân phối, giúp các SP thiên nhiên đến được người tiêu dùng và có chi phí hợp lý. Bởi thực tế, hiện nay trên thị trường vẫn có những SP hữu cơ, thiên nhiên (chủ yếu là nhập khẩu) nhưng giá thành đắt đỏ, giá một tuýp kem đánh răng có thể lên tới 300 ngàn đồng.

Bà Đỗ Thùy Dương cho rằng, cần có thêm sự đầu tư vào mảng kinh doanh này, và đây chính là mảnh đất màu mỡ mà các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, học sinh, sinh viên cũng có thể tham gia.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI