Ngày lấy chồng, chị lo tất bật đủ thứ. Nhà chị neo người, lại không giàu có gì. Hàng xóm chạy qua phụ cái này cái kia. Họ làm cái cổng lá dừa, chuẩn bị từng cái chén, cái dĩa. Nhà anh thì khỏe hơn, anh sống ở Sài Gòn, nhà làm đám cái gì cũng có thể thuê, mướn. Ở quê chị, con kênh nhỏ đâu thể muốn chở gì là chở qua.
Thế nên đám cưới nhà chị sơ sài hơn rất nhiều so với nhà anh. Họ nhà trai lúc qua nhà gái, họ chê đất lấm lem làm đôi giày họ dính bùn. Họ chê thức ăn không hợp vị, đám cưới gì mà chẳng thấy nhiều người, cỗ bàn cũng làm không hoành tráng.
|
Ngày cưới, chị mặc những lời xì xào bàn tán của nhà trai về gia thế nhà mình - Ảnh minh họa |
Chị mặc tất cả, vì chị yêu và thương chồng mình, chứ không phải những người kia. Nên lời nói như gió thoảng qua tai, chị chấp nhận nghe, chấp nhận quên hết. Từ từ rồi thứ gì cũng ổn, thứ gì cũng nguôi ngoai.
Ngày cưới, má chị không có nhiều vòng vàng cho con gái làm của hồi môn. Bà chỉ có một chiếc nhẫn nhỏ. Mà cái nhẫn ấy, bà cũng phải chắt bóp mới mua được. Chị vốn rất xinh gái, nên chẳng cần vòng vàng gì cũng đã rất rực rỡ rồi. Trước hôm làm đám cưới, các cô, các dì bên nhà ngỏ ý cho chị mượn vàng của họ. Mọi người đều chân thành nói rằng cô dâu nên có chút vòng vàng, để ngày cưới tránh người bên nhà trai xì xào bàn tán mình. Cưới xong thì cứ đưa lại cho mấy dì, mấy cô cũng được.
Thế là chị cũng nghe theo, chị gật đầu mượn cái nhẫn cưới của dì Sáu, cái lắc tay của hồi môn của chị Ba, cái kiềng của cô Trúc… Những thứ ấy tuy không còn mới mẻ, không to tát, nhưng đều là những vật rất ý nghĩa với người thân của chị. Chị nhất định sẽ trao trả tận tay sau khi đám cưới kết thúc.
Hôm đó, sau khi nhà trai qua dự lễ, họ cũng trao thêm cho chị rất nhiều vòng vàng. Cả xóm ai cũng nói chị tốt phước, lấy được chồng trên Sài Gòn, lại giàu quá chừng giàu. Chị chỉ biết mỉm cười bẽn lẽn.
Tối hôm đó, sau khi về nhà trai, chị cẩn thận gỡ hết vòng vàng của các dì, các cô rồi đem cất vào một chiếc hộp nhỏ. Sáng hôm sau chị gửi nhỏ em, mang về dưới, không quên dặn kèm câu cảm ơn và biếu mỗi người ít bánh trái. Chị cảm thấy ấm lòng vì đã được họ hàng, được má, được mọi người yêu thương. Đám cưới kết thúc trong êm đẹp. Những người họ hàng nhà chồng cũng không lui tới xét nét nữa, chị thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi cưới, chị vẫn sống cùng ba mẹ chồng. Mỗi ngày đi làm về, chị chỉ mong ăn cơm, dọn dẹp thật nhanh rồi vào ôm chồng đi ngủ. Số vòng vàng nhà trai cho chị đã đưa lại hết cho mẹ chồng, nói là để phụ tiền đám cưới. Chồng chị cảm động cách cư xử của chị, mẹ chồng cũng hòa nhã, không có gì khắt khe.
|
Giá như không có của hồi môn, có lẽ chị đã đỡ khổ - Ảnh minh họa |
Thế mà sáng nay, lúc chị đang đi làm, bỗng nhận được cuộc gọi của mẹ chồng. Bà bảo rằng chị đưa cho bà số vàng của hồi môn để gom vào xây dãy nhà trọ. Bà muốn mở nhà trọ cho thuê, nhưng vẫn còn thiếu tiền, muốn chị đưa để trang trải.
Chị bần thần cả người, nhẹ nhàng giở túi xách, chỉ có mỗi chiếc nhẫn vàng của mẹ còn đó. Chị cũng có cuộc sống riêng, không phải chị không lo cho nhà chồng hay ích kỷ này nọ. Mà số vàng của chị, thậm chí tính cả số vàng chị từng mượn bà con họ hàng, cũng chẳng thấm bao nhiêu so với dãy nhà trọ lớn. Mẹ chồng chị chỉ muốn chị đưa số vàng ấy cho bà mà thôi.
Khi về nhà, chị qua phòng mẹ chồng, đưa cho bà chiếc nhẫn vàng, và kể hết mọi chuyện trong đám cưới. Chuyện nhà chị khó khăn, không có nhiều vòng vàng nên phải đi mượn, giả đò đó là của hồi môn cho chị đỡ tủi. Vậy mà mẹ chồng không tin, bà làm rùm beng cả lên, nói chị còn nhỏ mà ăn nói không ra gì, nói nhà chị nghèo thì nói thẳng, có sao phải đi mượn, đi vay. Thậm chí, mẹ chồng còn nghĩ chị đã đem giấu số vàng ấy để không cho bà cầm.
Chị tê tái, bi kịch của hôn nhân là đây sao? Chị đã từng rất nhẫn nhịn trước những lời họ hàng nhà chồng chê nhà chị hèn kém. Thế nhưng đến nước này thì chị không chịu đựng nổi. Ý nghĩa của món quà hồi môn chính là ba má chị đưa để chị giữ làm kỷ niệm, để lo cho cuộc sống vợ chồng, để có chút mà rẽ sang một trang mới của cuộc đời. Của hồi môn không phải là thứ để phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Nó là tình cảm, là vật thiêng liêng của những bậc cha mẹ gửi con gái sang một nhà khác, chỉ mong nó được hạnh phúc và thương yêu.
Từ ngày mẹ chồng chị thấy chỉ có một cái nhẫn vàng, bà quay ra ca thán đủ điều. Bà trách con trai mình không biết lựa người, trách phải sống chung với kẻ gian dối như chị. Bà cũng đã cầm luôn chiếc nhẫn vàng má chị tặng, chắc cũng đã bán để làm vài thứ rồi, chị chẳng còn hi vọng gặp lại kỷ vật ấy nữa. Chị thấy hôn nhân của mình bắt đầu mệt mỏi, nó mãi vẫn không thoát ra khỏi hai chữ vật chất.
Hôm trước, chị chia sẻ với chồng, anh ôm chị vào lòng, nói sẽ mua cho chị chiếc nhẫn khác. Nói hai vợ chồng cùng phấn đấu rồi ra ở riêng. Chị biết vậy, nhưng còn buồn lòng quá. Muốn ra ở riêng, ít nhất cũng phải vài năm nữa mới đủ điều kiện. Còn mẹ chồng chị thì ngày nào cũng vẫn cằn nhằn về của hồi môn. Bà đi ra đi vào lại nói bóng gió. Nếu như không có những thứ vòng vàng, trang sức ấy, có lẽ cuộc sống của những người con gái về làm dâu sẽ bớt cực khổ hơn. Nhưng thói đời, có những chuyện làm sao mà tránh khỏi phong tục, lễ nghi?
Thanh Thủy