Nỗi khổ của... tình thương

06/12/2016 - 11:30

PNO - Người già đôi khi giống trẻ nhỏ, hay hờn dỗi, dễ bị tổn thương, thậm chí hay nhõng nhẽo. Đặc biệt khi nhà có thêm thành viên, họ dễ nảy sinh tâm lý so sánh, sợ bị “gạt ra rìa”.

“Chị biết không, con trai, tôi cưng như cưng trứng. Chưa bao giờ phải đụng tay làm bất cứ chuyện gì trong nhà. Vậy mà, hôm nọ buổi tối khát nước, tôi tình cờ đi xuống bếp, thấy nó đang loay hoay nấu mì, gọt trái cây, pha sữa cho vợ. Gần 30 năm nuôi con, tôi chưa từng được nó rót cho ly nước lọc…”, than phiền với hàng xóm, bà Huân lấy tay quẹt vội nước mắt.

Lắc đầu nhìn bà Huân, bà Thanh chép miệng: “Trai gái gì bà ơi. Con cái thời nay đều thế. Con gái tôi xưa giờ cũng được cưng chiều. Ưu tiên thời gian cho con tập trung việc học, tôi không bắt cháu phải làm việc nhà. Giờ thấy con chạy sấp chạy ngửa lo cho chồng con và cả gia đình chồng mà tôi xót ruột. Mấy cô em chồng còn trẻ khỏe mà việc gì cũng bắt chị dâu gánh hết. Từ nấu cơm, đi chợ, lau dọn nhà cửa, đến chăm sóc cha chồng nằm một chỗ… Mà con nhỏ còn phải đi làm chứ có ở không đâu. Mới lấy chồng chưa tròn năm mà nhìn con gầy rộc, tôi rầu hết sức…”.

Câu chuyện dần dà trở thành chủ đề chính mỗi ngày của lớp học dưỡng sinh ở công viên Văn Lang. Hầu như mỗi học viên đều có hơn một câu chuyện tâm sự về con cái “khôn nhà dại chợ” - toàn lo chuyện nhà người!

Noi kho cua... tinh thuong
Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock

Như chuyện của bà Thy: “Tôi cứ nghĩ sẽ không kể ai nghe. Những ấm ức, buồn giận này chỉ một mình gánh chịu. Vì nói ra mấy ai thông cảm, không khéo người ta lại cười cho”.

Cậu con trai của bà đều đặn mỗi sáng dắt xe ra, chiều dắt xe vô nhà cho vợ khi cô đi làm về. Chỉ mãi đến hôm bà Thy dắt xe ra chuẩn bị đi chợ, bị cái chống xe máy quẹt vào chân, chân bị chảy máu, khóc mãi, khóc mãi, các con mới hốt hoảng dỗ dành. Khóc gần nửa buổi, rồi từ ngày ấy đến giờ, bà Thy im lặng, không nói chuyện với ai trong nhà.

“Gần cả đời mà tôi chưa từng được chồng con dắt xe giùm. Trong nhà việc lớn việc nhỏ gì cũng một mình tôi gánh. Giờ có dâu, tưởng được hưởng phước, ai dè nhờ dâu con chuyện gì là chồng nó nhào vô đòi làm. Đàn ông đàn ang thì đâu rành rẽ chuyện nhà, chuyện bếp núc. Thôi thì tôi lại lui cui một mình làm cho xong. Nhưng đến cái ngày bị chiếc chống xe đè ngón chân chảy máu, tự nhiên tôi thấy ấm ức vì đau đớn quá. Thương phận mình bạc phước, sinh con ra mà chưa từng nhờ con được chuyện gì. Mà phải nó vô tâm, vô tánh thì tôi cũng đỡ tức. Đằng này, nó vẫn ngày hai lần dắt xe cho vợ, vậy mà…”.

Người già đôi khi giống trẻ nhỏ, hay hờn dỗi, dễ bị tổn thương, thậm chí hay nhõng nhẽo. Đặc biệt khi nhà có thêm thành viên, họ dễ nảy sinh tâm lý so sánh, sợ bị “gạt ra rìa”. Mặc cảm tiếng nói của mình không còn trọng lượng, con cái ít quan tâm, họ càng bị ức chế, nảy sinh tâm lý tiêu cực. Có những chuyện đôi khi chỉ là vô tình, dễ dàng được người trong cuộc hóa giải, nhưng vì nhân vật chính không nói ra, cứ giữ mãi ấm ức trong lòng. Còn con cái, đôi khi vì bận bịu công việc, có phần lơ là thiếu chăm sóc cha mẹ, có thể gây ra những việc khiến đấng sinh thành phiền muộn.

Bác sĩ thần kinh tâm lý Trương Chí Thông phân tích, về khoa học tâm lý, con người có hai đặc tính là ganh tỵ và lòng tham. Tùy nhận thức của mỗi người được giáo dục hay không được giáo dục đầy đủ mà sự ghen tỵ có chiếm ưu thế hay không, biểu hiện qua nhiều hình thức. Đặc biệt, trong môi trường sống gia đình hai, ba thế hệ, dễ phát sinh mâu thuẫn về tình cảm.

Các bậc làm cha mẹ cần cư xử đúng mực, minh bạch về lời nói, hành vi. Còn phận làm con, những người trẻ cần chú ý hơn hành động, thái độ của bản thân, để cha mẹ đừng tủi thân, phiền lòng. Người già như đèn treo trước gió, mong manh, yếu đuối. Con cái cần cố gắng đừng làm buồn lòng mẹ cha, kẻo sau này có hối hận cũng vô nghĩa khi cha mẹ khuất núi.

ThS-BS tâm lý Lan Hải cho biết, đây là mối tương quan bị công phá mạnh mẽ trong thời hiện đại. Vì bị dùng dằng giữa sự cổ hủ phong kiến vẫn còn và nền văn minh tân tiến chưa mạnh mẽ. Trước đây gia đình tứ đại đồng đường vẫn bình lặng, êm ấm là vì dòng chảy trước thế nào, dòng sau thế nấy.

Còn ngày nay, muốn duy trì sự thuận hòa, chỉ cần chiếc chìa khóa giản dị: ông bà, cha mẹ hãy chuyển vai trò từ người giám sát sang nhà tư vấn. Vì con cái nay đã trở thành trụ cột gia đình, có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn về gia đình, vợ con của chúng.

Ông bà cha mẹ chỉ tham gia vai trò điều hành gia đình khi con cái cần sự tham mưu, nhờ giúp đỡ, tư vấn. Có vậy, mới tránh được mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, mẹ vợ chàng rể, ẩn chứa rất nhiều sự đau khổ, cay đắng, khó xử giữa những người thân, ruột thịt trong gia đình.

Các đôi vợ chồng trẻ nên độc lập, tự chủ và không lệ thuộc, ỷ lại vào cha mẹ, thậm chí biến họ thành những người giúp việc bậc cao không hưởng lương. Cha mẹ đã một đời hy sinh vì con cái, cần có một tuổi già thong dong, an nhiên, tự tại. Con cái, dù bận bịu mưu sinh, căng thẳng kiếm sống cỡ nào, cũng phải luôn luôn giữ tròn đạo hiếu, để làm gương cho thế hệ sau. Có vậy, hạnh phúc mới hiện diện dưới những mái nhà…

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI