Nơi để trở về…

18/03/2016 - 07:45

PNO - Có gì hạnh phúc hơn khi cất tiếng khóc chào đời ta được mẹ ôm ấp, nựng nịu bằng lời ru thấm đẫm tình thương. Những bước đi lẫm chẫm đầu đời...

Noi de tro ve…
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chúng ta thường lặn ngụp đi tìm hạnh phúc tận đâu, để rồi có người đến khi bạc đầu mới nhận ra hạnh phúc chẳng đâu xa. Nó nằm ở chính nơi ta được sinh ra trong vòng tay yêu thương của gia đình. Có gì hạnh phúc hơn khi cất tiếng khóc chào đời ta được mẹ ôm ấp, nựng nịu bằng lời ru thấm đẫm tình thương. Những bước đi lẫm chẫm đầu đời có bàn tay bố dắt. Những vấp ngã non nớt đầu đời có mẹ đỡ nâng. Bữa cơm nghèo miếng ngon con ăn, khoai sắn bố mẹ dành về phần mình. Rồi những lúc ốm đau có bát cháo nóng mẹ nấu và ánh mắt lo âu bố ngồi canh suốt đêm dài.

Những khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc nhất mà chúng ta có được trong đời, thường không phải là khi ở đỉnh vinh quang hay ở nơi giàu có mà là lúc được sum vầy bên mâm cơm gia đình, sẻ chia cùng nhau bao vui buồn thường nhật. Nhất là khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người bận rộn đối mặt với muôn vàn khó khăn, thì hạnh phúc gia đình ngày càng trở nên mong manh hơn nếu mỗi thành viên không tự ý thức gắn kết và vun đắp yêu thương.

Tôi thường nhớ đến chị, người đàn bà ngoài năm mươi tuổi ấy. Chị bận rộn suốt ngày với công việc kinh doanh bất động sản. Chồng làm viên chức nhà nước, đi từ sáng đến tối mịt mới về. Một mình chị quán xuyến luôn cả đống việc nhà, từ nấu cơm, dọn dẹp đến ủi phẳng phiu từng chiếc áo cho chồng. Bệnh đau dạ dày thỉnh thoảng lại hành chị một trận ra trò. Làm trăm công nghìn việc, đến bữa có khi chị đau không ăn được. Ấy thế mà những ai từng tiếp xúc với người phụ nữ này đều thấy rõ sự lạc quan và cả sự tận tụy, hy sinh mà chị dành cho mái ấm của mình.

Gặp chị lần nào cũng vậy, dù đang bận bịu thì chiếc điện thoại vẫn luôn đặt trước mặt. Thỉnh thoảng lại thấy có tin nhắn. Chị cười bảo “chờ chị chút, chắc là con gái nhắn”. Vừa đọc tin nhắn, chị vừa tủm tỉm cười: “Lớn tướng rồi mà việc gì cũng mẹ. Tuần nào chị cũng qua nhà vợ chồng nó vài lần ngó xem ăn ở thế nào. Đấy, lắm lúc nhắn chỉ để hỏi cuộn kim chỉ mẹ để ở đâu; món nộm đu đủ làm như thế nào? Đang kêu thèm trứng vịt lộn. Bầu bí mà. Sáng chị đã tranh thủ xuống chợ mua sẵn để đấy rồi”.

Một lúc sau lại có cuộc gọi của cậu con trai đang du học bên Mỹ. Cuộc gọi video giúp chị vừa trò chuyện vừa ngắm con đang rửa rau, chuẩn bị cho bữa tối. Cậu con trai hồn nhiên kể chuyện sáng nhìn nhầm đồng hồ nên đi học rõ sớm. Chuyện mấy cậu bạn rủ đi chơi cuối tuần nhưng bận ôn thi. Cậu cũng không quên hỏi mẹ hôm nay ăn món gì, uống thuốc có đều không. Trong giây phút ấy tôi thấy rõ niềm hạnh phúc trên khuôn mặt chị.

Chị than “già rồi, mấy thứ liên quan đến công nghệ chị kém lắm. Nhưng cũng cố mày mò sử dụng mạng xã hội để hàng ngày trò chuyện với chồng con”. Hết đứa lớn đến đứa nhỏ du học, cả nhà chị rất ít khi có dịp sum vầy. Nhưng hàng ngày phải nhìn thấy mặt, nghe thấy giọng, tâm sự cùng nhau. Cả nhà chị tạo một nhóm chat riêng. Bận đến mấy vẫn dành thời gian hỏi han nhau. Khối chuyện ở công ty chồng chẳng biết giải quyết thế nào cũng nhắn về nhờ gỡ rối. Con ở xa có hôm nhớ nhà chẳng ngủ được cũng gọi về kêu “mẹ hát ru đi”.

Chị lúc nào cũng ưu tiên việc chăm sóc gia đình. Chị nói tiền bạc quan trọng thật, nhưng không bằng hạnh phúc gia đình. Tiền trăm bạc triệu mà mâm cơm chiều lúc nào cũng nguội thì cũng bất hạnh. Chồng chị có địa vị, biết bao nhiêu mối quan hệ xã giao lúc nào cũng muốn kéo anh đi. Nhưng bao năm nay anh không để chị ăn cơm một mình. Tối cũng hạn chế ra ngoài để quanh quẩn ở nhà cùng chị.

Cậu con trai thích khám phá những miền đất lạ, thích văn hóa của các nước phương Tây, nhưng lúc nào cũng nói khi học xong nhất định trở về Việt Nam sống và làm việc, để được ở gần gia đình, được chăm sóc bố mẹ lúc về già. Lần gặp gần đây nhất thấy chị khoe “thằng nhỏ sắp về Việt Nam. Được nghỉ ít ngày chị bảo nó nghỉ ngơi hoặc đi chơi với bạn bè cho vui, nhưng nó bảo chẳng gì vui bằng được trở về nhà. Chị đang tính thu xếp công việc để lúc con về chỉ quanh quẩn chợ búa, nấu thật nhiều món ngon và dẫn con về quê thăm họ hàng”.

Tôi thấy mình vui lây với niềm hạnh phúc của gia đình chị. Sự gắn kết yêu thương đâu chỉ lan tỏa trong một góc bếp, một nếp nhà mà còn mang đến cho bao người xung quanh thứ gia vị tuyệt vời mang tên hạnh phúc.

Vũ Thị Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI