Nỗi khổ người đứng giữa

14/10/2015 - 08:11

PNO - Năm học mới diễn ra đã hơn một tháng, nhưng những vấn đề liên quan đến các khoản thu nộp đầu năm vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Hầu như, ở tất cả các trường, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp là người trực tiếp thu tiền. Họ bị đặt trong tình thế “người đứng giữa”: một bên là ban giám hiệu (BGH), một bên là phụ huynh (PH) và học sinh (HS). Đối với BGH, họ phải thu tiền đủ, kịp thời gian; với PH, họ phải giải đáp tất cả thắc mắc về các khoản thu; với HS, họ vừa phải dỗ vừa phải nạt để các em đóng tiền sớm.

Giải quyết trọn vẹn, hài hòa với từng bên, đúng với trách nhiệm của mình là chuyện không hề dễ dàng với GV chủ nhiệm. Bởi vậy, GV rất ngại việc thu tiền đầu năm, vừa áp lực vừa mệt mỏi.

Ở một số trường, để việc thu tiền đầu năm nhanh chóng, BGH thường đề ra mốc thời gian cụ thể với số phần trăm hoa hồng GV được hưởng hoặc cộng điểm thi đua cuối tháng nếu thu sớm.

Tuy nhiên, không mấy GV mặn mà với chuyện “khuyến khích” đó, bởi hiếm người nào đạt được chỉ tiêu trong thời gian quá ngắn, nếu không dùng tiền túi của mình đóng cho trường trước và thu của HS sau. Quá trình thu tiền khá gian nan, không phải HS nào cũng đủ điều kiện nộp một lần.

Trước đây, một số người ưa thành tích, mạo hiểm dùng “chiêu” nộp trước, nhưng sau này không dám nữa, bởi bỏ ra một lúc mấy chục triệu đóng cho nhà trường mà không biết bao giờ mới thu đủ từ HS. Chưa kể, một số HS bỏ học giữa chừng, không thu được tiền.

Nếu hết thời hạn mà GV vẫn chưa thu xong thì rất phiền hà. Nhẹ thì bị nhắc nhở trước hội đồng, nặng thì bị trừ vào thi đua cuối năm.

Noi kho nguoi dung giua
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Còn ở trên lớp, thời gian tiến hành thu thường căng thẳng, mỗi giờ sinh hoạt như một lần đi “đòi nợ”. GV phải dùng đủ cách, vừa năn nỉ vừa dọa nạt HS… đóng tiền. Những việc làm đó khiến hình ảnh người thầy giáo “méo mó” đi.

Chưa kể, lớp nào HS có hoàn cảnh khó khăn nhiều, việc thu tiền càng khó. Nhắc nhở nhiều thì sợ HS tủi thân, mặc cảm; không nhắc thì không biết bao giờ mới thu xong. HS nào không đủ điều kiện nộp một lần, GV đành chấp nhận thu từng khoản, chia làm nhiều đợt.

Chính vì thu tiền lắt nhắt mà HS lại đông, nhiều thầy cô không quen tính toán nên dễ bị nhầm lẫn, thiếu hụt tiền, cuối cùng phải tự bù tiền. Ngoài ra, nếu có khoản thu nào không hợp lý, GV là người trực tiếp giải thích với PH dù họ chỉ là người “thực thi nhiệm vụ” cấp trên giao.

Bên cạnh áp lực, còn có nhiều chuyện dở khóc dở cười. Chị đồng nghiệp của tôi thu tiền của một HS, do không có tiền lẻ để trả tiền dư nên hẹn hôm khác sẽ đưa cho em. Số tiền dư không nhiều, chỉ 15.000đ, nhưng mấy hôm sau, gia đình có việc đột xuất, chị không đến lớp được. Cậu HS liên tục nhắn tin đòi tiền khiến chị cảm thấy bị tổn thương.

Chưa kể, có những PH cho rằng việc thu tiền của GV chủ nhiệm là một dịp để “kiếm chác”. Có lần, tôi vô tình nghe hai PH nói chuyện với nhau trong lúc ăn sáng, đại ý là họ có tiền nhưng phải để gần hết thời hạn mới cho con nộp vì “nộp sớm làm gì để thầy cô gửi ngân hàng lấy lãi”. Nghe những câu nói đó, tôi rất đau lòng, thấy lòng tự trọng của GV bị xúc phạm nặng nề.

Nếu có một sự cải cách, chúng tôi chỉ mong thầy cô không phải thu tiền HS nữa; hãy giao nhiệm vụ đó cho những bộ phận phù hợp hơn như kế toán, thủ quỹ.

Dẫu biết, giao cho GV chủ nhiệm thu tiền cũng có cái lý bởi thầy cô là người trực tiếp quản lý các em, thấu hiểu hoàn cảnh từng em; nhưng chính mối quan hệ thân thiết đó khiến hiệu quả công việc không cao, không thầy cô nào muốn HS bị cho thôi học chỉ vì không đóng tiền, dù đó là quy định.

Tâm sức của người thầy cần nhất là đầu tư vào giảng dạy chứ không phải căng thẳng vì chuyện thu tiền và những điều tiếng oan uổng.

Hà Lam (giáo viên, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

(*) Xem bài “Giáo viên ám ảnh vai… người đòi nợ”, báo Phụ Nữ ra ngày 7/10/2015

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI