Nơi "đun nấu" hạnh phúc gia đình

11/11/2020 - 09:10

PNO - Phụ nữ nội trợ, tự ái to như quả đồi, họ dễ tự ti và cũng bất cần, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu.

Khi đũa muỗng, chén bát khua bất thường, tôi biết vợ đang “khó ở”. Sống cùng nhau gần 20 năm, tôi rất hiểu vợ. Bình thường, nếu lỡ tay va chạm chén bát gây tiếng động, cô ấy lên tiếng bằng cách nói “ui da”, hoặc “hôm nay mình hư quá”. Kệ, cứ để cô ấy khua thêm vài cái cho đã nư. Phụ nữ nội trợ mượn bếp núc thay lời muốn nói, có phải vì họ mắc… bệnh nghề nghiệp, hay vì coi bếp là thánh địa, nên mọi chuyện cứ nương vào bếp mà thể hiện?  

Giận là một phản ứng tự nhiên khi bị người khác tác động tâm lý, là kết quả của sự thất vọng. Có nhiều cách phản ứng lại sự tác động đó. Vợ tôi là người của gia đình. Trong mọi cơn giận, cô ấy không hề cằn nhằn, to tiếng. Việc khua chén bát là báo động “tui đây đang bực lắm”, chứ không có chuyện đập vỡ cái chén mới thỏa cơn giận. Cô ấy tiếc cái chén và tiết kiệm. Đập cái chén thì dễ, giữ cái chén mà cả gia đình cất công vào siêu thị chọn lựa từ hoa văn tới màu sắc để “ăn cơm với mắm cũng thấy ngon” - thì giận gì cũng phải biết cân nhắc. Đó là những lời ruột gan của vợ sau cơn giận.

Tôi “chịu” kiểu này. Tôi sợ những lời hù dọa, than thở, trách móc, khóc lóc. Hay tại tôi đã quen với cách trút giận dễ thương ấy nên dặn lòng, chén bát vốn mong manh dễ vỡ, phụ nữ cũng thế, cứ để họ trút giận theo cách họ muốn, rồi đâu sẽ vào đấy thôi.

Vợ tôi, không phải vì chọn nội trợ nên không dám phản ứng mạnh khi giận. Phụ nữ nội trợ, tự ái to như quả đồi, họ dễ tự ti và cũng bất cần, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu. Như vợ chồng bà chị họ tôi. Cũng tại anh chồng chê công việc nội trợ của vợ, ra ngoài cặp bồ, mà quên mất vợ chọn gia đình, chấp nhận lùi một bước để chồng an tâm chăm lo sự nghiệp.

Đàn bà nội trợ tự ái lớn như ngọn đồi- Ảnh minh họa
Đàn bà nội trợ tự ái to như quả đồi- Ảnh minh họa

Sau ly hôn, chị ấy dành một năm củng cố kiến thức, tiếp cận công việc, vài năm sau thành công mỹ mãn. Chồng cũ nhìn chị ấy chỉ biết nuốt nước bọt. Có một người vợ tiềm năng mà không biết trân trọng, giờ tiếc nhưng có dám nói ra?

Phụ nữ chọn nội trợ có khi cũng chỉ vì chiều chồng. Chẳng ai vừa lấy chồng hôm trước, hôm sau đã giơ tay xung phong “em ở nhà nội trợ” đâu. Thời đại này, chẳng cha mẹ nào dạy con gái ở nhà nội trợ, nhưng dạy con phải biết dùng bếp sưởi ấm hạnh phúc thì chẳng cha mẹ nào quên.

Phụ nữ vừa việc gia đình, vừa việc xã hội, vất vả là có thật, nhưng là sự vất vả hạnh phúc, vẫn hơn làm một phụ nữ nội trợ buồn tẻ, hay làm một bà giám đốc giỏi việc xã hội mà để bếp nhà lạnh tanh.

Biết thế, vợ tôi bôn ba kiếm việc làm thêm, vì mong muốn phụ giúp kinh tế, nhưng tôi thì, một khi năn nỉ vợ ở nhà nội trợ, là tự nhủ mình phải làm việc gấp đôi. Tôi nghĩ, phụ nữ dù giỏi đến đâu, nhưng có người chồng không biết chia sẻ, thông cảm thì không bao giờ tìm thấy hạnh phúc.

Ngược lại, một người vợ có phần vụng về, nhưng được chồng thương yêu thì hạnh phúc ở trong tầm tay họ. Phụ nữ ngày càng giỏi, nhưng gian bếp luôn là nơi để họ trở về, để có thể làm một “chuyên gia” pha chế, một người vợ, một người mẹ. 

Vợ tôi vì chồng con mà bếp ngày nào cũng đỏ lửa, và luôn giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ để có thể nấu những bữa cơm ngon. Thành thử, tôi không cảm thấy bực bội khi cô ấy khua chén. Ngược lại càng thương vợ. Thương người phụ nữ chấp nhận chọn bếp núc, chấp nhận nương tựa vào bếp để giữ gìn tổ ấm. Một sự chấp nhận can đảm, thật đáng quý trọng. 

Tôi thường nói với vợ, cứ vui với sự lựa chọn của mình. Bếp núc là nơi người đàn ông luôn cảm thấy ấm áp nhất trong căn nhà, không chỉ vì nơi đó có lửa, mà còn có một phụ nữ chuyên tâm, cần mẫn với gia đình, ở đó có tiếng chén khua, dù vô tình hay cố ý, thì đó cũng là cách… thay lời muốn nói rất đáng thông cảm. Bếp núc - thánh địa của vợ đó, nơi “đun nấu” hạnh phúc gia đình, thì cứ làm những gì mình thích, vợ nhé.  

Lê Phi
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI