SpO2 theo dõi từ xa
Chị C. (con gái của bà T.) cảm kích: “Nếu không có chương trình SpO2 của phường 10, có lẽ gia đình tôi đã rối bời”. Theo chị, ngay khi bà T. mắc COVID-19, cả gia đình như ngồi trên đống lửa và đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Chị kể: “Mẹ tôi sợ nhập viện nhỡ có điều gì bất trắc, không gặp được người thân. Nhưng để mẹ ở nhà thì chúng tôi cũng sợ có gì bất trắc, không trở tay kịp”. Chị C. lập tức báo tình hình của mẹ cho Trạm y tế phường 10, đồng thời trình bày các điều kiện của gia đình đảm bảo cho bà T. tự cách ly, điều trị tại nhà. Song chị cũng mong muốn nhận sự giúp đỡ “đặc biệt” nào đó từ chính quyền để gia đình an tâm điều trị cho bà T.
Ngay sau đó, cán bộ Trạm y tế phường 10 đã mang đến gia đình chị C. một máy đo SpO2, dặn dò cách sử dụng. Chị C. cũng được “đưa” vào một group chat Zalo. Lúc này, chị mới biết mẹ mình được tham gia chương trình Hỗ trợ cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà sử dụng công nghệ SpO2 theo dõi từ xa trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 do Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM (HICS) phối hợp chính quyền địa phương thực hiện (gọi tắt chương trình HICS hỗ trợ SpO2).
|
Chương trình HICS hỗ trợ SpO2 giúp kiểm soát tình hình bệnh của các F0 tại nhà, qua đó có phương án nhanh nhất để giúp đỡ các F0 về đơn thuốc, tiếp trợ oxy |
Khác với những thiết bị SpO2 thông thường, máy đo SpO2 của chương trình HICS hỗ trợ SpO2 được kết nối với điện thoại qua bluetooth, bệnh nhân sau khi đo chỉ cần nhấn nút email để gửi dữ liệu SpO2. Nhóm bác sĩ của chương trình sẽ lập tức nhận được các thông tin, chỉ số bệnh nhân và tham gia hỗ trợ.
“Vài tiếng một lần, tôi được yêu cầu báo cáo lên group các chỉ số về oxy, huyết áp để các bác sĩ phân tích tình trạng sức khỏe của mẹ tôi. Qua đó, từng đơn thuốc của mẹ uống cũng được gia giảm liều lượng theo yêu cầu của bác sĩ”, chị C. chia sẻ. Mẹ chị C. có thể trạng rất yếu ớt, song nhờ các bác sĩ của chương trình HICS hỗ trợ SpO2 bám sát, tỉ mẩn trao đổi theo từng diễn biến sức khỏe đã giúp mẹ chị trải qua những ngày bệnh tật một cách nhẹ nhàng. Hơn cả, điều khiến chị xúc động chính là sự quan tâm, theo sát của các cán bộ phường tham gia group chat này. “Có khi ba tiếng không thấy tôi báo cáo là cán bộ phường liền “tag” hỏi thăm sức khỏe của mẹ” - chị C. cho hay.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, cho biết trong quá trình tham gia phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong cao điểm dịch bệnh, bà nhận thấy có nhiều ca bất ngờ trở nặng do không được theo dõi sát nồng độ oxy máu, nhất là các F0 tự điều trị tại nhà. Thường các địa phương đều có tổ chăm sóc F0 tại nhà, song không phải bao giờ họ cũng kịp thời phát hiện khi bệnh diễn tiến nặng, nhất là ban đêm, thời điểm thường hay có diễn tiến bất thường. Nhiều trường hợp tự trang bị thiết bị SpO2, nhưng chưa biết cách theo dõi, có nhiều tình trạng thiếu oxy thầm lặng diễn tiến nhanh, không ít F0 chủ quan với chỉ số nồng độ oxy ở mức 94, 95 với cảm giác sức khỏe rất bình thường, ổn định, để sau đó là “trở tay không kịp”.
“Vì thế, theo dõi SpO2 rất quan trọng đối với bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà, nhờ đó bệnh nhân có thể nhận được hỗ trợ y tế kịp thời như chỉ định thuốc uống và thở oxy, hạn chế chuyển nặng và giảm nguy cơ tử vong”, bác sĩ Anh Thư chia sẻ. Qua đó, việc triển khai chương trình nhằm cung cấp miễn phí máy đo SpO2 cho F0 tại nhà như một cách sẻ chia công tác phòng, chống dịch với các địa phương của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM.
Ông Khưu Thiên Hùng, Bí thư phường 10, cho hay trước đây phường có hỗ trợ máy SpO2 cho các F0 tại nhà song loại máy này không có ứng dụng kết nối, việc theo dõi chủ yếu thông qua gọi điện thăm hỏi. Tùy trường hợp F0 mà cử lực lượng hỗ trợ oxy tiếp ứng hoặc nhập viện khiến đôi khi có một số trở ngại nhất định. Nhưng sau khi triển khai chương trình hỗ trợ SpO2, phường đã tiếp cận cũng như nắm bắt tình hình sức khỏe của F0 sát sao hơn, kịp thời hơn. Các F0 cũng cảm thấy an tâm hơn khi tự chăm sóc tại nhà.
Tận tình với “nhóm nguy cơ”
Là địa bàn đầu tiên phối hợp triển khai chương trình HICS hỗ trợ SpO2 này từ ngày 25/8, ông Lê Hoàng Tân, Bí thư phường 9, quận 6, nhận định: “Khi đó, thành phố đang cao điểm dịch bệnh, số F0 của phường cũng tăng mạnh. Chương trình HICS hỗ trợ SpO2 không những giúp giảm nguy cơ tiếp xúc - nhiễm bệnh giữa nhân viên y tế mà còn kịp thời chăm sóc các F0 tại nhà qua sự hỗ trợ của các bác sĩ “trực” chương trình. Đồng thời góp phần giảm tải cho lực lượng y tế cũng như các bệnh viện”.
Theo ông Tân, phần lớn các F0 thông qua chương trình do được theo dõi kỹ càng nên ít chuyển nặng. Khi có bệnh nhân chuyển biến nặng, chỉ số SpO2 dưới 96%, các bác sĩ của trạm y tế phường sẽ trực tiếp thăm khám, sau đó trao đổi nhanh với nhóm bác sĩ của chương trình HICS hỗ trợ SpO2 rồi tùy trường hợp hoặc chuyển lên bệnh viện tuyến trên hoặc phát thuốc điều trị, cung cấp oxy theo hướng dẫn.
Quá trình áp dụng chương trình hỗ trợ, P.9 ghi nhận số F0 tại nhà tử vong giảm trung bình từ 8 xuống 4 người/tuần, kịp thời cấp cứu và chuyển viện 25 trường hợp trở nặng và kể từ ngày 1/9, không còn trường hợp tử vong. Thông tin về một trường hợp F0 tại nhà, lớn tuổi, tai biến nằm một chỗ, ông Tân cho hay đó là “kỳ tích” khi bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, dưới sự điều phối, chỉ dẫn của chương trình HICS hỗ trợ SpO2.
Ngay sau phường 9, tất cả phường còn lại của quận 6 đều mở rộng triển khai chương trình hỗ trợ SpO2 này. Bác sĩ Anh Thư cho hay, thoạt đầu, theo kế hoạch, chương trình chỉ cung cấp miễn phí và theo dõi từ xa chỉ số SpO2 cho các F0 tại nhà; qua đó, kịp thời báo động cho địa phương xử lý. Thế rồi, bà thấy thực sự xúc động trước sự sâu sát của các lãnh đạo địa phương. Quận đã chủ động thực hiện mô hình phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, bác sĩ tư vấn của chương trình và bệnh nhân, qua đó mỗi phường thuộc quận 6 đều chủ động tạo một group Zalo, mời các bác sĩ của chương trình HICS hỗ trợ SpO2 tham gia.
“Từ lãnh đạo đến cán bộ y tế của địa phương đều trở thành cầu nối giữa các F0 tại nhà và bác sĩ. Lắm khi bệnh nhân gửi lên nhóm các chỉ số sức khỏe, bác sĩ nhìn và thấy an toàn nhưng do quá bận nên không tương tác. Lập tức, lãnh đạo các phường sẽ hỏi thăm sâu hơn triệu chứng của bệnh nhân, rồi tùy câu hỏi của F0 mà… “tag” bác sĩ để được nghe giải thích cho tất cả cùng an tâm”, bác sĩ Anh Thư chia sẻ.
Hiện tại, “nhóm nguy cơ cao” đang là nỗi lo của thành phố nói chung. Việc “mở cửa” của thành phố vừa qua dẫn đến không ít người… ở yên một chỗ vẫn mắc COVID-19. Họ thường là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và rất nhiều trường hợp trong thời gian giãn cách xã hội, chủ quan hoặc lo ngại nên chưa được tiêm vắc xin.
Cũng rất lo cho nhóm đối tượng này của phường, song ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư phường 12, quận 6, cho hay: “Với các F0 như vậy, chúng tôi mời các bác sĩ của chương trình HICS hỗ trợ SpO2 theo dõi riêng, có sự quan tâm đặc biệt hơn với “phác đồ” điều trị lẫn đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh nền, cơ địa của bệnh nhân”. Ông Bình thông tin, nhờ tham gia chương trình, địa bàn phường vừa qua có hai F0 thuộc “nhóm nguy cơ cao”, chưa được tiêm vắc xin song đều “lướt” qua những ngày dương tính nhẹ nhàng.
Theo bác sĩ Anh Thư, hiện chưa có nghiên cứu nào thống kê so sánh nhóm bệnh nhân được tư vấn, hỗ trợ đầy đủ từ xa liệu có ít trở nặng hơn so với nhóm được điều trị trực tiếp trong bệnh viện dã chiến; song hiệu quả của chương trình đem lại là một thực tế rõ ràng. Tiếc rằng, do nguồn lực còn hạn chế, chương trình hiện chỉ có thể triển khai toàn địa bàn Q.6, chưa được nhân rộng sang các địa phương khác.
“Chương trình HICS hỗ trợ SpO2 đã chia sẻ nỗi lo mà trước đây từng là nỗi ám ảnh của tôi” - ông Nguyễn Văn Bình khẳng định và cho hay, phường 12 từng là một trong những địa bàn có số F0 nhiều nhất so với các phường còn lại của quận 6 do lực lượng công nhân đông, nhiều doanh nghiệp trú đóng. “Trước kia, khi chưa có chương trình thì mặc dù có thuốc đấy, song chúng tôi không rành nghiệp vụ chuyên môn, không hiểu sâu về tình trạng bệnh nền của bệnh nhân do đó không “rành” việc điều phối, lên đơn thuốc phù hợp, chỉ có thể cung cấp kháng viêm cho người dân, còn kháng đông phải tìm hiểu kỹ bệnh tình của F0. Bây giờ, việc đó đã có các bác sĩ của chương trình phụ trách” - ông Nguyễn Văn Bình nói. |
Tuyết Dân