edf40wrjww2tblPage:Content
PV: Xuất phát từ ý tưởng nào, TP.HCM có Vietopia-một thành phố giáo dục giải trí hiện đại và quy mô đến như vậy?
- Bà Nguyễn Quế Anh: Khi mới sinh con, tôi có một thời gian sống ở Nhật. Đưa con đến những khu vui chơi có tính giáo trí cao, tôi đã nghĩ về trẻ em ở Việt Nam và không ngừng mơ mộng rằng, đến một ngày, trẻ em ở quê nhà cũng được thụ hưởng những không gian vui chơi bổ ích như vậy. Tôi nuôi giấc mơ ấy, và thực hiện bằng nỗ lực cá nhân cùng việc kêu gọi hợp tác đầu tư. Đến hôm nay, tôi có thể tự hào nói rằng, Vietopia không thua gì những mô hình giáo trí đang phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Trước đây, trẻ em ở ta vào các khu vui chơi chủ yếu chỉ để thưởng lãm, thiếu sự tương tác, tư duy, thiếu tính thực tiễn và sự định hướng. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực cao nhất để bù đắp những gì còn thiếu.
* Điểm khác biệt rõ rệt của Vietopia so với các khu vui chơi khác?
- Vietopia được áp dụng và triển khai mô hình “Edutainment”- còn gọi là mô hình giải trí giáo dục đang được phụ huynh quan tâm và cuốn hút trẻ nhỏ ở nhiều nước trên thế giới. Vietopia có nét tương đồng với một số khu vui chơi mang tính giáo dục, hướng nghiệp cao ở Tokyo, Osaka của Nhật. Vào đây, trẻ sẽ được hóa thân để “làm việc” với các ngành nghề khác nhau. Trong quá trình hóa thân ấy, chúng tôi muốn cung cấp cho trẻ những kiến thức căn bản về các ngành nghề và vai trò của mỗi cá thể trong xã hội, từ đó trẻ sẽ sớm nhận thức về cuộc sống quanh mình cũng như trách nhiệm của bản thân. Thông qua đó, để trẻ hiểu được rằng, trong xã hội, ngành nghề nào cũng rất đáng tự hào. Ví dụ, ngay như nghề lau kính ở các cao ốc, nhiều người vẫn có ý coi thường. Nhưng khi trẻ vào vai những người thợ lau kính, sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc của một người làm sạch nhà cửa, cũng là làm sạch bộ mặt của thành phố. Với nghề cứu hỏa, trẻ sẽ được tự tay chữa cháy và hiểu được “tại sao không gọi là người cứu hỏa, mà là lính cứu hỏa”. Bởi cứu hỏa là một nghề cần sự dũng cảm của một người lính thực thụ.
Các trò chơi trong khu trải nghiệm tạo giấc mơ khởi nghiệp cho trẻ - Ảnh: Phùng Huy
* Bà có thể giới thiệu rõ hơn ý nghĩa của việc “nhập vai” đối với trẻ qua mô hình này?
- Mục đích của chúng tôi là tạo ra một môi trường giáo dục trải nghiệm thực tế, vì thế, các em trong độ tuổi từ 4-14 được xem là phù hợp khi luôn muốn tự mình trải nghiệm mọi việc. Tuy nhiên, hiện nay trẻ hầu như chỉ được hướng nghiệp trên lý thuyết, nhiệm vụ của chúng tôi là tạo điều kiện để các em có “va chạm” thực tế.
Trước hết, chúng tôi mang đến cho các em cái nhìn tổng quát về cuộc sống quanh mình. Theo đó, Vietopia được xây dựng mô phỏng với kích thước bằng 2/3 một khu phố thật, có thiết kế dành riêng và phù hợp vóc dáng của trẻ với đầy đủ các tiện ích, cơ sở cần thiết cho cuộc sống: từ các cơ quan hành chính, kinh tế, nhà máy sản xuất, chế tạo, trường học, nhà hát, sân thể thao, sân bay, bệnh viện, ngân hàng, trạm cứu hỏa, các phương tiện giao thông, viện khoa học không gian, viện nghiên cứu tài nguyên và môi trường... Bước vào không gian đó, trẻ như được sống trong một thành phố hiện đại, văn minh, thấy được sự tương tác giữa các ngành nghề... Trẻ cũng được học cách di chuyển đúng luật giao thông, biết cách xếp hàng, học được phép lịch sự khi lên tàu điện ngầm, không xả rác bừa bãi, tự kiếm tiền và kiểm soát đồng tiền bằng chi tiêu hợp lý (tiền VIDO - đơn vị tiền ảo dùng trong thành phố Vietopia)...
