Khi nhắc về thời đại chúng ta đang sống, từ xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông chính là “uncertain world” - một thế giới bất định, không có điều gì chắc chắn. Hệ lụy từ biến đổi khí hậu, nạn phân biệt chủng tộc, tấn công tình dục, rủi ro kinh tế, khủng hoảng tâm lý… trở thành gánh nặng chồng chất.
|
Kamau dạy con vẻ ngoài không nhất thiết là cách duy nhất để nhận dạng |
Thế giới không êm ả và những đứa trẻ cần học cách “chung sống”, sẵn sàng tinh thần tạo dựng tương lai cho chính mình. Có những phụ huynh chọn trở thành cầu nối dẫn dắt trẻ, chuyển hóa đề tài “khó nhằn” thành những bài học thú vị, giúp trẻ không hoang mang, lo sợ mà đón nhận mọi thứ với tâm thế chủ động, tích cực. Họ hiểu đây là quá trình đứa trẻ cần sự đồng hành và chặng đường này không chỉ trải đầy hoa hồng mà có nhiều khúc quanh cần sự dũng cảm của cả cha mẹ lẫn con cái.
Vẻ ngoài không nhất thiết là cách duy nhất để nhận dạng
Diễn viên hài W. Kamau Bell là một trong những gương mặt truyền cảm hứng trong cộng đồng phụ huynh người Mỹ gốc Phi, bởi anh luôn đề cao việc thẳng thắn giáo dục về khái niệm chủng tộc, về sự phân biệt chủng tộc. Anh không muốn các con mình lớn lên cùng tâm lý mặc cảm từ những ánh mắt soi mói, lời lẽ tấn công của bất kỳ ai.
Năm 2015, ông bố này từng có trải nghiệm không vui khi anh đến một quán cà phê để gặp gỡ vợ anh và một số bạn bè của cô ấy. Khi anh đến, nhân viên của quán nghĩ rằng anh là một gã da màu đang cố tiếp cận những “quý cô da trắng” và họ yêu cầu Kamau ra khỏi quán. Vợ chồng Kamau từ đó chẳng bao giờ ghé quán ấy nữa. Vợ chồng anh từng ngần ngại khi cho các con hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Thế nhưng, sau “sự cố” ở quán cà phê, họ đã thay đổi cách suy nghĩ. Họ dạy các con gái bài học “nếu con thấy ở đâu có nạn phân biệt chủng tộc, hãy gọi tên đó là phân biệt chủng tộc”. Câu chuyện về quán cà phê năm nào đến nay vẫn là bài học mà hai con gái lớn của Kamau chẳng thể quên.
Sami và Juno hiểu bố mẹ mình sẽ chẳng bao giờ quay lại nơi đó vì bố đã không được tôn trọng. Kamau chia sẻ: “Khi bạn giải thích rõ với con vì sao bạn đưa ra một quyết định, giúp con hiểu cần phải làm gì khi bị kỳ thị thì con sẽ biết đâu là cách xử sự chuẩn mực thay vì trở nên tự ti, yếu đuối hay nảy sinh tâm lý thù hằn”.
Một lần, khi nghe người giúp việc đọc câu chuyện về một cặp đôi nỗ lực đấu tranh để các cặp đôi khác màu da có thể kết hôn hợp pháp, Juno (con gái 6 tuổi của Kamau) đã thắc mắc: “Vậy nếu không có họ thì những cặp đôi như bố mẹ cháu sẽ không lấy nhau được phải không?”.
Juno dần nhận thức được những hệ lụy từ nạn phân biệt chủng tộc và hiểu rất nhiều người đang nỗ lực thay đổi. Asha - con gái út của Kamau - chào đời cũng trong năm 2018 và được bố mẹ giáo dục về tình trạng phân biệt chủng tộc từ rất sớm vì họ muốn xây dựng trong con niềm tin vững vàng ngay từ đầu.
Kamau kể về bài học anh học được từ các con: “Trẻ có thể không biết mọi thứ như người lớn chúng ta nhưng không có nghĩa là trẻ không biết gì. Chúng để tâm và suy nghĩ rất sâu sắc mà đôi khi khiến người lớn cũng phải bất ngờ.
Kamau kể: “Một lần, khi đến đón Juno ở lớp, tôi nhìn thấy bức tranh chân dung con gái tự họa chính mình. Con bé có nước da sáng màu nhưng con lại chọn vẽ mình với mái tóc nâu và làn da nâu.
Tôi thật sự xúc động vì con đã hiểu được thông điệp mà vợ chồng tôi luôn nỗ lực gửi đến các con. Đó là việc nhận dạng không nhất thiết gắn liền với vẻ ngoài mà từng đặc điểm tạo nên tính cách cũng chính là nhận dạng riêng biệt của mỗi chúng ta”.
Khủng hoảng tâm lý và những vòng xoáy ám ảnh
Thời trẻ, Mia St. John là nhà vô địch quyền anh nổi tiếng. Ở tuổi 52, cựu nữ võ sĩ thấm rõ bài học về cách “té ngã” và đứng dậy. Cuộc sống là chuỗi ngày thử thách mà Mia phải nỗ lực vượt qua những “bài kiểm tra” khắc nghiệt. Sáu năm trước, con trai Julian của cô tự sát sau thời gian dài chịu chứng rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt. Mới đây, chồng cũ của cô cũng qua đời vì bệnh tim.
|
Mia St. John và con gái Paris |
Trên sàn đấu, Mia là một chiến binh đầy năng lượng, còn với cuộc sống đời thường, cô là người mẹ không ngừng tìm mọi cách để đồng hành cùng các con. Từ lúc con trai Julian 12 tuổi và con gái Paris 10 tuổi, Mia đã bắt đầu nói với con về mối nguy hại do nghiện ngập cùng sự hiện diện của những rối loạn tâm lý thời đại.
Cô chẳng ngại thừa nhận với các con rằng bản thân cô phải khó khăn lắm mới vượt qua được tình trạng nghiện ngập, trở nên điềm tĩnh hơn trong cuộc sống. Cô tâm sự và khuyên con mình không nên dùng chất kích thích, không hút cần sa hay uống rượu vì vợ chồng cô đã từng chìm đắm trong những ảo giác kinh hoàng.
Nhưng Mia không thể làm thay con tất cả, không thể sống cuộc đời của con. Những lời căn dặn từ mẹ bỗng chốc biến mất khi Julian không cưỡng lại được sức hấp dẫn của sự nông nổi tuổi trẻ. Chàng trai trẻ tập tành hút thuốc, làm quen với những chất kích thích mới. Từ cậu bé vui vẻ, hoạt bát, ham mê thể thao, Julian trượt dài.
Năm 14 tuổi, em gần như từ bỏ tất cả, vùi mình trong giấc ngủ miên man. Mia nhận thấy mọi thứ thật sự không ổn vì chính cô cũng từng có những tháng ngày tăm tối vật vã với khủng hoảng tâm lý. Năm 17 tuổi, tình trạng của Julian biến chuyển tồi tệ hơn. Em nghe những âm thanh, tiếng nói từ trong đầu mình cứ văng vẳng không dứt.
Mia không cố gạt đi những điều con đang chịu đựng mà ở bên cạnh nâng đỡ con mình. Mia chia sẻ: “Julian đã ra đi, tôi chẳng thể ngăn được nhưng điều khiến tôi không quá ray rứt chính là những ngày cuối đời, con đã được xoa dịu mà không phải chịu đựng sự cô đơn, hờ hững từ người thân của mình”.
Người mẹ này chia sẻ: “Đừng bao giờ nghĩ rằng con không cần mình. Con cần cha mẹ ở bên con đúng cách. Khi một đứa trẻ nói về những khó khăn tâm lý mà chúng đang đối diện, đừng bao giờ gạt đi và nói rằng đó là điều vô nghĩa hay tự nhận định rằng lo lắng của con là thừa thãi, rằng con hãy gạt bỏ cảm xúc “xấu xí” ấy đi. Chúng ta, ai cũng có lúc cảm thấy rối bời. Nếu bị gạt đi, nỗi cô đơn sẽ trở nên đáng sợ vô cùng”.
Khi dành nhiều thời gian lo lắng cho Julian, Mia vô tình quên mất Paris cũng đang lớn và cũng có những muộn phiền cần sẻ chia. May mắn là cô nhận biết đúng lúc, dành nhiều thời gian hơn cho con gái mình.
Mia xem con gái như một người bạn: “Gần đây, chúng tôi thân nhau hơn bất cứ lúc nào. Chúng tôi thẳng thắn nói về những tổn thương của mỗi người và cùng vực nhau dậy. Tôi tham gia những nhóm hỗ trợ, gặp nhà trị liệu và sẵn sàng kể lại với Paris. Tôi và con mình vẫn đang học tiếp bài học về nội tâm vững vàng, về cách lắng nghe và lòng thấu cảm”.
Rời bỏ ánh hào quang của một chiến binh, Mia học cách làm mẹ và sau từng ấy năm, cô nhận ra: “Con cái chẳng cần gì nhiều, những gì con cần từ cha mẹ chỉ là sự lắng nghe. Lắng nghe để hiểu cảm xúc của con, đồng hành cùng con qua chông gai cuộc đời và nâng đỡ nhau trong những va vấp bất ngờ”.
Thiên Anh