Nỗi khổ của chồng “bỉm sữa”

30/09/2021 - 12:00

PNO - Nghe lời chị, tôi bừng tỉnh. Thay vì tập trung quá nhiều vào việc than thân, sao tôi không thử mở lòng cảm nhận từ phía chồng?

Tôi lấy chồng được hai năm, chúng tôi đều vất vả vì mới lập nghiệp. Hồi yêu nhau, mọi thứ đẹp lắm, nhưng khi có con, mọi thứ khác hẳn.

Hôm đó, tôi mệt mỏi vì chăm con cả ngày. Chồng đi làm về ăn cơm, chơi với con rồi đi ngủ, không hỏi thăm tôi lấy một câu. Tối đó, con khóc rất dai, cơn uất ức của tôi đạt đỉnh điểm. 

Nhìn chồng tôi nghĩ: “Chắc mình cưới nhầm người rồi”. Sáng hôm sau, cơn tức vẫn còn nên tôi chẳng buồn nhìn chồng nữa. Lúc anh vừa đi làm thì tôi nhận được cuộc hẹn của một người chị tôi rất quý mến. Tôi mang bộ mặt ủ rũ, tới gặp chị. Chị hỏi: “Có chuyện gì thế?”. 

Tôi tuôn nỗi lòng như thác đổ, kể lại những gì đã trải. Chị nghe xong, cười và nói: “Chúng ta đã biết nhiều về nỗi khổ của người đàn bà lúc mang bầu, sinh nở và hậu sinh nở, nhưng hiếm khi nghe thấy nỗi khổ của người đàn ông lần đầu làm cha. Để chị thử nói cho em nhé”. Rồi chị phân giải: 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Đầu tiên, là mất đi cô vợ xinh đẹp. Phụ nữ chúng ta thường cho rằng cơ thể thay đổi rất nhiều, đã hy sinh rất nhiều cho việc sinh con. Nhưng thử thay đổi góc nhìn sang phía người chồng mà xem, anh cũng mất đi một cô vợ đẹp của mình.

Trước kia vòng eo vợ rắn chắc bao nhiêu giờ eo vợ sồ ra bấy nhiêu. Trước kia thấy vợ xinh tươi gọn gàng bao nhiêu, giờ vợ luộm thuộm bấy nhiêu.

Thứ hai, anh đã mất đi một không gian riêng. Phòng khách có bà nội ẵm cháu, phòng bếp có bà ngoại nấu cơm, phòng ngủ có cô vợ đang nằm, phòng sinh hoạt chung có khi cô giúp việc đang thu dọn… Nếu là em, em sẽ cảm thấy ra sao?”.

Chị nói đến đây, tôi ngỡ ngàng. Trước giờ tôi chỉ nghĩ rằng mình phải hy sinh mà không nghĩ tới cảm nhận của chồng.

“Thứ ba, chuyện quan hệ tình dục không còn như trước nữa. Trong khi mang bầu hay sau có bầu, chuyện quan hệ ít đi, không còn như trước. Sinh xong, mẹ dành tâm trí cho con, hiếm khi bố được gần mẹ, đó cũng là một nỗi khổ rất lớn của người chồng”, chị tiếp tục.

“Thứ tư, mọi người không còn quan tâm tới anh ta nhiều nữa. Đàn ông là phái mạnh nhưng họ rất cần sự quan tâm. Họ cũng sẽ có những giây phút yếu lòng cần chia sẻ. Khi mọi sự chú ý dồn vào người vợ và đứa con nhỏ, anh ta mệt không, đã ăn gì chưa, thích ăn gì… chẳng ai biết” - chị nói và giọng nghiêm nghị.

“Còn đây nữa nhé. Thứ năm, có con sẽ tăng áp lực tài chính cho người chồng. Áp lực đi đôi với trách nhiệm. Điều này mấy ai hiểu thấu được những lo lắng của người đàn ông”.

Nghe lời chị, tôi bừng tỉnh. Thay vì tập trung quá nhiều vào việc than thân, sao tôi không thử mở lòng cảm nhận từ 
phía chồng?

Quả thực chỉ cần thay đổi một chút góc nhìn, tôi liền thấy anh chồng nằm bên cạnh có rất nhiều nỗi lo và tôi nhủ lòng sẽ quan tâm đến anh ấy nhiều như trước. 

Tuệ Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI