Sự hồi sinh của em bé sinh non nặng 900g
Đón trên tay đứa con trai bé bỏng, sản phụ N.T.H.T. (40 tuổi, ngụ Q. Tân Bình, TPHCM) vẫn không thể tin điều kỳ diệu đã xảy ra với gia đình mình, rằng con mình vẫn ở đây, đang say giấc trong lòng mẹ. Cách đây hơn một tháng, vợ chồng chị tưởng sẽ mất đứa con này mãi mãi. Chị đã khóc cạn nước mắt trong những ngày thấp thỏm chờ tin con nằm ở phòng hồi sức sơ sinh. Nay, người mẹ ấy cũng khóc nhưng đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. Thiên thần bé bỏng của chị T. đã hồi sinh và đủ điều kiện xuất viện về nhà.
|
Một em bé đang được điều trị tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: T.M. |
N.T.H.T. là một bà mẹ hiếm muộn lớn tuổi, từng mất đi đứa con đầu tiên. Khi chị đến khám thai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các bác sĩ chẩn đoán chị bị tiền sản giật nặng, tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường thai kỳ và thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Chị T. được lên các phương án đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ và cả ngày vượt cạn. Sản phụ đã chuyển dạ sớm ở tuần thai thứ 29, em bé chỉ nặng 900g. Sau khi chào đời, bé được hồi sức sau sinh tại phòng sinh rồi chuyển ngay về khoa sơ sinh để được chăm sóc tích cực và hỗ trợ hô hấp sớm. Các bác sĩ đánh giá trẻ sơ sinh ra đời sớm ở thời kỳ này có nguy cơ cao mắc bệnh màng trong do phổi chưa trưởng thành hoàn thiện, gây suy hô hấp nghiêm trọng nếu không được điều trị tích cực.
Dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ khoa sơ sinh, bé được bơm surfactant (chất hoạt hóa bề mặt phế nang) sớm để đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị bệnh màng trong. Thời gian tiếp theo, bé được cai máy sớm và hồi phục nhanh. Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp ngoạn mục: bé cải thiện được tình trạng nhiễm trùng, tiêu hóa sữa tốt, tự thở khí trời. Từ 900g khi chào đời, đến thời điểm 40 ngày tuổi, bé đạt gần 1.500g, đủ điều kiện xuất viện.
Một trường hợp khác cũng đã được cứu sống kịp thời dù mắc phải rất nhiều vấn đề phức tạp về sức khỏe sau khi chào đời. Đó là bé gái con của sản phụ N.T.V.A. (ngụ Q. 10, TPHCM) sinh non 29 tuần 2 ngày. Mẹ của bé mang thai con đầu lòng ở tuổi 40. Bản thân người mẹ đang mắc rất nhiều bệnh có nguy cơ cao như tăng huyết áp và bệnh thận mạn giai đoạn ba. Vì vậy, quá trình thai nghén và sinh nở của chị A. cũng gian truân hơn bình thường rất nhiều.
Chị được chỉ định sinh mổ cấp cứu vì phát hiện thai bị suy do thiếu máu cấp thai nhi. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã áp dụng mô hình phối hợp sản nhi (một bác sĩ sản đỡ sinh sẽ có một bác sĩ sơ sinh đứng cạnh hỗ trợ dù đó là ca sinh thường hay sinh khó).
Ngay sau khi chào đời, bệnh nhi lập tức được chuyển về đơn vị hồi sức tích cực của khoa sơ sinh. Bé được chẩn đoán bị bệnh màng trong, viêm phổi, xuất huyết phổi (rất nghiêm trọng ở trẻ non tháng). Không chỉ vậy, bệnh nhi còn bị dị tật bẩm sinh tim gây rối loạn huyết động, nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm trùng máu…
Ban đầu, em bé được hỗ trợ thở không xâm lấn, bơm surfactant, nhưng vì diễn tiến ngày càng nặng nên phải đặt ống nội khí quản, truyền máu. Các bác sĩ đã can thiệp và theo dõi bệnh nhi sát sao. Đến nay, sau 46 ngày vật lộn với tử thần, tình trạng bé đã tốt lên, tự thở được khí trời. Từ 1.150g lúc sinh ra, đến khi xuất viện, bé đã nặng 1.825g. Mẹ của bé dù sức khỏe rất yếu nhưng đã cố gắng da kề da với con và cho bé bú trực tiếp.
Phối hợp cứu nhiều trẻ sơ sinh dị tật tim bẩm sinh
Trước đó chưa lâu, cũng tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bé N.M.T., con của sản phụ L.T.T. (Long An) được chẩn đoán tiền sản chuyển vị đại động mạch với thông liên thất lớn, còn ống động mạch lớn vào tuần thai thứ 25. Ngay khi phát hiện tim thai có bất thường, các chuyên khoa sản, sơ sinh và phẫu thuật tim trẻ em của bệnh viện đã lên kế hoạch điều trị cho mẹ và bé.
Sản phụ sinh thường vào lúc thai 37 tuần 3 ngày. Sau sinh một tuần, bé được phẫu thuật chuyển gốc đại động mạch, vá thông liên thất, cột ống động mạch. Sau mổ, bé nằm hồi sức theo dõi và nay đã xuất viện. Cách đây vài ngày, bé đến tái khám định kỳ, chỉ số tăng trưởng tốt.
Được biết, khi mắc dị tật chuyển vị đại động mạch, sau khi ra đời, trẻ sẽ bị suy hô hấp rất nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 100% nếu không được can thiệp khẩn cấp.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Giang Trần Phương Linh - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều ca trẻ sơ sinh mang tật tim bẩm sinh nặng như thiểu sản thất trái, chuyển vị đại động mạch, tứ chứng Fallot… Khoa sơ sinh phối hợp với khoa sản và đơn vị phẫu thuật tim trẻ em hội chẩn từ sớm và chuẩn bị kế hoạch đón các bé ở những trường hợp này.
Khoa tiếp nhận, hồi sức ban đầu, chuẩn bị cho bệnh nhi ổn định về mặt hô hấp, huyết động, nhiễm trùng trước khi chuyển mổ tim; chuẩn bị trước kế hoạch chăm sóc hậu phẫu nhằm mang lại lợi ích điều trị tối đa cho trẻ. Sau xuất viện, bác sĩ lên kế hoạch theo dõi lâu dài để sự phát triển của trẻ được tối ưu hóa, tránh các biến chứng về sau.
1.000 trẻ/năm
Sự ra đời của mỗi đứa trẻ là một quá trình tuyệt vời nhưng cũng đầy phức tạp. Trước khi sinh, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ, từ việc thở, hấp thu dưỡng chất, loại bỏ chất thải và miễn dịch. Khi chào đời, bản thân trẻ phải có rất nhiều sự điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung người mẹ. Tất cả các cơ quan trong cơ thể trẻ phải phối hợp hoạt động theo một hướng mới. Trong một số trường hợp, trẻ gặp khó khăn khi thực hiện quá trình chuyển đổi. Việc sinh non, sinh khó hoặc dị tật bẩm sinh có thể khiến những thay đổi này trở nên phức tạp hơn.
Khoa sơ sinh giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp chặt chẽ với khoa phụ sản để cấp cứu, hồi sức và chào đón trẻ ngay tại phòng sinh/phòng mổ. Khoa thực hiện điều trị chuyên sâu cho trẻ non tháng; trẻ suy hô hấp; các bệnh lý nhiễm trùng; trẻ vàng da; trẻ có dị tật bẩm sinh về thần kinh, tim mạch, đặc biệt là các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ có bệnh tim bẩm sinh phức tạp với sự phối hợp cả ba chuyên khoa sản, sơ sinh và tim mạch trẻ em.
Phòng hồi sức sơ sinh được trang bị máy móc công nghệ tiên tiến và đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu để dành sự chăm sóc đặc biệt cho những bệnh nhân nhỏ tuổi nhất, thậm chí nhỏ cân nhất. Khoa tạo ra môi trường an toàn, giống với cơ thể người mẹ từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và âm thanh. Khoa áp dụng các phương pháp chăm sóc tối ưu cho trẻ non tháng: giảm đau khi thực hiện các thủ thuật, Kangaroo - liệu pháp da kề da sớm, liệu pháp massage giúp trẻ phát triển tốt, theo dõi lâu dài sự phát triển tâm thần - vận động, dinh dưỡng các đối tượng trẻ có nguy cơ để về sau được phát triển tốt hơn.
Mỗi năm, Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận khoảng 1.000 trẻ sơ sinh cần điều trị những bất thường sau khi chào đời. Tỷ lệ non tháng chiếm 12%, tim bẩm sinh chiếm 1,9%, dị tật bẩm sinh khác chiếm 1,2%, bệnh não thiếu oxy chiếm 0,2% và suy hô hấp chiếm 16,6%.
Thanh Huyền