Nối ghép thành công bàn tay bị giập nát, đứt rời của công nhân trộn bê tông

27/06/2016 - 13:36

PNO - Bệnh viện Việt Đức vừa tiến hành ghép nối thành công bàn tay đứt lìa, giập nát bị cả khối xi măng đóng đông cứng tại phần đứt rời và phần mỏm cụt.

Sáng 27/6, trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, một lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, mới đây bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi chính xác cao. Đó là ghép nối bàn tay đứt lìa, giập nát bị cả khối xi măng đóng đông cứng tại phần đứt rời và phần mỏm cụt.

Đó là trường hợp của ông Quách Xuân T. (47 tuổi) - công nhân Công ty bê tông Hà Na. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, ông T. đang thực hiện nhiệm vụ bên máy trộn xi măng. Thấy máy trộn đột nhiên không hoạt động, ông T. đưa tay vào chỉnh thì bất ngờ tay bị cuốn vào ống hút xi măng dẫn vào máy trộn bê tông.

Noi ghep thanh cong ban tay bi giap nat, dut roi cua cong nhan tron be tong
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật ghép tay cho bệnh nhân. Ảnh: ML

Đến khi mọi người xung quanh kịp can thiệp thì cổ tay ông T. đã bị đứt rời, giập nát, dính đầy xi măng.

Vị lãnh đạo cho hay, bệnh nhân T. được đưa đến BV Việt Đức lúc 14h30’ ngày 5/6 trong tình trạng đứt lìa 1/3 cẳng tay trái, da niêm mạc nhợt, huyết áp tụt. Phần đứt rời và phần mỏm cụt được sơ cứu qua loa, lúc này đã bị hối xi măng đông cứng.

Đến 17h cùng ngày, ông T. được đưa vào phòng mổ. Khi các bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần dập nát, mỗi đầu đã sâu vào 3cm nhưng vẫn còn xi măng trong ống tủy. Đồng thời phần mềm, mạch máu và gân của bệnh nhân cũng đã bị dập nát trên một đoạn dài. Đây được đánh giá là một ca phẫu thuật hết sức khó khăn, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Trước tình thế đó, các bác sĩ cũng chỉ cắt được tối đa 6cm bởi khoảng cách giữa bàn tay trái với khuỷu trái đã rất gần nhau và đã ngắn hơn tay phải 6cm.

Trong quá trình cấy ghép cũng xảy ra tình trạng bị thiếu chiều dài mạch máu, phải tiến hành lấy tĩnh mạch dưới đùi lên ghép vào mạch máu cẳng tay.

Noi ghep thanh cong ban tay bi giap nat, dut roi cua cong nhan tron be tong
Bệnh nhân T. đã cử động được ngón tay. Ảnh: ML

Chia sẻ thêm với báo chí, ThS.BS. Vũ Trung Trực (Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt) - người trực tiếp thực hiện ghép bàn tay cho bệnh nhân T. giải thích: Kỹ thuật vi phẫu nối mạch là bác sĩ sẽ nối 2 đầu mạch với nhau. Còn ghép là lấy đoạn mạch ở chỗ khác ghép vào. Mỗi đoạn ghép phải nối 2 chỗ.

Cẳng tay bệnh nhân T. phải ghép tối thiểu 3-4 mạch đồng nghĩa nhân đôi số miệng nối lên, do đó thời gian ca mổ bị kéo dài hơn (cộng thêm cả thời gian lấy mạch máu ở chân để ghép lên). Ca mổ kéo dài đến tận 2h30 sáng hôm sau.

Sau khi tiến hành ghép nối thành công, những ngày đầu bàn tay rất phù nề. Nhưng đến nay, hơn nửa tháng trôi qua, bàn tay của ông T. đã đỡ nề, nhúc nhích được vài ngón, điều đó cho thấy việc nối gân, cơ đã thành công.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân và người nhà cần phải có khoảng 6 tháng đến 1 năm luyện tập để bàn tay phục hồi. Nhưng về sau, ông T. cũng không thể làm những công việc nặng nhọc như cũ.

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI