Nỗi khổ của đàn bà siêu nhân

04/03/2021 - 11:30

PNO - Con người có một quán tính vô tâm rất mạnh mẽ. Khi bạn không lên tiếng, khi bạn không bộc lộ rằng bạn cần được nâng đỡ, được sẻ chia - thì thế giới còn lại cũng quên mất bạn cũng cần được chăm sóc.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Nhà chồng tôi có hai cô con dâu, tôi là dâu đầu. Mẹ chồng tôi tính cách khá lạnh lùng. Dù không sống cùng mẹ nhưng mỗi lần lễ tết sum họp thì hai chị em bạn dâu chúng tôi đều phải khép nép. 

Tôi đùm đề hai cháu nhỏ, mà vừa về đến nhà mẹ đã giao “soạn chén bát, tính toán chợ búa cho bốn bữa cúng”. Em dâu về sau, vừa nghe tiếng xe là mẹ ra đón. Mẹ hớn hở mời em lên phòng nghỉ ngơi, rằng mẹ đã chuẩn bị cái a, cái b em có thể ăn cho đỡ mệt.

Hễ em dâu bước xuống bếp là mẹ lại “trắc nghiệm” xem em đã ngủ đủ chưa, ăn chưa, có mệt không, thằng Tít (con em) có đòi mẹ không… để tìm cách giục em lên phòng nghỉ ngơi. Còn tôi, mẹ giao hết việc này đến việc khác. Đến bữa ăn, hễ thiếu cái chén cái đũa mẹ cũng gọi: “Con Thu đứng lên đi lấy…”, trong khi em dâu ngồi ngay gần tủ chén. 

Không biết tự bao giờ, hai chị em dâu đã trở nên tách biệt đến thế trong sự đối xử của mẹ. Nhưng nghĩ lại, ngay từ khi đi học, tôi được xem là chỗ dựa cho các bạn về cả chuyện học hành, tinh thần, cho đến việc lo toan cho các chuyến đi chơi. Sau này, khi đi làm, tôi cũng luôn là người làm việc nặng, trong khi các đồng nghiệp nữ khác thường được ưu tiên việc nhẹ. 

Chồng yêu tôi, nhưng anh không nâng niu, chiều chuộng. Thậm chí, dù tôi chịu phần vất vả hơn so với em dâu, anh cũng thấy bình thường. Cả thế giới này xem chuyện tôi phải làm những việc đó là tất nhiên. Không một ai tập trung vào tôi bằng sự quan tâm, chăm sóc, nâng niu, ưu tiên, mời mọc…

Tại sao tôi khổ vậy chị ơi?

Lệ Thu (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lệ Thu mến,

Miêu tả của bạn khiến Hạnh Dung liên tưởng đến nhóm người “đàn bà siêu nhân”. Họ là những người có trách nhiệm và lặng lẽ, nghiêm túc thực hiện trách nhiệm đó. 

Họ thường bỏ qua mọi vấn đề của bản thân, kể cả cảm xúc, sức khỏe, tâm trạng… Họ không có thói đỏng đảnh, không ầu ơ than thở hay đòi hỏi quyền lợi.

Quan niệm về “trách nhiệm” của họ khá rộng. Nó không chỉ là những việc được giao, được “quy hoạch”, mà tất cả việc mà họ thấy cần làm, nên làm - đều trở thành “trách nhiệm” của họ.

Bạn có thấy người đó quen không? Rất có thể, từ nhỏ bạn đã vào vai “siêu nhân”, bạn cần mẫn và lặng lẽ. Chính bạn cũng không xem cảm xúc, sức khỏe của mình là điều gì đó đáng lưu tâm, ít nhất là không đáng lưu tâm bằng phần việc bạn đang phải hoàn tất.

Và Lệ Thu biết không, con người có một quán tính vô tâm rất mạnh mẽ. Khi bạn không lên tiếng, khi bạn không bộc lộ rằng bạn cần được nâng đỡ, được sẻ chia - thì thế giới còn lại cũng quên mất bạn cũng cần được chăm sóc. 

Hạnh Dung đoán rằng mọi người xung quanh đều yêu quý bạn. Nhưng yêu quý và nâng niu xuất phát từ hai loại cảm xúc hoàn toàn khác nhau.

Trong khi sự yêu quý thường được nảy sinh từ phẩm chất của bạn, thì sự nâng niu lại nảy sinh từ chính cách bạn bộc lộ về mình.

Khi bạn không bộc lộ phần yếu đuối trong mình, bạn sẽ khó được quan tâm theo kiểu nâng niu, chiều chuộng… Dần dà, mọi người “cài đặt” sẵn một lối ứng xử với bạn như với một người không biết buồn, không biết mệt.

Hạnh Dung nghĩ bạn cần thành thật với bản thân trước. Hãy biết dừng lại mỗi khi thấy mệt, thấy buồn, thấy bất công, và chia sẻ điều đó với những người bạn gắn bó. Bạn đã thấy, mẹ chồng bạn ban đầu lạnh nhạt với cả hai cô con dâu. Qua thời gian, sự gần gũi khiến bà xem con dâu út như con cháu trong nhà. 

Ngược lại, bà lại coi bạn như một… siêu nhân. Có lẽ mẹ chồng đã thấy được những khoảnh khắc mệt nhọc, yếu đuối, nhỏ bé của cô dâu út và không có cơ hội nhìn thấy những điều đó ở bạn. 

Từ bây giờ, ngoài việc lặng lẽ chăm sóc, bạn hãy chia sẻ nhiều hơn với mẹ. Hãy biết từ chối, hoặc ít nhất là trì hoãn việc nhà khi mệt. Hãy lên tiếng đề nghị được giúp đỡ, được chia sẻ mọi gánh nặng bạn đang có.

Hy vọng những lý giải này có thể giúp bạn thêm chút thông tin để có hướng điều chỉnh cuộc sống của mình.

Chúc bạn hạnh phúc.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI