Diễn đàn "Rich kid - con là ai?"

Nỗi khổ của rich kid không phải ai cũng biết

30/03/2021 - 09:40

PNO - Nhìn bề ngoài, nhiều người nghĩ các cô cậu rich kid thật sung sướng khi sinh ra đã có cuộc sống vật chất đủ đầy, tương lai xán lạn. Ít ai biết được, đằng sau đó là không ít nỗi niềm thống khổ.

Mời bạn chia sẻ quan điểm về việc con trẻ tiêu xài sang chảnh trong diễn đàn "Rich kid - con là ai?". 

Bài viết, ý kiến, clip... xin gửi về địa chỉ email online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn như quy định.

Trong nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi đã chứng kiến những áp lực đè nặng vai những học sinh mang danh rich kid.

Cách đây không lâu, lớp tôi nhận một học sinh chuyển về từ một trường tư có tiếng ở Hà Nội. Trước đó, ban giám hiệu đã trao đổi riêng với tôi về trường hợp này. Đó là nam sinh, tên Thành Đạt, con trai của đại gia buôn gỗ có tiếng của tỉnh. Đáng nói, cậu bé khi ấy có dấu hiệu trầm cảm.

Mang danh rich kid, Thành Đạt khó hòa nhập với bạn bè trong lớp. Ảnh minh họa
Mang danh rich kid, Thành Đạt khó hòa nhập với bạn bè trong lớp - Ảnh minh họa

Trước đây, em được gia đình gửi vào ngôi trường học phí đắt đỏ và môi trường giáo dục tốt nhưng do áp lực học hành, em không theo được, phải về quê. Tiếp xúc với Đạt, tôi thấy cậu bé hiền lành, thậm chí nhút nhát. Qua thông tin tôi tìm hiểu, ngay từ nhỏ, Đạt đã bị buộc phải luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Ba mẹ chi nhiều tiền để thuê gia sư kèm con học, chu cấp đầy đủ để con trai có điều kiện phát triển tốt nhất.

Nhưng em không có tố chất học hành giỏi giang, nên sự kỳ vọng quá cao từ gia đình trở thành gánh nặng. Đạt từng phải điều trị triệu chứng trầm cảm vì những áp lực tâm lý. 

Ở lớp 11 tôi chủ nhiệm, em rất khó để hoà nhập với tập thể. Mỗi ngày xe riêng đắt tiền của gia đình đưa rước Đạt tận cổng trường trở thành hiện tượng lạ với học sinh ngôi trường bình dân. Trong mắt bạn bè, Đạt rõ ràng thuộc một thế giới khác.

Đạt học ở trường tôi thì vừa sức, kết quả cũng khá, nhưng hiếm khi bạn bè thừa nhận thành tích của em. Không ít lần, tôi phải đứng ra dàn xếp mâu thuẫn khi trong một số học sinh trong lớp xì xào: “Nhà nó giàu mà, bao nhiêu điểm chẳng được”.

Có lần Đạt đoạt giải nhất môn cầu lông cấp trường, em cũng bị bạn bè đồn thổi được cha mẹ mua giải. Vì bị chú ý nên nhất cử nhất động của Đạt đều trở thành đề tài bàn tán cho bạn học. Mặc cái áo đắt tiền một chút thì bị dè bỉu "thích thể hiện" mà nếu mang đôi giày bình dân cũng bị nói "nhà giàu mà keo, mua toàn hàng chợ”. Dù Đạt cố gắng hoà nhập nhưng với các học sinh trong lớp vẫn có một khoảng cách quá lớn.

Đạt đã phải điều trị triệu chứng trầm cảm do không chịu nỗi áp lực
Đạt đã phải điều trị triệu chứng trầm cảm do không chịu nỗi áp lực. Ảnh minh họa

Không ít lần, để lấy lòng bạn bè, Đạt mời cả lớp đi ăn, nhưng em vẫn bị cạnh khoé là “chơi trội”. Về sau, một số bạn trong lớp thường rủ cậu đi chơi, đi ăn rồi mặc nhiên dồn hoá đơn cho Đạt trả tiền. Nếu cha mẹ Đạt không đưa tiền bao các bạn, em liền bị bạn bè dè bỉu “đồ nhà giàu keo kiệt”, bị tẩy chay.

Ở trường như vậy, về nhà Đạt cũng rất cô đơn. Cha mẹ em bận rộn với những chuyến công tác, Đạt chủ yếu ở nhà với người giúp việc. Sau khi học xong cấp III, dù có năng khiếu và đam mê thể thao, nhưng Đạt buộc phải thi vào đại học kinh tế để nối nghiệp kinh doanh của cha mẹ. Vật vã mới cầm được bằng tốt nghiệp đại học nhưng công việc của em sau này không thuận lợi, Đạt chẳng thể nào vượt qua được cái bóng quá lớn của cha.

Những tưởng các rich kid như Đạt "sinh ra đã ở vạch đích", nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu, họ không có quyền chọn đường đi cho mình hay quyết định điều mình muốn. Đó là một thiệt thòi khủng khiếp với một con người, và vì vậy, họ thực sự không bao giờ tới được đích.

Thúy Phương

(Đồng Hới, Quảng Bình)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI