Nỗi khổ giáo viên đòi nợ

03/03/2019 - 08:04

PNO - Học kỳ I kết thúc, chưa kịp thở vụ điểm số, hồ sơ, sổ sách, chúng tôi lại phải tiếp tục đối diện với nhiệm vụ dang dở khi chưa hoàn thành khoản thu học phí của học sinh.

Rỉ rả suốt thì lớp tôi vẫn còn sáu em học sinh chưa đóng tiền mặc dù đã hết học kỳ I. Xem như việc nhắc nhở không có tác dụng. Tôi gửi thư mời phụ huynh năm lần bảy lượt nhưng lần nào cũng nhận “cục lơ”.

Cuối cùng, tôi tìm cách tiếp cận phụ huynh bằng việc giữ học sinh chưa đóng học phí lại lớp học trong giờ ra về để phụ huynh đến đón con phải vào tận trong lớp. Khi sân trường đã im ắng dần, tôi thấy một trong số phụ huynh đang thập thò ở cổng trường ngóng tìm con mình. Thấy vậy, tôi dắt em học sinh đó ra. Nhưng vừa thấy tôi, vị phụ huynh nhanh chóng đạp xe vọt thẳng, để mặc thằng bé cuốc bộ về nhà.

Đó là chuyện của lớp tôi. Xung quanh nhiệm vụ thu học phí của học sinh lớp mình, không ít chuyện giáo viên phải cười ra nước mắt. Có trường hợp giáo viên đòi mãi, phụ huynh vẫn không chịu đóng với lý do “không có tiền”. Giáo viên đành xuống nước “có bao nhiêu đóng bấy nhiêu”. Để giáo viên bỏ cuộc, vài bữa phụ huynh xuất hiện chìa ra vài chục ngàn đồng. Thế rồi có còn hơn không, giáo viên buộc phải thu góp để cộng dồn. 

Noi kho giao vien doi no
Áp lực sổ sách, tiền bạc đã khiến việc dạy học của giáo viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Mới đây, cô giáo H., chủ nhiệm lớp 4B phấn khởi cho biết, lớp cô chỉ còn hai học sinh nợ học phí. Đầu năm nhận lớp, cô được giáo viên cũ “giao ban” một số điểm, trong đó, đặc biệt chú ý một học sinh “lì đòn” không chịu đóng học phí. Thậm chí khi gặp giáo viên, phụ huynh nói càn “em không có tiền thì lấy gì mà đóng”. Giáo viên thua cuộc.

Rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, năm nay, cô H. cố gắng ngon ngọt “trước sau gì cũng phải đóng, em ráng nghen”, và lần nào, phụ huynh cũng “dạ”. Tuy nhiên, “dạ” từ đầu năm đến cuối học kỳ, phụ huynh mới lên lớp gặp cô giáo. Cô H. nín thở nhìn phụ huynh móc trong túi quần ra một mớ tiền đủ loại và đếm. Một triệu lẻ hai mươi ba ngàn đồng. Trong khi số tiền phải đóng là một triệu hai trăm ngàn đồng. “Cô ơi, em đóng trước một triệu, hai trăm ngàn nữa bữa nào em lên đóng tiếp nha”, phụ huynh e ngại nhìn giáo viên.

Đêm về, hình ảnh người mẹ trẻ gói cẩn thận hai mươi mấy ngàn đồng lẻ rồi cho vào túi quần cứ luẩn quẩn trong suy nghĩ của cô H. 23 giờ, cô gọi cho phụ huynh ngỏ ý cô sẽ đóng số tiền còn lại. Tiếng cảm ơn lẫn trong tiếng khóc dội lại từ điện thoại bên kia.

Hai trăm ngàn ấy bắt nguồn từ sự đồng cảm, ít ra nó mang lại chút niềm vui cho cô H., khác với việc giáo viên chúng tôi liên tục chịu mất tiền một cách “oan ức” khi phải rút tiền túi ra để bù vào khoản học phí học sinh do không đòi được. Lương của chúng tôi sít sao bốn triệu đồng/tháng. Nhưng mất tiền còn đỡ hơn mất thi đua, mất việc. Biết đến bao giờ giáo viên chúng tôi mới được đến trường chỉ để tận tâm dạy dỗ mà không phải lăn tăn với những việc ngoài chuyên môn của mình? Nỗi khổ giáo viên đòi nợ, ai hay?

L.T.N. (giáo viên Trường tiểu học P.T.2, Bình Thuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI