Cô P.H. - GV tiểu học tại TP.Cần Thơ kể, có lần, khi cho các em lớp 4 của mình làm bài kiểm tra định kỳ, lúc từ phòng GV về lớp, cô giật mình thấy lớp trưởng đang giật bài của bạn kế bên để chép, nhưng HS kia chỉ dám phản ứng yếu ớt. Đã vậy, lớp trưởng còn dọa: “Ông không cho tôi chép bài, tôi sẽ méc cô tội ông đánh con Q.. Mấy hôm nay tôi bao che cho ông mà còn không biết điều!”. Giật mình vì cách hành xử đó, cô H. đã dành cả buổi học để trò chuyện với các em về vai trò, tính gương mẫu và cả bản lĩnh của người dẫn đầu một tập thể. Sau đó cứ mỗi tháng, cô luân phiên thay đổi người làm lớp trưởng.
Trong môi trường học đường, mọi học sinh phải thân ái, bình đẳng - Ảnh minh họa: Phùng Huy
Chọn lớp trưởng vì cô!
Ngành giáo dục khuyến khích trong mỗi lớp học, vị trí lớp trưởng phải được luân phiên nhằm tạo cơ hội cho tất cả HS được thể hiện mình và tránh lạm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, GV lại thường chọn lớp trưởng theo ý chủ quan, vì mình chứ không vì HS. Xu hướng chọn lớp trưởng thường thấy nhất của GV là chọn những HS có khả năng làm thủ lĩnh, có thể thay mình quản lý lớp khi cần; và khi đã tìm được rồi thì ngại không muốn thay đổi để tránh phải hướng dẫn lại.
Thế nhưng, hiệu trưởng một trường tiểu học cảnh báo, một HS mà làm lớp trưởng cả năm, thậm chí nhiều năm thì dễ sinh ỷ y và cảm thấy mình có nhiều quyền. Mới đây, một lớp trưởng tên Nh. ở Đà Nẵng đã lên facebook để chửi từ lớp đến trường, từ bạn đến thầy, đồng thời còn dọa “xử” các bạn trong lớp nếu không “theo” mình. Chuyện bắt đầu từ khi Nh. vào lớp 6, thấy Nh. học giỏi, tính tình khá hung dữ, lại hay mách lẻo nên thầy chủ nhiệm đã... chọn làm lớp trưởng để trút bớt nỗi lo quản lớp. Nh. được thầy chủ nhiệm tin tưởng giao trọn quyền mỗi khi thầy không có mặt ở lớp. Nh. cũng được thầy cô ưu ái, chiếu cố hơn trong đánh giá hoặc giải quyết những xích mích với các bạn. Vì thế, các bạn trong lớp sợ Nh. ra mặt. Nh. đã “hoàn thành nhiệm vụ” lớp trưởng mà thầy cô giao trong hai năm liền.
Nhưng lên lớp 8, tình hình đã khác, khi các bạn trong lớp không chịu tuân thủ những quy định hết sức cá nhân của Nh. và đỉnh điểm là khi Nh. lập phe nhóm và tuyên bố “ai không theo sẽ bị ghi sổ đầu bài lỗi đi trễ, nói chuyện, bị cô lập, không cho chơi với mọi người và hơn cả thế nữa” thì một bạn nữ trong lớp không chịu nổi, đã đem chuyện này kể lại với ba mẹ mình. Nhận thấy nguy hại có thể đến với con, PH đã gặp thầy chủ nhiệm để báo cáo sự việc. Khi làm việc với Nh., chính thầy chủ nhiệm cũng bất ngờ bởi kiểu cách ăn nói, cư xử thiếu sự giáo dục của em. Vì thế, thầy quyết định thay lớp trưởng. Bị “truất phế”, Nh. liền tung tin dọa “xử” bạn. Trong khi thầy chủ nhiệm còn đang chưa tìm ra giải pháp thì Nh. chửi bới nhặng xị trên facebook.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.4 thừa nhận thực tế ở trường mình là một số lớp trưởng ỷ lại, không làm gương cho các bạn, thường xuyên đi học trễ, thái độ không thân thiện dẫn đến tình trạng các thành viên trong lớp bất phục. Đáng nói là dù biết tình trạng này nhưng GV không tìm cách khắc phục. Tệ hơn, một số PH còn tìm cách cho con mình được làm lớp trưởng và tỏ ra buồn bã khi con không còn "chức sắc".
Chị Võ Thanh Lan - một PH ở Cần Thơ - kể, tại trường của con chị, cô giáo đã “khéo” chọn lớp trưởng và chi hội trưởng hội cha mẹ HS là những gia đình thân cận với cô, kinh tế khá giả và “quan tâm” đến việc học tập của con như cho con đi học thêm, hay “bồi dưỡng” cho cô, đồng thời là còn là Mạnh Thường Quân cho lớp, cho trường… Ý thức được “vị thế” của cha mẹ đối với lớp, với trường nên lớp trưởng cũng tìm cách tỏ rõ uy lực.
Theo ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM), vị trí lớp trưởng là cơ hội để HS được cọ xát, thể hiện khả năng tổ chức, quán xuyến công việc chung. Thông qua lớp trưởng, GV có thể nắm được tình hình lớp học… Thế nhưng, nhiều em nhiệt tình quá thành ra vượt quyền, thậm chí còn tự cho mình có quyền “nhận hối lộ” của bạn và ưu ái bỏ qua các lỗi của bạn, dần dà hình thành nhóm lợi ích trong lớp. Lớp học cũng như một xã hội thu nhỏ, lớp trưởng được ví như một người lãnh đạo nên một số em ngộ nhận tự cho mình cái quyền rất lớn. GV chủ nhiệm chỉ cần lơ là, phó mặc cho các em tự quản, không sâu sát là rất dễ xảy ra chuyện.
Cô P.H. bày tỏ, việc chọn và hướng dẫn các em làm một lớp trưởng, thực sự là một đầu tàu của lớp không hề đơn giản. Nếu giao quyền điều khiển lớp mà không hướng dẫn các em thể hiện được vai trò của mình thì các bạn sẽ không tuân thủ, ngược lại, chính lớp trưởng sẽ “ảo tưởng” về mình.
Theo cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM), để bầu ra lớp trưởng, GV quan sát chọn ra những em chững chạc, giọng nói to tốt, có khả năng điều hành, ngoan và có nhiều mặt nổi trội để giới thiệu ứng viên. Từ đó, các thành viên trong lớp sẽ bầu chọn ra lớp trưởng. HS có quyền biểu quyết. Khi thấy các thành viên trong lớp có biểu hiện không phục, GV phải nhìn thấy, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời. Còn ThS Hiếu cho rằng, để tránh xảy ra tiêu cực, GV phải cho các em bầu chọn minh bạch, công khai; phải thường xuyên luân chuyển “cán bộ” trong lớp để tránh chuyện lạm quyền; hướng dẫn các kỹ năng và bản lĩnh làm quản lý trước khi giao trọng trách cho các em…
Nhóm PV CTXH
Học trò thay phiên nhau làm lớp trưởng
Trường THPT Nhân Việt (Q.3) thay đổi lớp trưởng, cán bộ lớp luân phiên mỗi hai-ba tháng/lần. Theo lãnh đạo nhà trường, việc thay đổi này tùy thuộc vào hiệu quả trong công tác quản lý của lớp trưởng cũng như sự tín nhiệm của học sinh cùng lớp. Tương tự, tại trường tiểu học Hồng Ngọc (Q.Tân Phú), trường tiểu học quốc tế Á Châu… cũng có chính sách thay đổi lớp trưởng thường xuyên. Đối với trường THCS và THPT Hồng Hà (Q.Tân Bình), việc thay đổi lớp trưởng diễn ra theo từng học kỳ.
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Võ Văn Nam:
Sở dĩ có những em lớp trưởng hành xử vượt quyền theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” đối với các bạn là do các em bắt chước người lớn hoặc nghe người lớn “chỉ dạy”. Hiện tượng này nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ hình thành một thứ “luật rừng” trong môi trường học đường, kiểu như có tiền thì tội được bỏ qua, không tiền phải chịu tội; rồi hình thành lợi ích nhóm kiểu như cô lập bạn này, bạn khác, tạo ra bất công…
Vì thế, khi bầu chọn lớp trưởng, cần chọn những HS có năng lực, phẩm hạnh và uy tín, đồng thời GV phải giáo dục, giúp các em ý thức được quyền hạn của mình tới đâu và được làm việc gì.
Có địa phương còn định trả lương cho lớp trưởng. Theo tôi, đấy là “tối kiến” chứ không phải “sáng kiến”. Lớp trưởng chỉ là người đại diện cho tập thể HS nhằm đề đạt những ý kiến của tập thể với thầy cô và nhà trường khi cần. Khi trả lương cho các em là chúng ta đã trao cho các em quá nhiều công việc vượt quá vai trò và quyền hạn. Đấy là nguyên nhân hình thành “uy quyền” ở các em.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.