Sau 45 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thành phố đã phát triển, đổi mới từng ngày, và nét văn hóa của vùng đất hơn 300 năm tuổi với những con người hào hiệp, nghĩa tình, luôn năng động và sáng tạo ngày càng được tô đậm thêm. Nhân dịp này, Báo Phụ Nữ TPHCM đã gặp gỡ những nhà trí thức, văn nghệ sĩ, những người từng chứng kiến ngày lịch sử ấy, lắng nghe ký ức và những sẻ chia về vùng đất năng động, nghĩa tình này. |
Ông Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM:
Nơi hội tụ trí tuệ và hào khí của dân tộc
Tôi vô Sài Gòn cuối tháng 6/1975. Lúc đó do mới giải phóng, thành phố còn nhiều hỗn độn. Về đêm, thành phố vẫn còn phải giới nghiêm. Năm 1976, Sài Gòn dần dần có những chuyển biến. Ngày 2/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981) đã thông qua nghị quyết đổi tên nước thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội, đồng thời đổi tên Sài Gòn và tỉnh Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Khi đó, thành phố mới thật sự đi vào ổn định.
Ấn tượng của một người sinh ra, lớn lên ở miền Bắc như tôi khi đó là Sài Gòn vẫn có một nếp sống công nghiệp, một đô thị thực thụ. Người ta vẫn thấy một sự ngăn nắp, chỉn chu nào đó. Ví dụ như học sinh đi học mặc đồng phục, nhân viên đi làm ở các cơ quan hành chính luôn có sự chỉnh tề của một công chức, người dân ra đường luôn giữ các ý thức tối thiểu nơi công cộng. Có lẽ nếp sống thị dân đó đã hình thành từ lâu và tạo cho người dân Sài Gòn một thói quen.
Cho đến nay, sau 45 năm, tôi vẫn thấy cuộc sống, con người của thành phố này không hề mất đi những tính cách của Sài Gòn từ xa xưa, thời cha ông mở cõi. Người dân luôn giữ được sự năng động, hào sảng, nghĩa tình. Nên nhiều lúc, nhiều nơi, người ta thích ghép thành một tên gọi Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cho đó cũng là một nét đẹp.
Nhớ về thời điểm lịch sử 2/7/1976, tôi lại nhớ bài thơ Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu đã viết từ hồi tháng 8/1954. Trong đó có đoạn như tiên tri: “Ai đi Nam bộ, Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. 22 năm sau đó, Sài Gòn đã thật sự được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước giờ, tôi vẫn có một thắc mắc nhỏ, không hiểu tại sao hai chữ Sài Gòn lại được người dân thành phố in trí về một điểm. Điểm đó không có địa chỉ cụ thể mà là cả khu vực trung tâm, phần lớn thuộc quận 1. Hễ thấy ai đó xách xe ra khỏi nhà và nói “ra Sài Gòn” thì chúng ta biết chắc họ chạy ra trung tâm thành phố, có thể là chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND thành phố, đường Nguyễn Huệ hay bến Bạch Đằng…
Hôm nay, khi đã làm công tác quản lý chuyên môn về kiến trúc, tôi đã có một phần lý giải cho mình. Có lẽ đó chính là hồn cách đô thị của Sài Gòn trước đây và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Thành phố giờ đây đã có thêm quá nhiều nhà kính cao tầng, có các khu đô thị hiện đại, có hệ thống metro. Đôi lúc nhiều người nghĩ rằng ngày nào đó Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành Hồng Kông, Bangkok, Singapore… nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta vẫn giữ được hồn cách đô thị đó trong kiến trúc, trong các quy hoạch mới và cả trong nếp sống của người dân Sài Gòn thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vẫn mãi là Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi hội tụ trí tuệ và hào khí của dân tộc.
|
Trong dịch bệnh - khó khăn, cốt cách hào sảng, nghĩa tình của người dân Sài Gòn - TPHCM lại càng hiện rõ. Ảnh: Đỗ Minh |
Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Tự hào về tính cách của người Sài Gòn
Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hào là người con của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi mà không ai để ý bề ngoài, ăn mặc sao cũng được, trong túi bao nhiêu tiền không quan trọng, nhưng cứ hễ thấy người ta cần gì thì giúp; nơi không phân biệt thành phần xuất thân mà hễ có “biến”, người ta lại yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, không cần ai hô hào, phát động. Tôi tự hào về vùng đất mở với những con người phóng khoáng, bao dung, nơi mà nghĩa đồng bào lớn hơn mọi thứ vật chất, tiền của.
Vốn là vùng đất dễ thích nghi, nên chuyện Thành phố Hồ Chí Minh từng ngày hiện đại dần lên trong mắt người dân với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, hệ thống giao thông, thu hút lực lượng lao động tứ xứ, trong đó có nhiều nhân tài, như một tất yếu. Tôi có chút tự hào khi mình cũng góp chút công sức vào sự phát triển đó, đã dành trọn hơn 50 năm miệt mài với y khoa, với Bệnh viện Từ Dũ - nơi đầu tiên làm phòng sinh dịch vụ, rồi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, can thiệp vô sinh…
Với tôi, bốn dấu ấn làm tôi rất dỗi tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên chính là sự kiện ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (năm 1976) để rồi Quốc hội đã ban hành nghị quyết công nhận thành phố Sài Gòn - Gia Định được mang tên Bác; ngày Việt Nam được chính thức gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc (năm 1977) và ngày Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là Thành phố Anh hùng (năm 1985). Những thời khắc đó, với tôi là những cột mốc lịch sử, đủ tạo sức bật cho một Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững và có được tiềm lực như hôm nay.
Trong đời tôi, hai lần khóc nhiều nhất lại không liên quan chuyện “nhà mình”, cũng là hai lần khóc mà tôi còn nhớ mãi. Đó là lần hay tin Bác Hồ mất năm 1969 và lần nghe tin Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972. Ngày Bác mất, tôi khóc âm thầm, nhưng đau đớn lắm, bởi với những người con Sài Gòn yêu nước như gia đình chúng tôi, Bác luôn ở trong trái tim mình. Chính vì vậy, ngày Sài Gòn được mang tên Bác, trong tôi có gì đó vừa thỏa mãn, vừa xen lẫn tự hào. Sự kiện ấy xoa dịu nỗi khát khao gặp Bác, tình yêu to lớn với Bác Hồ trong những người dân Sài Gòn yêu nước. Thời khắc ấy, tôi không thể nào quên được.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen: Thành phố hiện đại và con người bao dung
Bây giờ, tôi chỉ cần ở nhà ngay chung cư này thôi, đã có đủ thức ăn cho cả ngày, cả tuần, thậm chí là cả tháng. Mà ăn toàn đồ ngon không đó. Đặc sản khắp nơi, từ Hà Giang, Cà Mau, Đà Nẵng… Muốn thứ gì cũng chỉ cần click chuột thôi. Chỉ bấy nhiêu, đã cho thấy Sài Gòn thay đổi, phát triển và hiện đại hơn xưa rất nhiều.
Điều đáng quý chính là sau 45 năm phát triển đó, hồn cốt, giá trị văn hóa, đặc biệt là tính cách bao dung, phóng khoáng, tử tế, dễ thích nghi của con người Sài Gòn ngày càng được nhân lên. Là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, thành phố vẫn không thay đổi văn hóa tương thân. Đó là những giá trị sống bền vững, đáng tự hào của vùng đất này.
Ở đây, người ta không phân biệt bạn là người ngoại thành hay nội thành; không có giọng nói riêng mà giọng xứ nào về đây cũng thành ra nghe được dễ dàng, dễ chịu. Mọi người dân bao đời nay vẫn thế, nhìn đời, nhìn mọi sự việc bằng con mắt hết sức bao dung, phản ứng lành mạnh, có tình người trong mọi cảnh huống.
Trong những ngày dịch giã này, người dân thành phố đã lập tức chấp nhận sống khác đi. Có lệnh ở nhà thì hầu như ai nấy đều tuân thủ. Vì sao ư? Không phải người thành phố này dễ bảo. Họ ở nhà vì thấy điều đó đúng và cần thiết và bởi tâm tính phóng khoáng, họ thích nghi dễ dàng với hoàn cảnh mới. Tâm tánh họ không giành giật, chen lấn, chộn rộn. Họ biết “chuyện đâu còn có đó”.
Bạn để ý coi, trong mùa dịch bệnh này, đi đâu, bạn cũng nghe chuyện tốt, chuyện từ tâm giúp nhau của người dân thành phố. Tử tế, biết điều, nhân hậu, bao dung… là những giá trị nhân phẩm chưa bao giờ thay đổi của con người ở thành phố này. Đáng quý, các giá trị ấy đã và luôn lan tỏa, nó thành giá trị, nhân phẩm của cả những người không sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, mà chỉ cần họ từng được học tập, công tác hay một lần ghé qua thấm được cái tình, cái nghĩa, rồi nhân phẩm cũng như vậy mà được tưới tắm, gột ra cái tâm tử tế, biết điều, nhân hậu, bao dung vốn có tự sâu thẳm tâm hồn. Người ta gọi đó là vùng đất lành, thành phố nghĩa tình là như vậy đó.
|
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có rất nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ nhau trong dịch COVID-19. (Trong ảnh: Có rất nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong mùa dịch) - Ảnh: Đỗ Minh |
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ: Thành phố năng động và đầy sáng tạo
Trưa 30/4/1975, tôi - cô sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn - nhảy cẫng lên khi nghe tin ông Dương Văn Minh đầu hàng. Từ trưa đó tới khuya, tôi chạy lòng vòng trong thành phố ngắm mấy anh bộ đội và quân giải phóng. Sáng 1/5/1975, tôi chạy như bay vào Đại học Văn khoa tham gia sinh hoạt đủ thứ. Tháng 8/1975, tôi tham gia nhóm áo nâu thanh niên xung phong, đi xây dựng kinh tế mới ở nông trường Lê Minh Xuân, đến tháng 12/1975 mới đi học lại.
Từ đó, tôi hòa mình vào nhịp sống của thành phố này, thành phố mang tên Bác, một thành phố luôn năng động trong mọi phong trào, mọi hoạt động. Sự năng động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm mở cõi, gìn giữ và phát triển qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng, phát triển thành phố thời kỳ đổi mới sau này. Đối diện từng thời điểm, thành phố đều có hướng đi đột phá và đầy sáng tạo.
“Sài Gòn đi trước về sau”, “Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước, vì cả nước” phải chăng không chỉ là khẩu hiệu mà là slogan (theo cách gọi của ngày nay) thể hiện tính tiên phong, đột phá, sáng tạo cùng tinh thần bao dung, nghĩa tình, sớt chia của người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh với cả nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tiến sĩ Lê Thị Thoa - nguyên Viện phó Viện Pasteur TPHCM: giới trẻ bây giờ không tự mãn
45 năm, Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay nhiều lắm trong mắt tôi, người đàn bà đi qua hai cuộc chiến. Tôi cảm nhận sự thay đổi đó rất rõ ràng khi bây giờ nhà tôi ở đây, bước ra ngoài kia là đường vào hầm Thủ Thiêm, quẹo trở lại là cầu vượt sông Sài Gòn, cầu băng ngang, băng dọc hướng ra Thủ Đức, hướng về Hàng Xanh… Những cảnh tượng đó, ngày xưa tôi chưa bao giờ mơ thấy. Một Sài Gòn hiện đại, hoành tráng.
Giờ đây, ở tuổi 87, điều làm tôi vui nhất là mỗi lần quay về Viện Pasteur thăm, tôi đều thấy sự thay đổi. Các em được làm việc trong một môi trường hiện đại vô cùng. Có những xét nghiệm, như phân tích máu, khi xưa chúng tôi làm mất mấy ngày mới ra chừng 6-10 thông số, vậy mà bây giờ, chỉ cần hai phút, các em đã cho ra kết quả với hơn 20 thông số.
Ngày xưa, tôi thạo tiếng Pháp, tiếng Nga đã được coi là giỏi; bây giờ, nhiều nhà khoa học trẻ ở viện thông thạo 4-5 ngoại ngữ. Vậy mà các em chẳng bao giờ thỏa mãn. Mỗi lần gặp tôi, các em vẫn so bì: “Mình còn thua xa bạn bè thế giới cô ơi”. Tôi nghe mà cảm động, bởi chính sự không thỏa mãn ấy của các em cho thấy tiềm lực phát triển thật sự của thành phố này, đất nước này.
Theo tôi, có lẽ không tên gọi nào đúng hơn cho thành phố Sài Gòn - Gia Định bằng cái tên Thành phố Hồ Chí Minh, bởi trong tâm thức người dân thành phố này vẫn luôn có Bác Hồ. Nói như ông nhà tôi (Thượng tướng Trần Văn Trà) lúc sinh thời, Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh là một tất yếu, nó đương nhiên như là việc chiến dịch mùa xuân 1975 mang tên Bác vậy. Đó là tâm nguyện chung, là lựa chọn và đề đạt của chính người Sài Gòn, của những người con đất Nam bộ này.
|
Sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 - Ảnh: Hoài Sơn |
Nghệ sĩ Nhân dân Kim Xuân: Tôi gọi tên thành phố này là Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày đó, không chỉ tôi mà những người dân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này đều có chung một niềm hân hoan khi thành phố được mang tên Bác. Đến bây giờ, khi gọi tên thành phố, tôi đều gọi là Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không hiểu vì sao, có thể là do thói quen và tình cảm của mình. Sài Gòn là nơi tôi sinh ra, còn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ghi dấu một thời tuổi trẻ cho đến hiện tại. Cách gọi vừa cho thấy cội nguồn gốc rễ, vừa thấy được sự hiện đại, năng động.
