Nói điều không muốn

18/07/2023 - 06:11

PNO - Để chèo lái con thuyền hôn nhân, Thúy đã không ngừng cố gắng và thay đổi để thích nghi, còn chồng cô lại cho mình cái quyền “chỉ đứng yên một chỗ”.

Trong cuộc trò chuyện sáng nay với chồng, Thúy không lòng vòng như mọi hôm mà vào thẳng vấn đề: “Chúng ta đã nhiều lần nói về những bất ổn trong cuộc hôn nhân của mình, nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, không có ý định thay đổi để cùng em vun vén gia đình. Bây giờ, em cho anh cơ hội cuối, nếu anh vẫn vậy, em sẽ đơn phương ly hôn”.

“Sao em luôn quan trọng hóa mọi chuyện trong khi anh vẫn như xưa. Từ ngày lấy nhau đến giờ, người thay đổi là em đấy” - Thành to tiếng đáp trả.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Suốt buổi nói chuyện sau đó, Thúy thừa nhận mình là người thay đổi nhiều nhất. Sau khi có con, rồi con lớn, công việc ngày càng khó khăn… khiến Thúy từ vô tư, mơ mộng trở thành một người vợ biết co kéo, lo toan.

Ngày trước, Thúy đam mê thời trang, sáng diện, trưa diện, tối diện, bây giờ cô chỉ làm đẹp vào những dịp quan trọng. Thúy bỏ luôn thói quen chụp hình, sống ảo, trang trí nhà cửa bằng hoa tươi. Bây giờ, cô dành thời gian đọc sách, tối giản đồ đạc trong nhà để tạo không gian vui chơi, học tập cho các con.

Để chèo lái con thuyền hôn nhân, Thúy đã không ngừng cố gắng và thay đổi để thích nghi, còn chồng cô lại cho mình cái quyền “chỉ đứng yên một chỗ”. Thành vẫn như chàng thanh niên 10 năm về trước khi cùng cô bước ra khỏi lễ đường.

“Nói anh nghe, bây giờ em thực sự muốn gì?” - Thành tiếp tục cuộc trò chuyện. “Những điều em muốn rất nhiều và em cũng đã năm lần bảy lượt nói với anh. Nhưng hình như anh không hề bận tâm đến chúng. Bây giờ em sẽ nói điều mình không muốn. Em không muốn tiếp tục cuộc sống gia đình như bây giờ nữa”.

Trong những cuộc trò chuyện trước, Thúy đã đưa ra rất nhiều nguyện vọng. Thúy muốn chồng siêng chia sẻ việc nhà hơn, muốn chồng lên kế hoạch để kiếm tiền giỏi hơn, muốn chồng bớt thời gian rượu chè, quán xá, muốn chồng đọc và theo dõi những tấm gương, câu chuyện làm cha.

Giá trị của một người đàn ông đã có gia đình là nói đi đôi với làm. Thành chẳng thể dạy con về lòng bao dung, sự tử tế hay những thói quen lành mạnh khi anh sinh hoạt bừa bãi, luộm thuộm, chỉ đặt nặng nhu cầu và cảm xúc cá nhân.

Để chồng thay đổi, Thúy từng rủ rỉ rù rì, từng to tiếng. Đáp lại luôn là thái độ bực bội, hờ hững của Thành. Có lẽ chồng cô khi đã có sẵn bản tính ích kỷ, trẻ con thì rất khó tiếp nhận những yêu cầu từ người khác. Những “chỉ số”, gạch đầu dòng mà Thúy đưa ra sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thật khi Thành mãi cố chấp rằng cuộc sống gia đình vẫn ổn. Thành chẳng để những lời “em muốn” ấy lọt vào tai.

“Sao em cứ hay đặt ra những yêu cầu để người khác phải mệt mỏi, nặng nề? Em nghĩ anh không đủ áp lực hay sao? Sao em biết anh không tiến bộ?”. Có thể những câu nói ấy hoàn toàn không phải là lời ngụy biện. Đó có thể là chính xác những điều Thành cảm nhận trong mối quan hệ vợ chồng.

Thúy nghiệm lại, trong bất cứ mối quan hệ nào, dù là đồng nghiệp, bạn bè hay chồng vợ, mình chỉ có thể giữ thế chủ động khi đủ can đảm để đặt bản thân vào tâm thế “không muốn nữa”. Trường hợp còn lại, khi mình còn muốn điều này điều kia nhưng đối phương không hợp tác thì mối quan hệ ấy chỉ làm hao tâm tổn trí của mình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau khi ra trường, Thúy từng gắn bó với một công việc không phù hợp gần 5 năm. Có lúc cô áp lực, mệt mỏi đến rã rời vì những quy định vô lý của cấp trên. Có vài lần, cô mạnh dạn gửi đơn nêu ý kiến. Chỉ đến khi những điều cô góp ý lần lượt bị khước từ thì cô mới đủ tỉnh táo để quay về kiếm tìm, nhận ra thứ quan trọng hơn giúp tạo ra sự thay đổi. Đó chính là điều cô không muốn.

Cô không muốn ngày ngày phải đấu tranh với cảm giác trống rỗng khi phải làm một công việc mang nặng tính hình thức, cô không muốn tiếp tục làm việc ở môi trường mà các nhân viên liên tục giở trò kèn cựa… Vì Thúy biết rõ điều mình không muốn nữa nên cô đã từ bỏ được và bước vào một con đường mới.

Thúy không muốn bên cạnh một người chồng không chịu lớn. Cô nhận ra, nếu câu nói “em muốn” tạo ra áp lực cho người đối diện, dễ dàng bị ngó lơ, thì câu nói “em không muốn nữa” sẽ là lời cảnh cáo cho đối phương thấy rõ sức mạnh và giá trị của người nói.

Sau cuộc trò chuyện nghiêm túc nhưng thoải mái với vợ, Thành nhận ra, anh còn muốn có cô, muốn chung nhau một mái ấm, nên anh quyết tâm thay đổi. Và tất nhiên, người giúp anh là bà vợ rất biết “nói là làm” của anh. 

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI