Rưng rưng xúc động
Trước đó, bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cũng đã kịp đến Cao Bằng tham gia cùng đoàn “Hành trình về nguồn”, thăm thác Bản Giốc và khu di tích lịch sử Pác Bó.
Qua những địa danh hang Cốc Pó, suối Lê Nin, núi Các Mác, mộ anh Kim Đồng… các thành viên của đoàn đều xúc động bởi hành trình gian khổ, ý chí cách mạng kiên cường của Bác Hồ và các chiến sĩ thời kỳ kháng Pháp.
Chị Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên viên Trung tâm Thông tin giáo dục và phát triển Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nhìn nơi ở và làm việc của Bác Hồ ở Pác Bó, tôi không khỏi lặng người. Còn khó khăn, gian khổ nào hơn. Vậy mà Bác vẫn coi mọi khó khăn đó như không, kiên định con đường cứu nước. Từng địa danh đã đi qua, như di tích cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, lán Nà Nưa… là những câu chuyện về sự giản dị, ân cần, yêu thương của Bác với đồng bào và việc lựa chọn nơi núi non địa hình hiểm trở của Bác thời kỳ hoạt động cách mạng khi mới trở về Tổ quốc cho thấy sự hy sinh vô bờ của Bác với sự nghiệp cách mạng Việt Nam”.
“Hành trình đã đưa chúng tôi qua những địa danh mà trước nay chỉ biết trong sách vở” - Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP.HCM, thành viên cao tuổi nhất của đoàn chia sẻ. Đây cũng là cảm xúc chung của tất cả các thành viên trong đoàn.
Tại buổi chào cờ dưới cột cờ Lũng Cú, tại biên giới Việt Trung, cả đoàn đã rưng rưng xúc động nhìn lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 , tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, rực đỏ tung bay trên bầu trời Tổ quốc.
|
Đoàn cán bộ Hội và phụ nữ tiêu biểu TP.HCM làm lễ chào cờ trên đỉnh Lũng Cú. |
Chị Đoàn Thị Kim Chi - huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, nói: “Đã không ít lần trong cuộc đời tôi nhòe nước mắt khi ngước nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay và hôm nay, thêm một lần nữa, trạng thái này trở lại. Thật thiêng liêng và ý nghĩa!”.
Chúng tôi hiểu, ý nghĩa đó không chỉ bởi cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470m so với mặt nước biển, điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam nằm trên đường biên giới Việt-Trung, mà vì đây là cột mốc biên cương được cha ông ta lựa chọn từ thời Lý và được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo đến hôm nay.
Thương quá vùng cao
Đến ngôi trường Tiểu học Quyết Tiến (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi cảm nhận được bao khó khăn từ những em học trò nhỏ phong phanh áo mỏng dưới cái rét căm căm, vượt bao đèo dốc đến trường.
Dù cơ sở vật chất đơn sơ, nhưng Trường Quyết Tiến hôm nay đã được xây dựng lại khang trang, khác hẳn cái thời trường bị học trò “chê” không thèm đến lớp. Được như hôm nay cũng là nhờ vào tấm lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của biết bao người thầy như thầy Vương Khắc Hùng, cô Đinh Loan Vân, cô Mông Thị Hằng, cô Đặng Thị Lệ Hằng… Thầy cô đã lội suối, băng rừng đến từng nhà để vận động các em đến trường.
Dù chính sách chưa có, nhưng thầy cô vẫn hứa và thực hiện lời hứa với phụ huynh là sẽ nuôi các em ăn học, chỉ cần gia đình đồng ý gửi con. Và ngôi trường đã trở thành “trường nội trú” mười mấy năm qua, nuôi hơn 150 trẻ với mỗi suất ăn chỉ từ 5.000-8.000đ, thu hút hơn 700 đứa trẻ khác đến tìm con chữ mỗi ngày, dù chưa một cấp nào của ngành giáo dục công nhận.
Nghe xong câu chuyện, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM, trưởng đoàn đã phát động 107 thành viên cùng đóng góp hơn 22 triệu đồng để gửi thầy cô lo cho bữa ăn của các cháu. Chúng tôi rời ngôi trường trong câu hát véo von của các bé “đi học xa để tương lai thật gần”…
Ghé đồn biên phòng Lũng Cú, chúng tôi được nghe thượng tá Phạm Ngọc Thủy - Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy của đồn biên phòng Lũng Cú kể lại câu chuyện chiến sĩ của đồn trực tiếp nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, hỗ trợ cho những đứa trẻ khó khăn được đến trường, làm công tác tư tưởng để dân hiểu và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu… Biên giới không chỉ là nơi những người lính ngày đêm cầm chắc tay súng mà còn là nơi họ phải hóa thân làm thầy giáo, thầy thuốc, là cán bộ khuyến nông…để chăm lo cho cuộc sống người dân.
Nhận lá cờ Tổ quốc ký hiệu số 227 từng tung bay trên cột cờ Lũng Cú từ tay thượng tá Thủy, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, trưởng đoàn, chia sẻ: “Đây là một món quà đầy ý nghĩa đối với đoàn, lá cờ này sẽ được chúng tôi mang về Thành Phố, trưng bày ở phòng truyền thống Hội LHPN TP.HCM như một tư liệu sống động để qua đó, giáo dục thêm lòng yêu Tổ quốc của cán bộ, hội viên, PN. Qua hành trình, chúng tôi đã cảm nhận được cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao ở từng nơi đặt chân đến… chúng tôi vô cùng cảm phục”.
Nhân dịp này, bà Bích đã giới thiệu với cán bộ, chỉ huy của đồn về những hoạt động hậu phương quân đội của Hội LHPN TP.HCM trong những năm qua như chương trình hướng về biên cương hải đảo với hàng ngàn suất quà, những mái ấm biên cương, cho vợ, con, gia đình chiến sĩ… Bà khẳng định công tác hậu phương quân đội sẽ còn được các cấp Hội tại TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Năm trong bảy ngày của chuyến “Hành trình về nguồn” của Đoàn cán bộ Hội và phụ nữ tiêu biểu TP.HCM đã đi qua. Đọng lại trong ký ức những thành viên của đoàn không chỉ là cảnh núi non hùng vĩ hay vẻ đẹp tinh khôi của màu hoa cải, sự gắn bó thân thương giữa các thành viên… mà còn là sự trỗi dậy trong tâm khảm mỗi người về tình yêu quê hương Tổ quốc.
Nghi Anh