Nói không với cách marketing gây sốc

19/06/2017 - 21:19

PNO - Các nhãn hàng của các công ty đa quốc gia vốn có kinh nghiệm nên rất cân nhắc trong chiến lược marketing, tránh những cơn cuồng nộ từ người tiêu dùng. Song vì sao họ vẫn xem nhẹ trách nhiệm cộng đồng ở Việt Nam?

Noi khong voi cach marketing gay soc
Vấn đề phải chăng không chỉ do họ đánh giá thấp sự hiểu biết của người tiêu dùng mà còn có tâm lý coi thường các cấp quản lý của nhà nước ta đã quá dễ dãi?. Ảnh minh họa.

Hiện nay Sở TT-TT TP.HCM đã có hệ thống giám sát các quảng cáo trên mạng để phát hiện các quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung không phù hợp. Đơn vị Thanh tra của Sở vẫn đều đặn thực hiện các cuộc thanh tra nhằm phát hiện và xử lý vi phạm.

Ông Lê Quốc Cường - PGĐ Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM

Việt Nam vẫn còn thiếu các hội đoàn chuyên nghiệp bắt buộc các thành viên tuân theo quy tắc đạo đức nghiêm ngặt về marketing. Và quá trình tuân theo những quy tắc này, đòi hỏi người làm marketing phải được huấn luyện, nâng cao nhận thức ở nhiều mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước có chỉ số nhận thức về tham nhũng thấp. Sự hiện diện của những hành vi tham nhũng, phi đạo đức như thế đang làm xấu đi môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Xét về quan điểm marketing, sự hỗ trợ từ một chính phủ mạnh và cộng đồng quốc tế có thể trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là những người làm marketing cải thiện quy trình, kết quả truyền thông lẫn nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Bang Nguyen, Chris Rowley (Ethical and Social Marketing in Asia)

Nói không với cách marketing gây sốc
Danh tiếng thương hiệu quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Danh tiếng tốt gia tăng sự tin tưởng, khiến người tiêu dùng ra quyết định mua sắm, gia tăng lợi nhuận cho công ty.

Vì vậy, doanh nghiệp nên xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp, chính trực. Cách tạo dấu ấn thương hiệu bằng việc gây sốc, tạo hình ảnh xấu sẽ khiến danh tiếng bị hủy hoại, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại và phải tốn nhiều chi phí hơn trong công cuộc gầy dựng lại danh tiếng nhằm chinh phục khách hàng.

Ông Võ Trùng Dương - Giám đốc điều hành OhYeah Communications

Quảng cáo sai có thể làm ngành nông nghiệp tổn thương

Hiện nay, do luật pháp không nghiêm nên có nhiều doanh nghiệp lợi dụng quảng cáo quá lố để bán chạy sản phẩm, cụ thể như hiện tượng quảng cáo thực phẩm sạch-bẩn đang rộ lên hiện nay.

Thực chất, không phải tất cả các sản phẩm trên thị trường đều bẩn, khiến người tiêu dùng hoang mang, không dám mua. Những hình thức quảng cáo kiểu này, nếu không được kiểm soát tốt, có thể làm ngành nông nghiệp bị tổn thương.

Không chỉ quảng cáo mà thông qua hình thức truyền thông trá hình, một doanh nghiệp sáng chế máy gieo sạ ở Cần Thơ đã bị đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu, làm cản trở sản phẩm đến với người tiêu dùng, giết chết các ý tưởng có thể thúc đẩy nông nghiệp phát triển tốt hơn.

Ví dụ đó có thể cho ta thấy một quảng cáo không đúng cũng để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Ở góc độ này, truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn trong hậu quả mà quảng cáo hay truyền thông trá hình gây ra. 