Ngoài ra, các trò chơi trong khu trải nghiệm cũng sẽ giúp trẻ lựa chọn ngành nghề, trau dồi kỹ năng tư duy, sáng tạo, óc thẩm mỹ, giải quyết tình huống, thông qua 72 ngành nghề khác nhau và hơn 100 hoạt động hướng nghiệp. Những ngành nghề vốn gây tò mò đối với trẻ như phóng viên, phát thanh viên truyền thanh, người mẫu... hay những ngành nghề ít được nhắc đến như lau cửa kính nhà cao tầng, sửa chữa ống gas... sẽ giúp trẻ hào hứng khám phá. Từ chỗ hiểu biết các ngành nghề, sẽ tạo khởi đầu cho những giấc mơ nghề nghiệp.
* Phụ huynh có thể yên tâm về độ an toàn khi đưa trẻ vào chơi ở Vietopia?
- Hầu hết các thiết bị, máy móc trong Vietopia đều được nhập về từ các nước phát triển nên được kiểm định rất tốt. Ngoài ra, mỗi trẻ khi bước vào đây đều được đeo vòng tay - một thiết bị định vị GPS để không bị lạc, cũng như để đảm bảo chỉ người thân mới được đưa trẻ ra khỏi khu vui chơi. Với tiêu chí “trẻ được vui chơi, người lớn được phục vụ”, chúng tôi cũng có những phòng đọc sách, phòng tập thể dục, wifi miễn phí, quán nước, phòng pha sữa cho bé với nước ấm có sẵn, phòng cho con bú… để phụ huynh vẫn có không gian thư giãn cho riêng mình.
Các em hào hứng tham gia công việc nội trợ - Ảnh: Phùng Huy
* Bà đã phần nào đạt được ước mơ của mình, nhưng với nhiều gia đình thì giá vé vẫn chỉ là... mơ ước?
- Slogan của Vietopia là “Nơi khởi đầu của những giấc mơ”, chúng tôi hy vọng thông qua khu giáo trí - hướng nghiệp hiện đại này, sẽ thực sự chắp cánh cho hàng triệu trẻ em biết mơ ước, dám mơ ước. Vì thế, chúng tôi đã cố gắng thu mức phí phù hợp với điều kiện phần đông dân số TP.Hồ Chí Minh là 190.000đ/vé (từ thứ Ba đến thứ Sáu) và 280.000đ/vé, (thứ Bảy, Chủ nhật và lễ). Riêng phụ huynh, giá vé là 45.000đ/vé. Để có thể phục vụ tốt cho nhiều đối tượng trẻ em, Vietopia cũng có kế hoạch kết hợp với các đoàn thể, trường học, các tổ chức xã hội để có chế độ giảm giá đặc biệt, có những chương trình miễn phí cho các trẻ em kém may mắn...
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.
Mô hình Khu vui chơi giáo trí mang nhiều ý nghĩa thiết thực, có giá trị như một cơ sở giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức công dân, giáo dục định hướng nghề nghiệp cho trẻ em, góp phần làm phong phú thêm hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ, giúp học sinh được khám phá, trải nghiệm. Qua đó, các em sẽ nâng cao hiểu biết, được hỗ trợ định hướng đúng đắn nghề nghiệp của mình trong tương lai. Đây cũng được xem là sự kiện có ý nghĩa trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang tập trung đổi mới căn bản, toàn diện. Ông Đỗ Quốc Anh (Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) |
Thiên Tường (thực hiện)