Tôi nhớ da diết hàng cây xanh hai bên đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Ngày ấy, đây là một trong những đoạn đường đẹp nhất của thành phố. Nhưng rồi một hôm, cây xanh bị đốn hạ, di dời để thay chỗ cho các công trình mới. Cảm giác đầu tiên của tôi là hụt hẫng, tiếc nuối nhưng sau đó, khi thấy một chiếc cầu bắc ngang sông để nối đôi bờ, tôi ngầm hiểu rằng phải có sự chia ly mới có ngày đón chào những điều mới, những lợi ích mà thế hệ tương lai sẽ là người thụ hưởng.
Điều tôi mong mỏi là, mọi hoạt động liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang đô thị phải được thực hiện bằng cái tâm, cái tầm của người quản lý để mang đến những giá trị mới cho thành phố thương yêu.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Hạnh: Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ấm áp những chân tình
Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Tôi vẫn nhớ những ngày lội bùn, đi chân đất hát phục vụ thanh niên xung phong đào kênh, mở đường. Nhiều bạn bè tôi ra nước ngoài, khi về đây rất bất ngờ về sự phát triển của thành phố. Nhìn vẻ rực rỡ về đêm với cao ốc hiện đại, đường sá được mở rộng, họ khen Thành phố Hồ Chí Minh không khác những thành phố tân tiến của thế giới. Thành quả này có được là rất đáng trân trọng. Tôi tự hào vì những người bạn của con tôi khi đến Thành phố Hồ Chí Minh rất ấn tượng về sự thân thiện của người dân cũng như sự an toàn nơi đây.
Tôi thấy thành phố dù thay đổi đến đâu, hiện đại đến đâu, vẫn là mảnh đất rộng mở với người dân tứ xứ. Con người nơi đây luôn hào phóng, rộng lượng, dễ chịu. Dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ xáo trộn. Chúng ta phải đối diện với nhiều khó khăn. Nhưng cũng từ đó, dễ thấy con người nơi đây vẫn luôn sẵn lòng vì mọi người. Nhìn thanh niên, nghệ sĩ trẻ xung phong chống dịch, tôi nhớ thời tuổi trẻ vô cùng.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền: Luôn có cơ hội cho người cố gắng
Tôi sinh năm 1945 ở Hậu Giang và năm 1963 mới đặt chân đến Sài Gòn, đầu quân cho Đoàn cải lương Kim Chung. Sài Gòn xưa hay Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay luôn là miền đất hứa cho mọi người, luôn có cơ hội cho người cố gắng. Khi lần đầu đến Sài Gòn, tôi không hề lo sợ, trái lại còn rất hào hứng vì tin rằng sự nghiệp có thể sẽ bước sang trang mới.
Hơn nửa thế kỷ sống ở thành phố này, tôi thấy nhiều sự thay đổi. Nhưng là nghệ sĩ, tôi quan tâm đến đời sống tinh thần, văn nghệ nhiều hơn. Sự mở cửa giúp người dân có nhiều loại hình, phương tiện để giải trí hơn. Giao thương thuận lợi cũng giúp cuộc sống tốt hơn. Một điểm thay đổi lớn nữa là nhịp sống ngày nay nhanh hơn, nhộn nhịp, sôi động hơn. Tôi vui mừng về sự phát triển, tiến bộ này, và đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng có cái được và chưa được. Chẳng hạn như, việc chặt bỏ những hàng me xanh mát, thơ mộng là điều đáng tiếc.
Tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi cải lương ngày càng thưa vắng khán giả. Không khí sôi động của các rạp hát nổi danh một thời như Quốc Thanh, Hào Huê, Olympic, Nguyễn Văn Hảo... cứ khiến tôi tiếc nhớ khôn nguôi. Tôi vẫn luôn tự hỏi, liệu cải lương có tìm lại được thời vàng son?
Quốc Ngọc - Diễm Chi - Diễm Mi (ghi)