Tiến sĩ Võ Tòng Xuân

Cần “người tiêu dùng thông minh” và quản lý năng động
Liên quan đến quảng cáo, nếu đó là quảng cáo dạng cạnh tranh không lành mạnh thì thẩm quyền xử lý nằm ở Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương. Nếu là các quảng cáo sai sự thật hay có nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục… thì sẽ do ngành thông tin - truyền thông xử lý.

Tuy một số quy định vẫn còn khá sơ sài, lỏng lẻo, tôi nghĩ rằng thanh tra của các sở TT-TT có thể xử phạt được các quảng cáo sai sự thật hoặc nói quá sự thật như vậy. Nhưng điều quan trọng mà tôi muốn nói, cũng là điều nhiều người đã nói, là chúng ta phải làm những người tiêu dùng thông minh.

Khi tiếp nhận một thông tin, ta phải xác minh lại thông tin đó xem nó đúng được bao nhiêu chứ nếu chỉ nghe giới thiệu là công trình nghiên cứu này hay ý kiến bác sĩ kia thì ta sẽ dễ dàng sập bẫy của các doanh nghiệp. Nếu chúng ta chỉ nghe “theo kết quả nghiên cứu…” thì có lẽ hôm nay đàn ông đã có thể tự sinh con rồi.

Khi nghi ngờ một quảng cáo, một sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, không đúng sự thật, ta có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thậm chí có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Từ phía cơ quan chức năng thì ngay khi những thông tin gây hoang mang như vậy được lan đi, chúng ta cần chủ động xem xét và nếu phát hiện có vi phạm thì phải xử lý ngay để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật mà đặc biệt là niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

Một cách khác để xử lý kiểu làm truyền thông bẩn này là dùng… chính con đường của doanh nghiệp - truyền miệng qua những lượt chia sẻ trên mạng để mọi người nhìn nhận lại vấn đề, có thái độ rõ ràng đối với các doanh nghiệp làm ăn không ngay ngắn.

Việc người tiêu dùng tẩy chay một sản phẩm là hình phạt lớn nhất, thậm chí lớn hơn cả những chế tài từ cơ quan chức năng. Khi lãnh hậu quả ngược của truyền thông bẩn, tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ phải xem lại cách làm việc của mình.

Luật sư Nguyễn Tư Thúc

Trách nhiệm của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng
Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy vụ quảng cáo nước uống này cũng giống như vụ nước mắm chứa thạch tín trước đây - nhìn lướt qua thì chúng rất khoa học, mang tính cảnh báo cao, chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thế nhưng cách mà thông tin được truyền đi đã gây hoang mang, sợ hãi cho một bộ phận rất lớn người dân. Từ góc độ pháp lý, để có thể xử phạt được những quảng cáo như thế này vô cùng khó khăn bởi sẽ phải chứng minh căn cứ khoa học của nó, chứng minh thiệt hại của người tiêu dùng.

Kể cả chứng minh được thì việc xử lý cũng thường không đủ sức răn đe đối với những đơn vị cố tình vi phạm, sẵn sàng trả giá để làm truyền thông bẩn.

Nhưng tác động tiêu cực của các quảng cáo ấy là có và có thể nhìn thấy rõ ràng qua những chia sẻ, những bình luận, những âu lo của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm trong bối cảnh mọi người đều quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi người tiêu dùng mất niềm tin, đó là cái mất, theo tôi, lớn nhất.

Tôi nghĩ, để có thể ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan truyền thông cần phải lên tiếng ở mức độ đủ mạnh, để cơ quan quản lý nhà nước nhìn rõ vấn đề, sớm hành động.

Đặc biệt, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng (có mặt ở khắp các tỉnh thành) cũng phải thực sự làm việc chứ không phải chờ đến khi người tiêu dùng khiếu nại hay hậu quả xảy ra. Nếu để đến lúc hậu quả xảy ra rồi mới lên tiếng thì lúc đó ý nghĩa bảo vệ đã không còn được mấy.

Tiến sĩ Đinh Thanh Nga - Học viện Cán bộ TP.HCM


Hạnh Thủy - Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI